Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hệ sinh thái Esports rất nhiều trong năm 2020. Nhiều giải đấu lớn, như The International của Dota 2 đã bị hủy, dẫn đến một số đội tuyển phải rời cuộc chơi vì không kiếm đủ tiền để bù vào chi phí vận hành.
Tuy nhiên trong thời buổi khó khăn ấy, cộng đồng dành nhiều thời gian cho các kênh stream hơn. Vì thế theo lẽ tất nhiên, một số bộ môn nếu tìm ra cách để tổ chức những giải đấu lớn theo hình thức online sẽ thu hút được sự quan tâm lớn.
Để cân đo đong đếm top 5 bộ môn phổ biến nhất năm qua, Esports Chart đã tính toán lượng thời gian cộng đồng bỏ ra để theo dõi những giải đấu trên mọi nền tảng stream (trừ thông số ở Trung Quốc). Kết quả chắc chắn sẽ khiến nhiều người bất ngờ.
Cộng đồng đã dành ra hơn 132 triệu tiếng để theo dõi những giải đấu Free Fire vào năm 2020. Theo Esports Chart, con số này tăng 246%, tức là gần gấp 3 lần so với năm 2019.
Trong đó, số lượng người xem nhiều nhất cùng một thời điểm cũng vô cùng ấn tượng, lên tới 2,5 triệu.
Lý giải cho thành công này, Esports Chart cho rằng NPH của Free Fire đã xây dựng hệ thống giải đấu khu vực rất thành công, từ đó thu hút thêm người chơi mới và người theo dõi giải đấu trên khắp thế giới. Esports Chart cũng khẳng định Free Fire sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong năm 2021.
Đối thủ trực tiếp của Free Fire, PUBG Mobile đứng ở vị trí thứ 4 trong BXH của Esports Chart. Tuy nhiên nếu đem so sánh, rõ ràng những gì PUBG làm được trong năm 2020 không ấn tượng bằng Free Fire.
Tổng thời gian cộng đồng theo dõi giải đấu trên các nền tảng stream của PUBG Mobile chỉ hơn Free Fire khoảng 2 triệu. Trong khi đó, lượng người xem cao nhất cùng một thời điểm của tựa game này chỉ đạt khoảng 1,1 triệu (thông số được ghi lại ở giải đấu PUBG Mobile World League 2020 khu vực phía đông).
PUBG Mobile chịu thiệt hơn một chút khi thông tin về lượng người xem ở giải đấu PMCO đầu năm 2021 chưa được công bố. Nhưng xét về tổng thể, Free Fire có bước chuyển mình ấn tượng hơn.
"Khốn khổ" là từ đúng nhất để mô tả các đội tuyển Dota 2 chuyên nghiệp trong năm 2020. Vì dịch Covid-19, toàn bộ hệ giống giải đấu lớn của bộ môn này đã bị hủy bỏ. NPH Valve tỏ ra thờ ơ với điều này, khiến nhiều tổ chức đầu tư vào Dota 2 tuyên bố phá sản. Phải chờ đến khi cộng đồng kêu quá nhiều trên các diễn đàn, Valve mới đứng ra trấn an về những thay đổi trong năm 2021.
Dẫu vậy, những gì đã diễn ra trong năm 2020 của Dota 2 thật sự đáng quên. Tổng thời gian xem so với năm 2019 giảm 11%, xuống chỉ còn 253 triệu. Lượng người xem cao nhất ở một thời điểm chỉ đạt khoảng 500.000, tức là bằng 1/2 PUBG Mobile, bằng 1/5 Free Fire.
Giống với Dota 2, hệ thống giải đấu CS:GO bao gồm phần lớn những sân chơi tầm cỡ thế giới. Dịch Covid-19 đúng ra sẽ khiến bộ môn này bị ảnh hưởng nặng nề.
Trên thực tế, những con số lại chỉ ra điều ngược lại nhận định trên. Người xem vẫn theo dõi nhiều các giải đấu CS:GO bất chấp nó có thuộc hệ thống major hay không. Lượng thời gian xem đã tăng 25% so với năm ngoái, vươn lên con số 354 triệu.
Cứ thế, một kỷ lục vô cùng bất ngờ đã được thiết lập ở trận chung kết IEM Katowice 2020 giữa G2 Esports và Natus Vincere. Đã có hơn 1 triệu người theo dõi cùng một thời điểm màn thư hùng giữa 2 đội tuyển này, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử CS:GO.
LMHT gặp vô vàn khó khăn vì Covid-19 nhưng NPH của họ đã làm rất tốt. Trong năm 2020, LMHT là bộ môn duy nhất tổ chức thành công giải đấu vô địch thế giới, World Championship. Điều này dẫn đến lượng thời gian theo dõi tăng 21%, đạt mốc 354 triệu.
Hệ thống giải đấu vô địch khu vực của LMHT dù được tổ chức online hay offline đều đem lại tiếng vang lớn. Trong đó, lượng người theo dõi ở 3 khu vực châu Âu, CIS và Nam Mỹ tăng trưởng cực mạnh.
Nếu tiếp tục đà phát triển như thế này, khả năng LMHT vẫn đứng đầu BXH của Esports Chart rất lớn.
Bạn nên quan tâm