Dennis Schroder là một trong những cái tên "nổi tiếng" nhất NBA trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hậu vệ người Đức được chú ý đến không phải vì kỹ năng chuyên môn hay thành tích cá nhân, mà là những rắc rối xung quanh vấn đề thương lượng hợp đồng với các CLB.
Cụ thể, Dennis Schroder từng từ chối mức lương 84 triệu USD/4 năm mà Los Angeles Lakers đặt lên bàn đàm phán, khi cho rằng mình xứng đáng với mức lương từ 100 đến 120 triệu USD. Sau khi bị từ chối thẳng thừng, hậu vệ 27 tuổi cũng không nhận được bất kỳ sự quan tâm nào đến từ các CLB khi đặt ra yêu cầu quá cao. Cuối cùng, Dennis Schroder chấp nhận cập bến Boston Celtics với thù lao 5,9 triệu USD/mùa.
Phong độ yếu kém cùng sai lầm trong đánh giá khả năng bản thân đã khiến Dennis Schroder có một bước thụt lùi về mặt thu nhập, kể cả với mức lương 16 triệu mà hậu vệ này được nhận ở mùa giải 2020-2021. Tuy nhiên, Dennis Schroder vẫn không phải là trường hợp "giảm sâu thu nhập" duy nhất mà lịch sử NBA từng chứng kiến.
Từng là một trong những trung phong khét tiếng ở NBA trong những năm của thập niên 2010, DeMarcus Cousins chính là nỗi ám ảnh của bất kỳ đội bóng nào trong tấn công và phòng ngự. Anh luôn là cầu thủ siêu sao cả trong màu áo Sacramento Kings hay New Orleans Pelicans và đương nhiên, mức đãi ngộ mà trung phong này nhận được là không hề nhỏ.
Mặc dù dính chấn thương gót Achilles vào đầu năm 2018, DeMarcus Cousins vẫn được New Orleans Pelicans mời chào bản hợp đồng 2 năm, trị giá 40 triệu USD. Tuy nhiên, trung phong này đã từ chối để cập bến Golden State Warriors vào mùa hè năm 2018 với thù lao 5,3 triệu USD.
Vào thời điểm đó, DeMarcus Cousins cho rằng một chức vô địch ở Golden State Warriors cùng phong độ hồi sinh sẽ giúp anh có một bản hợp đồng lớn hơn vào năm 2019. Tuy nhiên, họ đã ngã ngựa trước Toronto Raptors và bản thân DeMarcus Cousins cũng dính chấn thương cơ đùi ở loạt trận Playoffs.
Sau đó, DeMarcus Cousins đánh mất chính mình vì chấn thương, phiêu dạt sang Los Angeles Lakers, Houston Rockets, Los Angeles Clippers với tổng thu nhập chỉ vẻn vẹn 7,5 triệu USD sau 2 mùa giải.
Cầu thủ có biệt danh "Báo đen" là một trong những hậu vệ ghi điểm đáng chú ý nhất NBA ở mùa giải 2017-2018 trong màu áo Indiana Pacers với trung bình 23,7 điểm/trận, đồng thời kiếm được bản hợp đồng 84 triệu USD trong 4 năm. Tuy nhiên, anh bị dính chấn thương đứt dây chằng đầu gối vào năm 2018, khiến anh phải nghỉ thi đấu một thời gian dài sau đó.
Bất chấp chấn thương, Indiana Pacers vẫn đưa ra lời đề nghị gia hạn 2 năm, trị giá 25 triệu USD cho Victor Oladipo cho đến năm 2023. "Báo đen" từ chối lời đề nghị, trước khi được chuyển đến Houston Rockets vào năm 2021 trong một thương vụ tái xây dựng của "Dàn tên lửa" hậu kỷ nguyên James Harden.
Tại đội bóng này, Victor Oladipo một lần nữa từ chối đề nghị gia hạn 2 năm, trị giá 45 triệu USD đến từ Houston Rockets. Anh sau đó được chuyển đến Miami Heat và một chấn thương gân cơ tứ đầu đùi đã chấm dứt hy vọng giành được 1 bản hợp đồng "tối đa".
Victor Oladipo được Miami Heat giữ lại ở mùa giải 2021-2022 với mức thu nhập 2,4 triệu USD. Mặc dù vẫn có khả năng kiếm về một con số lớn nếu bình phục chấn thương và trở lại phong độ đỉnh cao, đây vẫn là một sự thụt lùi lớn về tài chính cho "Báo đen" trong sự nghiệp.
Nếu như DeMarcus Cousins và Victor Oladipo gặp những chấn thương không mong muốn, thì trường hợp của Bonzi Wells khiến nhiều người phải ngỡ ngàng ở thời điểm ấy. Mùa giải 2005-2006 khi khoác áo Sacramento Kings, Bonzi Wells là một trong những cầu thủ quan trọng nhất của đội nhờ lối chơi máu lửa và nhiệt huyết, cùng trung bình 13,6 điểm và 7,7 rebounds sau 52 trận đấu.
Ở độ tuổi 30, Bonzi Wells được Sacramento Kings đề nghị một bản hợp đồng 5 năm, trị giá 36 triệu USD. Nếu đồng ý, hậu vệ này sẽ đảm bảo mức thu nhập cho đến những mùa giải cuối cùng của sự nghiệp.
Tuy nhiên, Bonzi Wells lại khiến tất cả phải bất ngờ khi chuyển đến Houston Rockets với mức thù lao chỉ 4 triệu USD cho 2 năm thi đấu. Không chỉ bị giảm sâu thu nhập, Bonzi Wells còn đánh mất chính mình ở "Dàn tên lửa" khi chỉ có thể xuất phát từ băng ghế dự bị.
Hậu vệ sinh năm 1976 trôi dạt sang New Orleans Hornets ở mùa giải 2007-2008, trước khi biến mất khỏi đấu trường NBA và dạt sang Trung Quốc để thi đấu trong những năm cuối cùng ở môi trường bóng rổ chuyên nghiệp.
Đây là pha xử lý được xem là "cồng kềnh" bậc nhất mà NBA từng chứng kiến trong lịch sử. Khi vẫn còn đang ở phong độ ổn định trong mùa giải 2003-2004, Latrell Sprewell được Minnesota Timberwolves đề nghị gia hạn một bản hợp đồng 3 năm, trị giá 21 triệu USD khi đã 34 tuổi vào thời điểm ấy.
Thế nhưng, hậu vệ sinh năm 1970 cho rằng việc bị giảm 1 nửa lương so với mức anh đang nhận là không thỏa đáng. Anh từ chối đề nghị trên, đồng thời tuyên bố: "Tôi còn phải nuôi cả gia đình". Hành động này khiến Minnesota Timberwolves quyết định để anh ra đi ở thị trường tự do vào năm 2005.
Mặc dù lâm vào tình trạng thất nghiệp, Latrell Sprewell nhất quyết không chấp nhận 1 bản hợp đồng tối thiểu từ Denver Nuggets, Cleveland Cavaliers và Houston Rockets. Thậm chí, người đại diện của hậu vệ này còn cho biết Latrell Sprewell thà nghỉ hưu chứ không "chấp nhận đầu hàng hoặc quỳ gối" trước một mức thù lao không tương xứng.
Ngồi chơi xơi nước suốt 1 năm ròng rã, hậu vệ sinh năm 1970 vẫn nhận được lời đề nghị từ Dallas Mavericks, San Antonio Spurs và Los Angeles Lakers vào mùa hè 2006. Thế nhưng, kịch bản tương tự được lặp lại và kể từ thời điểm đó, Latrell Sprewell chính thức biến mất khỏi đấu trường NBA.