Có rất nhiều cách để khởi đầu một năm mới, và ở đây, Trung Quốc đã chọn cách tồi tệ nhất. Đội tuyển U23 của họ bị loại chỉ sau 2 lượt trận, không ghi nổi bàn thắng nào và nhận 3 bàn thua.
Với người hâm mộ ở đất nước tỷ dân, năm 2019 thực sự khủng khiếp. Từ ĐTQG đến các đội trẻ liên tiếp bị đánh bại ở mọi đấu trường. Đỉnh điểm là thất bại ô nhục trước Syria khiến HLV Marcelo Lippi phải cúi đầu từ chức. Tất cả hy vọng vào một năm 2020 tươi sáng hơn. Và VCK U23 châu Á là dịp tuyệt vời để khởi đầu cho kỷ nguyên mới.
Không may cho họ, những gì xảy ra trong năm 2020 vẫn là sự nối dài của những thất vọng 2019, và của nhiều năm trước đó.
U23 Trung Quốc sẽ phải dừng cuộc chơi ngay sau vòng bảng. Ảnh: AFC.
U23 Trung Quốc đã bước vào giải đấu trên đất Thái Lan với rất nhiều hứng khởi. Ở trận đấu với Hàn Quốc, đội quân của HLV Hao Wei đã gây ngạc nhiên, ngay cả với người hâm mộ đất nước họ, bởi tinh thần chiến binh, sự quả cảm và thái độ không sợ hãi.
Mặc dù thua, nhưng màn thể hiện đầy tích cực đã gieo hy vọng về một thế hệ bóng đá mới ở Trung Quốc.
Rồi người hâm mộ nhận ra họ đã bị lừa. Không có gì chuyển biến ở đây cả. Thất bại 0-2 trước Uzbekistan cho thấy đây vẫn là diện mạo cũ của bóng đá Trung Quốc. Thụ động, bế tắc về mặt chiến thuật, yếu đuối về mặt tinh thần và quen thuộc về mặt kết quả. Cuối cùng, sự lạc quan thoáng qua biến mất, nhường chỗ cho sự bi quan.
Bóng đá Trung Quốc không thể vươn tới tầm cao mà họ hy vọng. Ảnh: AFC.
Một lần nữa người Trung Quốc tự hỏi, tại sao họ không thể sở hữu một đội bóng mạnh mẽ? Trong những năm qua, họ đã đổ rất nhiều tiền của để tạo nên một giải đấu của những ngôi sao, đưa về những HLV danh tiếng và xây dựng học viện đào tạo trẻ trải khắp đất nước.
Trung Quốc đã không thu lại bất cứ thứ gì. Những cầu thủ được coi là tinh hoa của nền bóng đá tập hợp tại ĐTQG hay U23 vẫn thất bại. Sau tiếng thở dài, một số nói rằng Trung Quốc như thể gã trọc phú, ngu ngốc nhưng lại có quá nhiều tiền. Như hình ảnh các học trò của Hao Wei loay hoay suốt 90 phút mà không thể đưa được bóng vào lưới Uzbekistan, những người đứng đầu bóng đá Trung Quốc hoàn toàn không biết phải làm thế nào để tiêu tiền cho đúng.
Thực tế là Trung Quốc sai ngay từ đầu. Họ vốn không phải quốc gia bóng đá, ngay cả khi cố chứng minh bóng đá có nguồn gốc từ Trung Quốc, với trò chơi có tên gọi "cuju" được phổ biến từ thời Chiến quốc.
Những cầu thủ được coi là tinh hoa của nền bóng đá Trung Hoa liên tiếp nhận thất bại.
Như trên PPSport, một người bình luận rằng anh ta đang làm việc tại nhà máy ở tuổi 48. Những người trẻ hơn anh ta "không xem bóng đá", trong khi đám già hơn "không hiểu bóng đá".
Kể từ khi bước sang thế kỷ 21, Trung Quốc cố gắng biến thành một đất nước vĩ đại và đáng tự hào. Họ tìm thấy ở bóng đá sức mạnh gắn kết, cũng như tiềm năng trở thành biểu tượng của sự phồn vinh. Vì vậy bóng đá đột nhiên rơi vào tình trạng phát triển nóng.
Nhưng khi cả quốc gia bỗng sôi sục vì môn thể thao này, tình yêu luôn là thứ bị nghi ngờ. Trong rất nhiều nhà đầu tư, có bao nhiêu người thực sự đam mê và hết mình vì bóng đá? Ngay cả với các cầu thủ, bóng đá giống như một công việc được trả lương cao hơn là niềm yêu thích.
Trong một bài viết trên trang Huxiu cách đây không lâu, tác giả thẳng thắn nói rằng "thực tế, chúng ta - người Trung Quốc - không yêu bóng đá nhiều như chúng ta nghĩ. Từ gốc rễ, chúng ta đã không yêu, vậy nên không hiểu cách vận hành của môn thể thao này".
Trung Quốc miễn cưỡng đưa mình vào tình yêu bóng đá. Ảnh: AFC.
Đó là lý do người Trung Quốc luôn huyễn hoặc về sức mạnh của đội tuyển và đặt ra mức kỳ vọng cao chót vót. Vì họ đã có những bước tiến đáng kinh ngạc về kinh tế, họ đương nhiên cũng phải đứng đầu về bóng đá, trở thành nhà vô địch châu Á và dự World Cup.
Thực tế không dễ dàng như vậy. Và tâm lý người hâm mộ cũng thay đổi, chuyển sang chì chiết. Sau thất bại trước Uzbekistan, rất nhiều bình luận mô tả các cầu thủ là "đàn lợn", kêu gọi giải thể đội tuyển bởi họ tin rằng bóng đá Trung Quốc vĩnh viễn không thể cải thiện trong 1.000 năm tới.
Khi tình yêu miễn cưỡng không được đền đáp, "những fan phong trào" bắt đầu từ bỏ. Thế nên anh chàng công nhân 48 tuổi ở trên mới nói, "đám trẻ hơn hết thích bóng đá". Họ tìm kiếm tình yêu mới ở môn thể thao mới. Thật khó để sở hữu nền bóng đá lớn mạnh khi không được xây dựng bởi tình yêu.
Bao giờ bóng đá Trung Quốc mới thực sự phát triển. Như tác giả bài viết trên Huxiu bình luận, "sự trỗi dậy của bóng đá Trung Quốc cần phải đợi đến ngày mà cả xã hội bình tĩnh lại".
Bạn nên quan tâm