Khoảnh khắc quay lưng vào sự chuyên nghiệp và không tôn trọng khán giả
Phút 89, trọng tài Trần Thị Thanh cắt còi và chỉ tay vào chấm phạt đền cho CLB TP.HCM I. Ngay lập tức, vị "vua áo đen" phải đối diện với sự phản ứng dữ dội của các cầu thủ Phong phú Hà Nam. Trên tay trọng tài Thanh cầm sẵn tấm thẻ vàng dành cho những cái đầu nóng nhưng cuối cùng, sự việc còn vượt xa sự tưởng tượng của chính bà và nhiều người khác.
Những cầu thủ áo vàng sau vài câu nói đã hò nhau không thi đấu nữa. Ở ngoài sân, HLV Nguyễn Thế Cường không ngừng buông những lời lẽ nặng nề nhắm vào tổ trọng tài điều khiển trận đấu.
Trọng tài Trần Thị Thanh kiên định với pha thổi phạt đền cho CLB TP.HCM I còn cầu thủ Phong phú Hà Nam thì bỏ đi không thi đấu (Ảnh: VFF)
Lần lượt trọng tài chính, giám sát trận đấu, giám sát trọng tài và cuối cùng là Trưởng Ban tổ chức giải đề nghị các cầu thủ Phong phú Hà Nam trở lại sân nhưng đổi lại chỉ là sự im lặng.
Trên sóng truyền hình trực tiếp, người hâm mộ có thể nghe rõ mồn một những lời của Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc. Họ còn thấy ông nhắc đến chuyện gọi điện cho Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Hà Nam nhờ tác động nhưng không ai nghe máy. Sự bất lực xuất hiện và khi đối thoại không thành công, luật lệ được áp dụng triệt để. Trọng tài chính thổi còi kết thúc trận đấu và theo luật, Phong phú Hà Nam sẽ bị xử thua 0-3.
Sự việc xảy ra chỉ cách trụ sở VFF vài trăm mét. Hành động của Phong phú Hà Nam là biểu hiện của sự từ bỏ, của sự phản đối quyết định của trọng tài. Hành động ấy vi phạm nghiêm trọng quy chế của giải đấu, là sự quay lưng vào hai chữ chuyên nghiệp, không tôn trọng khán giả và như một cái tát vào uy tín mà bóng đá nữ Việt Nam vừa tạo dựng được sau một năm 2019 có nhiều thành công.
Trên khắp các diễn đàn bóng đá, không ai có thể bào chữa cho hành động sai lầm của các cầu thủ Phong phú Hà Nam. Nhiều người không tin nổi rằng một Giải VĐQG vẫn xuất hiện hành động buông bỏ đầy tính hờn dỗi và nghiệp dư, xuất hiện cả một ông HLV trưởng kêu gọi các cầu thủ rời sân không thi đấu nữa.
Phong phú Hà Nam đối đầu CLB TP.HCM I không phải một trận đấu tầm thường của bóng đá nữ bởi có sự góp mặt của cả chục tuyển thủ quốc gia. Trận đấu vào chiều 6/10 còn ghi nhận sự xuất hiện của đương kim Quả bóng vàng Việt Nam Huỳnh Như, Quả bóng bạc Chương Thị Kiều và Quả bóng đồng Nguyễn Thị Tuyết Dung.
HLV Nguyễn Thế Cường là người phải chịu trách nhiệm lớn trong sự việc các cầu thủ Phong phú Hà Nam bỏ trận đấu (Ảnh: VFF)
Những tuyển thủ Việt Nam như Hồng Nhung (số 12), Phạm Thị Tươi (số 22) và Tuyết Dung (số 7) đã không cho thấy kinh nghiệm và vai trò ở thời khắc nhạy cảm (Ảnh: VFF)
Chưa hết, chính Tuyết Dung là 1 trong 3 cầu thủ Phong phú Hà Nam phản ứng dữ đội nhất với trọng tài Trần Thị Thanh. Hai cái tên còn lại là đội trưởng Trần Thị Hồng Nhung và tiền vệ Phạm Thị Tươi. Đáng chú ý, cả ba đều là tuyển thủ Việt Nam, là những người giàu kinh nghiệm chinh chiến nhất nhưng cuối cùng, chính họ dẫn đầu cả đội rời sân.
Thực tế cho thấy, với tầm ảnh hưởng của mình, hành động của ba cầu thủ này và cả HLV trưởng Nguyễn Thế Cường sẽ chi phối hành vi tiếp theo của các đồng đội, những người đa phần là cầu thủ trẻ. Vai trò thủ lĩnh đã không được Tuyết Dung, Hồng Nhung hay Phạm Thị Tươi thể hiện. Họ đã chinh chiến hàng chục giải đấu quốc tế lớn nhỏ, đã từng trải qua và hiểu được cái giá sau mỗi hành động sai lầm nhưng cuối cùng vẫn hoàn toàn mất đi cái đầu lạnh trong thời khắc quan trọng nhất.
Ở tình huống thổi phạt đền, trọng tài Trần Thị Thanh có lý để cắt còi. Trong pha bóng ấy, số 14 Thuỳ Trang (CLB TPHCM I) nhảy cao định đánh đầu thì bị số 11 Lan Anh (Phong phú Hà Nam) tác động từ phía sau khiến cô bị mất đà ngã nhào về phía trước. Một lỗi rất rõ và trọng tài Thanh được đánh giá đã xử lý chính xác và kiên định.
Có thể sau khi về phòng và xem lại trận đấu, nhiều thành viên của Phong phú Hà Nam sẽ phải suy nghĩ lại về sự phản ứng của mình. Thế nhưng, mọi thứ đã diễn ra và hình phạt từ Ban kỷ luật VFF là điều khó tránh khỏi.
Cách đây 4 năm, VFF cũng phải đối mặt với một sự việc tương tự ở trận CLB TP.HCM gặp Long An tại V.League 2017. Các cầu thủ Long An với sự hưởng ứng từ HLV trưởng và chủ tịch CLB đã phản đối quyết định thổi phạt đền của trọng tài bằng cách đứng im không thi đấu. Thủ môn Minh Nhựt thì đứng quay lưng không bắt phạt đền. Những hình ảnh ấy được ví là "vết nhơ" của nền bóng đá và xuất hiện nhan nhản trên báo chí quốc tế.
Sự việc ở trận Phong phú Hà Nam - CLB TP.HCM I tại Giải VĐQG nữ 2020 tương tự trận CLB TPHCM - Long An tại V.League 2017 (Ảnh: VFF)
Cuối cùng, CLB Long An bị phạt 100 triệu đồng. Chủ tịch và HLV trưởng bị cấm tham gia các hoạt động do VFF quản lý, tổ chức trong 36 tháng. Đội trưởng Huỳnh Quang Thanh, một nhà vô địch AFF Cup 2008, và thủ môn Minh Nhựt nhận án cấm 24 tháng.
Nhưng sự việc chưa chấm dứt ở đây. Sau hơn 1 năm chịu án, cả Quang Thanh và Minh Nhựt đều viết đơn gửi lên VFF xin giảm án để có thể sớm trở lại với bóng đá, dùng lại "cần câu cơm". Khi sự việc đã diễn ra, sự hối hận của Quang Thanh hay Minh Nhựt đều đã muộn màng. Người hâm mộ có thể cảm thông nhưng cũng nhắc đừng quên câu "dám làm dám chịu". VFF cũng cảm thông nhưng không muốn tạo tiền lệ xấu sau này.
Trường hợp của CLB Long An và các cá nhân là bài học xương máu nhưng dường như Phong phú Hà Nam đã lãng quên. 20 năm qua, mảnh đất chiêm trũng Hà Nam vốn chỉ có bóng đá nữ để tự hào bởi là nơi đóng góp nhiều cái tên chất lượng cho đội tuyển Việt Nam. Giờ đây, đội bóng của tỉnh trở nên nổi tiếng theo cách không mong muốn khi là nơi khởi nguồn cho sự cố hy hữu theo hướng tiêu cực của nền bóng đá.
Một cuộc họp của lãnh đạo VFF sẽ được diễn ra trong ngày 7/10 để bàn về sự việc của Phong phú Hà Nam. Án phạt nghiêm khắc có thể dẫn đến một số cái tên phải rời xa sân cỏ thời gian dài cũng là điều được dự báo xen lẫn cả sự xót xa dành cho các cầu thủ nữ Việt Nam.