Điều tạo nên doanh thu cho các trận đấu võ thuật nhà nghề quốc tế không chỉ là truyền thông mà còn là nhà cái. Bên cạnh đó, các trận đấu quá chênh lệch trình độ dường như sẽ chẳng thể tạo nên sức hút nào.
Dù vậy, không phải lúc nào cũng có sẵn ngôi sao để các nhà tổ chức cáp trận vào cuộc. Vì thế, đôi khi để đạt được doanh thu mong muốn, nhà cái và nhà tổ chức sẽ tìm cách lấp liếm về trình độ của các võ sĩ đối đầu.
Một trong những cách đơn giản nhất để tạo nên một võ sĩ bất khả chiến bại chính là một bảng thành tích dày đặc. Các võ sĩ bất bại này thường có 2 dạng: Một là những tay đấm được các ông bầu "nhận nuôi" từ sớm để bơm tên tuổi đi lên. Hai là những tay đấm thực sự giỏi giang.
Tuy nhiên, trên thực tế, các võ sĩ trẻ tuổi nào mà có thành tích thi đấu chuyên nghiệp đến hơn 20 trận bất bại, phần nhiều các trận đầu sự nghiệp của họ là trận lệch kèo. Bởi đối với các tay đấm có trình độ thật sự, chỉ cần một vài trận đấu là giới chuyên môn đã có thể đánh giá xem họ đi xa được hay không. Điều họ cần chỉ là một bảng thành tích đẹp để tránh các rủi ro về lợi nhuận khi sắp cặp thi đấu.
Thậm chí, với nhiều trường hợp võ sĩ quá giỏi nhưng không có tố chất ngôi sao, điển hình là Leo Santa Cruz, Artur Beterbiev, Dimitry Bivol... họ sẽ nhanh chóng trở thành những bệ phóng sống cho các tên tuổi khác trong tương lai.
Với một người chuyên môn, họ nhìn vào lượt đánh giá của bảng thành tích. Các võ sĩ nào càng có nhiều trận đấu 3 sao trở lên, các võ sĩ đó càng đắt giá. Hãy nhìn vào bảng thành tích của nhà cựu vô địch hạng nặng WBC Deontay Wilder. Anh là điển hình của một tay đấm được xây thành tích bằng những trận đấu rất nhỏ.
3 trận đầu tiên trong sự nghiệp của Deontay Wilder còn chẳng đủ điều kiện để đánh giá. Phải đến trận đấu thứ 24 trở lên, Deontay Wilder mới có trận đấu đạt chuẩn 2 sao. Và cũng phải chờ mãi đến năm 2018, Deontay Wilder mới có một trận đấu đạt chuẩn 5 sao với Luis Ortiz.
Từ đây, tên tuổi Deontay Wilder mới thật sự trở nên đắt giá. Trước đó, truyền thông còn chẳng mấy khi nhắc đến cái tên Deontay Wilder vì họ đã quá bận rộn với Anthony Joshua, người có trận đấu đạt chuẩn 5 sao từ trận đấu thứ 15 trở đi.
Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ cho các võ sĩ giỏi nhưng không đạt đủ tiêu chuẩn trận đấu 5 sao. Các võ sĩ thuần Nga (quốc tịch Nga, phong cách Nga và tập luyện tại Nga...) hay các nước lân cận thường khó đạt được một trận đấu 5 sao.
Người Mỹ và Anh, những ông trùm của làng Boxing thế giới không thích người Nga (hoặc gốc Liên Xô cũ). Do đó, khi anh em nhà Klitschko đánh bật tất cả ngôi sao Anh và Mỹ, ngay lập tức hạng nặng trở thành một hạng cân "chết" bởi chẳng ai thèm tranh đai.
Trong hiện tại, hạng cân Light Heavyweight chính là hạng cân rơi vào tình trạng này. Tất cả các nhà vô địch của hạng bán nặng hiện tại đều là người Nga. Nhà vô địch người Đức Robin Krasniqi vốn chỉ là một người vừa được trao cơ hội tranh đai trống hiện nay để "cứu vớt" hạng cân toàn Nga này.
Sẽ thật bất công khi cho rằng những con người chạm đến ngưỡng đai vô địch là "hão". Tuy nhiên, thành thực mà nói giới võ có nhiều chiếc đai vốn chỉ để đảm bảo tầm ảnh hưởng hoặc doanh thu của tổ chức.
Với WBC, họ sử dụng phương cách "đẻ" đai vô tội vạ nhằm đảm bảo sự có mặt của họ trong mọi trận đấu lớn trên thế giới. Cách làm này đã bị rất nhiều người lên án bởi trong mắt họ, WBC là kẻ muốn ngồi "ăn ké" ở mọi mâm cơm.
Trong khi đó, WBA vì không có tầm ảnh hưởng lớn như WBC, tổ chức này thường chọn cách trao và tước đai để đảm bảo sức ảnh hưởng. Chẳng hạn với Anthony Joshua, tổ chức này đã từng dọa tước đai WBA của nhà vô địch người Anh nếu không chịu bảo vệ đai trước Kubrat Pulev.
Hành động này được họ cho là "đảm bảo công bằng cho các võ sĩ khác", nhưng thực tế chính là việc WBA không muốn phải chia chác hoa hồng cho một nhà vô địch tuyệt đối. Lẽ dĩ nhiên, mọi chuyện sẽ ổn thỏa khi các bên chịu ngồi vào bàn đàm phán và tìm ra con số hoa hồng hợp lý nhất.
Trong khi cuộc chơi của các ông lớn thường nhắm vào việc duy trì sức ảnh hưởng, các hệ thống tổ chức khác lại chọn cách tạo hẳn một luật chơi riêng với một nhà vô địch riêng để quảng bá.
Điển hình là trường hợp của võ sĩ béo bụng nổi tiếng Butterbean. Tay đấm này nổi tiếng là một kẻ nặng đòn dù mang cơ thể ục ịch. Tuy nhiên, dù là một nhà vô địch IBA thế giới, ông cũng chỉ thi đấu cao nhất là 4 hiệp. Hệ thống IBA cũng cho phép tổ chức một trận tranh đai trong 4 hiệp đấu, miễn sao khi lên truyền hình, chỉ cần MC giới thiệu rằng đó là một trận tranh "đai thế giới".
Về nguyên tắc, nếu đủ điều kiện pháp lý thì trận đấu nào cũng sẽ là một trận tranh đai thế giới cả. Tuy nhiên ở sân chơi của Butterbean, trình độ các nhà vô địch thế giới đương nhiên kém xa so với đấu trường Olympic - vốn là một võ đài nghiệp dư xanh đỏ.
Bạn nên quan tâm