"Hãy để Tuấn Anh ra đi"
Người ta vẫn nói "sau cơn mưa trời lại sáng" nhưng với HAGL thì khác, sau cơn mưa vẫn là bầu trời âm u. Trên các diễn đàn bóng đá, người hâm mộ nói nhiều hơn đến Tuấn Anh. Không có những cuộc bàn luận về chuyên môn như thừa nhận sự chênh lệch quá lớn về đẳng cấp giữa hai đội bóng, họ nói về sự tiếc nuối, về việc nếu thương hãy để Tuấn Anh được đến nơi cho anh vinh quang thật sự.
Tuấn Anh đơn độc trong trận đấu với Hà Nội FC. Ảnh: Hiếu Lương.
Suốt một năm qua, người hâm mộ nín thở mỗi lần Tuấn Anh bước ra sân thi đấu. Mỗi lần thi đấu hết 90 phút đấy đã được xem là chiến thắng của tiền vệ người Thái Bình. Nỗi lo vơi bớt từng ngày để dành phần cho những ước vọng xa hơn, về vinh quang mà anh xứng đáng thuộc về. Những trận đấu hay cùng đội tuyển Việt Nam nửa sau năm 2019 vì thế trở thành cột mốc đáng nhớ. Vậy nhưng, câu chuyện ở CLB thì khác.
Ròng rã cả năm trời, người hâm mộ cả nước gán cho HAGL biệt danh "đội bóng đá cho vui" sau phát biểu trong một sự kiện của bầu Đức, người đứng đầu CLB. Có người thảng thốt vì lời của vị chủ tịch, người lấy đó làm câu cửa miệng mỉa mai, có người thất vọng tột độ vì tầm nhìn của đội bóng.
Bóng đá là cuộc chơi đối kháng và danh hiệu chính là vinh quang mà hầu hết những đứa trẻ mơ về. Chúng mơ về Quả bóng vàng thế giới như Ronaldo, Messi, mơ đá hay như Quang Hải để giành vinh quang cùng đội tuyển Việt Nam. Đấy là những ước mơ để đẩy con người tới giới hạn "cao hơn, nhanh hơn, xa hơn". Không có danh hiệu, không có cột mốc cao hơn để vươn lên thì bóng đá chuyên nghiệp sẽ chỉ mang tính chất như các trận đấu phủi của dân văn phòng sau giờ hành chính.
Tuấn Anh ở đội tuyển Việt Nam và Tuấn Anh ở HAGL là hai hình ảnh trái ngược nhau. Ảnh: Hiếu Lương.
90 phút ở SVĐ Hàng Đẫy tối 6/6 phơi bày một tập thể mặc áo đỏ bạc nhược. Sau những phút hứng khởi đầu trận, sự tự tin và quyết tâm của họ hoàn toàn bị đánh sập bởi đội bóng áo tím.
Tuấn Anh đơn độc ở tuyến giữa và còn phải gánh thêm phần việc của các đồng đội. Hình ảnh ấy trái ngược với phong thái một ông chủ tuyến giữa khi thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Xung quanh anh là ai định nghĩa con người anh trong mắt mọi người. Một bên là đẳng cấp, một bên là đáng thương.
6 năm kể từ ngày lên chơi V.League, Tuấn Anh không có gì hơn ngoài danh hiệu cầu thủ trẻ Việt Nam xuất sắc nhất năm. Phần còn lại là chấn thương và công cuộc trụ hạng đầy tính ổn định ở HAGL mỗi năm. Ở tuổi 25, anh xứng đáng có nhiều vinh quang hơn trong tay thay vì cứ mãi đứng sau ánh hào quang chiến thắng.
Nhiều người muốn Tuấn Anh ra đi nhưng thực tế, tiền vệ 25 tuổi chưa một lần cho thấy ham muốn chia tay CLB. Nó là sự thật khi Tuấn Anh khẳng định ước mơ hiện tại vẫn là được ra sân, được chơi bóng cho HAGL.
Sự không màng khó khăn hiện tại có lẽ bắt nguồn từ quãng thời liên tục phải đấu tranh với chấn thương. Đã từ lâu rồi, Tuấn Anh mới được sống với các trận đấu trong quãng thời gian dài đến vậy. Cũng không khó hiểu khi cuộc sống của Tuấn Anh tìm đến giá trị của sự yên bình nhiều hơn là tranh đấu quyết liệt cho danh vọng.
Thế nhưng, đó không phải rào cản quá lớn nếu chính lãnh đạo đội bóng phố Núi quyết tâm thực hiện. Với trình độ của Tuấn Anh, bất cứ CLB nào ở Việt Nam cũng sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán khi được HAGL bật đèn xanh.
Công Phượng tìm thấy niềm vui ở CLB TPHCM. Ảnh: CLB TPHCM.
Tuấn Anh cũng có thể tìm thấy niềm vui ở một đội bóng khác giàu tham vọng và mơ lớn hơn HAGL. Ảnh: Hiếu Lương.
Công Phượng đang bước đầu đạt được những thành công ở CLB TPHCM sau khi kết thúc các chuyến đi ở nước ngoài. Anh đã ghi bàn, đã kiến tạo và trở thành một phần quan trọng của tập thể tích cực cạnh tranh danh hiệu ở 3 đấu trường lớn trong nước lẫn châu Á. Công Phượng đang tìm được niềm vui ở nơi ấy tương xứng với tài năng được ấn định. Công Phượng có thể, Tuấn Anh cũng có thể. Anh muốn sự yên bình không có nghĩa không thích ứng được với tập thể giàu tham vọng và mơ lớn.
HAGL đã và đang đứng trước một cuộc xung đột ý thức với một bộ phận CĐV. Họ sẽ phải lựa chọn giữa việc thay đổi để đưa đội bóng trở lại thành một CLB cạnh tranh danh hiệu. Nếu không thể, họ đang lãng phí những tài năng do chính mình đào tạo và cần đưa ra một giải pháp mang tính trách nhiệm cao.
Không chỉ có Tuấn Anh, HAGL còn đó Văn Toàn, Minh Vương, Văn Thanh. Họ là những cầu thủ giỏi nhưng bỗng trở nên tầm thường trong trận đấu với Hà Nội FC tuần trước. Họ đã 24, 25 tuổi, không còn trẻ trung để tiếp tục đợi chờ những lời hứa.
Ra đi để chiến thắng hay chấp nhận ở lại để sống với hình ảnh tội nghiệp cùng lời mỉa mai "đá cho vui"? Với Tuấn Anh có thể nó không quá quan trọng nhưng với những cái tên khác trong đội bóng, không dễ để che giấu khao khát đầu tiên.
Tuấn Anh: "Thiếu Công Phượng, Xuân Trường, HAGL vẫn sẽ đá tốt".