Đấy là lứa cầu thủ đa phần còn rất trẻ nhưng đã chiếm trọn trái tim người hâm mộ và đặc biệt, chinh phục được lớp đàn anh. Bóng đá, cũng như âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh…, người đi sau để tìm được sự thừa nhận của người đi trước bao giờ cũng thật khó khăn.
Vũ Như Thành, trung vệ tài hoa từng vô địch AFF Cup 2008, là một người kiêu hãnh và thuộc mẫu “ăn mày dĩ vãng”. Với anh, thế hệ cùng HLV Calisto lên đỉnh Đông Nam Á luôn là số 1. Nhưng bây giờ, anh không hề che giấu sự ngưỡng mộ dành cho những cầu thủ chỉ đáng tuổi em, tuổi cháu mình.
“Tuyển Việt Nam hiện tại có chất lượng tốt hơn thế hệ chúng tôi, hơn cả về kỹ thuật, sức nhanh, sức mạnh, sức bền lẫn tư duy chiến thuật”. Bên cạnh đó, sự khác biệt còn đến ở chiều sâu lực lượng, vì “chúng ta chưa từng có một đội tuyển mà trình độ của người đá chính và dự bị hầu như không chênh lệch” – Thành “kếu” phân tích.
Đó không phải là những lời xã giao hào hiệp. Nó được đưa ra bởi một cựu tuyển thủ “chuyên môn sâu” và khắt khe trong những đánh giá của mình. Như Thành nói đúng và công tâm, bởi trong tay HLV Park Hang-seo đang là một lực lượng trẻ nhưng không hề non nớt, đầy bản lĩnh dù vẫn còn rất tiềm năng. Họ đã nếm trải đủ những cung bậc thử thách và cảm xúc, đi qua những đấu trường khốc liệt ở đẳng cấp cao hơn mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam, và dấu ấn họ để lại luôn làm lay động lòng người.
Nếu cần vẽ lại thật nhanh những cung đường họ đã đi trong năm 2018 thì đấy là Thường Châu tuyết trắng, nơi Quang Hải sở hữu “cầu vồng” và hàng loạt siêu phẩm “gai người”, nơi Phan Văn Đức được phát hiện ra, nơi chúng ta á quân mà hào sảng không thua kém nhà vô địch. Đấy là Asiad, nơi Công Phượng thực sự chuyển mình, nơi Anh Đức, Hùng Dũng, Văn Quyết được “ghép team”, nơi chúng ta vào bán kết thuyết phục chứ không còn mang dáng hình “hiện tượng”… Và tất cả đều là những bước chuẩn bị cho AFF Cup, chiếc cúp mà chúng ta khắc khoải tròn một thập kỷ qua.
Nhờ những tính toán chi li của thầy Park, tuyển Việt Nam bước vào AFF Cup với hành trang lớn là kinh nghiệm từ các giải đấu châu lục và niềm tin lớn là trình độ đã được nâng tầm. Chúng ta vượt qua vòng đấu bảng khá nhẹ nhàng với thành tích bất bại, thậm chí không thủng lưới và một lối chơi đủ bền vững để đi xa. Nó khác với đội bóng của Như Thành 10 năm trước, chạy đà tuyệt vọng với 11 trận không thắng, khởi đầu AFF Cup bằng thất bại 0-2 trước Thái Lan, rốt cuộc phải nhờ đến trận đấu “ma làm” với Malaysia để thắp lại hy vọng sống sót qua vòng bảng.
Niềm tin vì thế cũng chẳng giống nhau. Ngay trước thềm giải đấu, nếu ông Calisto phải nhận “tối hậu thư” đe mất ghế thì ngài Park lại được vinh danh như người hùng cần giữ chân bằng mọi giá. Thế hệ Như Thành cho đến trận bán kết lượt đi với Singapore (hòa 0-0 tại Mỹ Đình) vẫn khiến người hâm mộ phấp phỏng âu lo, nhưng lứa Quang Hải thì thuyết phục được “quốc dân” ngay từ khi trái bóng vừa lăn. Hành trình thông đồng bén giọt của thầy trò ông Park thực sự tương xứng với những kỳ vọng đặt lên vai họ trong cuộc săn Vàng.
Người ta hay nhắc đến chu kỳ 10 năm, với những trận chung kết Tiger Cup 1998, AFF Cup 2008 và bây giờ nữa. Trong suốt khoảng thời gian đằng đẵng ấy và trước đó, khát vọng vô địch chưa bao giờ vơi cạn. Ngay cả trong những thời điểm suy sụp nhất.
Là khi cái lưng của Sasi Kumar biến rừng cờ hoa thành biển nước mắt năm 1998, Indonesia nhấn chìm đội bóng cơ bắp của Tavares ngay tại Mỹ Đình năm 2004. Là khi bàn tay ma thuật Calisto “hết phép” trước ánh đèn laser của người Mã năm 2010.
Là khi “nội lực” của Phan Thanh Hùng, Hoàng Anh Tuấn thua tơi bời trên đất Thái năm 2012, Miura khổ hạnh hay Hữu Thắng mỏi mòn chuốc lấy những thất bại đớn đau liên tiếp hai năm 2014, 2016… Là khi đại án Bacolod nổ ra, chôn vùi cả một lứa cầu thủ tài năng của Quốc Vượng, Văn Quyến…
Là khi Mai Xuân Hợp đốt lưới, dâng chiến thắng cho Malaysia trên đất Lào sửng sốt. Là khi thế hệ tìm vàng của Công Phượng, Xuân Trường gục đầu bất lực ở kỳ SEA Games cuối cùng của đời mình… Bóng đá Việt Nam đã quá quen với những lần bước hụt, những giọt nước mắt tức tưởi chan khắp các khán đài…
Nhưng không vì thế mà chúng ta thôi không bước nữa hay hạn hán nụ cười. Ở đâu có tuyển Việt Nam, ở đấy có cờ đỏ sao vàng, dù là băng giá Thường Châu hay Bacolod đầy ám ảnh. Nhất là khi Park Hang-seo đến, mang theo màu nhiệm nối tiếp nhiệm màu, thì khát vọng vàng của cả một dân tộc đam mê bóng đá lại được thổi bùng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Người ta không thể biết ông Park và đội quân “thiên biến vạn hóa” của ông sẽ làm những gì ở trận tiếp theo. Luôn là những điều bất ngờ, bí ẩn. Luôn là những phút thăng hoa. Và luôn làm cho người hâm mộ vỡ òa hạnh phúc.
Càng gần vạch đích, tuyển Việt Nam càng gặp những ngọn núi cao hơn. Không phải là Thái Lan như dự kiến, nhưng Malaysia đã chứng tỏ họ xứng đáng có mặt ở chung kết để tái đấu chúng ta. “Chú hổ” đã rút ra nhiều kinh nghiệm sau vòng bảng, đã buộc chúng ta gặp nhiều áp lực, bộc lộ nhiều sai số. Nhưng quan trọng hơn cả, thầy trò ông Park vẫn đang đứng vững, nắm lợi thế chút đỉnh trong tay và sẽ được Mỹ Đình nhân lên gấp nhiều lần sức mạnh.
Sau trận chung kết lượt đi, đã có một số xung đột nho nhỏ xảy ra giữa cá nhân cầu thủ với cộng đồng cư dân mạng. Nhưng điều ấy không thể làm sứt mẻ tình cảm của người hâm mộ chân chính dành cho đội bóng, với tất cả sự mong chờ, ủng hộ.
HLV Park Hang-seo vẫn cầu nguyện mỗi lần đặt chân lên mặt cỏ. Ông luôn là như thế, cẩn trọng và phiêu lưu. Các cầu thủ vẫn tếu táo, vui đùa. Họ cũng luôn là như thế, tỉnh táo và mạnh mẽ dù đối thủ là ai và tính chất trận đấu thế nào.
Một đội tuyển Việt Nam tự tôn, vững chãi hơn bao giờ hết càng khiến người hâm mộ khát khao, mê đắm hơn bao giờ hết. Hà Nội, TPHCM đã sẵn sàng cho những cuộc xuống đường. Ở miền Trung, lụt lội, mưa bão cũng không thể ngăn cản tình yêu bóng đá và niềm tin chiến thắng.
Những anh thợ hồ, những bác xích lô không quản gió rét thấu xương để quây quanh những màn chiếu vỉa hè. Những người đến sát giờ bóng lăn vẫn còn vật lộn để kiếm tìm một cơ may được len vào sân Mỹ Đình đỏ lửa…
Cả dân tộc đồng lòng cho chiếc Cúp vàng mà chúng ta đã chạm được một tay vào. Phần còn lại sẽ thuộc về lịch sử…
Bạn nên quan tâm