Không một ai trở thành võ sĩ chuyên nghiệp bởi vì cho rằng đây là "việc nhẹ lương cao". Quá trình tập luyện liên tục, gắt gao và phải đổ máu trên võ đài. Dính những cú đòn vào mặt tất nhiên là cảm giác không dễ chịu, đó chưa kể còn những trận thua mất mặt và nhận những lời chỉ trích thậm tệ từ cộng đồng mạng.
Và nếu nổi tiếng hơn chút chút, bạn sẽ phải quen với việc bay vòng quanh thế giới, giảm vài kilôgam trọng lượng chỉ trong một thời gian ngắn.
Khó khăn là vậy nhưng khi tờ The Athletic thực hiện một cuộc khảo sát với khoảng 170 võ sĩ chuyên nghiệp với câu hỏi duy nhất: "Đâu là vấn đề lớn nhất tại làng MMA?" Đáp án nhận được lại không phải những điều đã liệt kê ở trên.
"Tiền", một tay đấm lâu năm của UFC chia sẻ. "Những thứ khác chẳng nhằm nhò gì. Nhiều người trong số chúng tôi còn phải làm thêm nhiều công việc khác. Tệ thật".
Kết quả khảo sát chỉ ra 70,6 % võ sĩ có cái nhìn giống với anh chàng trên, cảm thấy bất an về vấn đề tài chính.
Các võ sĩ thừa nhận, họ phải tập luyện với cường độ cao trong vài tháng, bỏ tiền túi để chuẩn bị những món ăn phù hợp với chế độ đã định sẵn. Tuy nhiên, nếu trận đấu bị hủy vào phút chót do bất kỳ lý do nào, họ sẽ lỗ nặng.
Kể cả khi màn so tài diễn ra, một thất bại cũng khiến các võ sĩ đau đầu. Không ít võ sĩ lúc này ký theo kiểu, xuất hiện được nửa tiền và phải chiến thắng nếu muốn nhận phần còn lại.
"Điều khoản trả 50-50 thật kinh tởm", một cựu võ sĩ UFC cho hay. "Tất cả điều khoản tài chính của các võ sĩ (MMA) đều rất tệ, nhưng quy định chỉ nhận được một nửa nếu thua là đáng sợ nhất. Tưởng tượng đi, bạn mất một nửa số tiền chỉ vì một số kẻ chẳng biết gì nhưng được ngồi lên bàn đàm phán và mấy ông giám định chấm điểm sai".
Ngay cả những võ sĩ nhận được khoản tiền đảm bảo khá ổn, họ cũng không mang về nhà số tiền nhiều như bạn tưởng. Phần lớn võ sĩ phải trả thuế cho khoản tiền thu về. Bên cạnh đó, họ còn phải trả cho rất nhiều người có liên quan rồi còn chi phí ăn uống, di chuyển.
"Môn này thật sự quá đắt đỏ", một võ sĩ UFC thừa nhận. "Tiền bạn kiếm về chẳng đủ để trang trải. Này nhé, một tay đấm trung bình cứ cho kiếm được 10 nghìn USD cho việc xuất hiện và 10 nghìn USD cho việc chiến thắng. Nếu chiến thắng, cũng được, nhưng cậu ta vẫn phải chia 10% cho quản lý. Cậu ta phải trả tiền HLV. Phần lớn những võ sĩ tại đây có 3 HLV. UFC sẽ giúp bạn trả tiền cho một HLV nhưng còn 2 người khác bạn phải tự lo. Khi trả xong những khoản phí kinh khủng đó, bạn bay mất một số tiền lớn".
Một vấn đề khác là nhiều võ sĩ có rất ít cơ hội thượng đài, gặp khó trong việc tìm HLV và bạn tập tốt rồi những trở ngại về mặt tâm lý. "Tôi cảm thấy như mình bị sang chấn vậy", một tay đấm tại Cage Warriors thừa nhận.
MMA là một môn thể thao khắc nghiệt, chấn thương có thể đến bất kỳ lúc nào, từ gãy tay vỡ hàm, đứt dây chằng hay sưng mặt, dù là gì cũng gây đau đớn khủng khiếp.
"Quá trình phẫu thuật và hồi phục thật ghê rợn. Cảm giác như có một cục than nóng ở trong đầu bạn vậy và rồi đến quá trình hồi phục, bạn lại cảm thấy như có một đống cát ở trong mắt", một võ sĩ bị chấn thương ở mắt tâm sự.
Vậy tại sao họ không dừng lại? Họ phải chịu đựng vô vàn khó khăn và nguy hiểm nhưng phần đông lại nhận về số tiền không xứng đáng. Câu trả lời sẽ rất đa dạng. Dù vậy, phần đông thừa nhận họ rất yêu môn thể thao của mình.
"Tôi tin rằng việc bước lên võ đài để chiến đấu với một cái tên khác là một trong những thứ gai góc nhất bạn có thể làm. Vì thế, bạn có thể học được rất nhiều thứ từ nó. Thật tuyệt khi bạn tập luyện hết mình và có được chiến thắng. Bất kể bạn đã phải bỏ ra những gì - cảm giác đó xứng đáng đánh đổi", một tay đấm ở PFL chia sẻ.
"Tôi được thử thách bản thân, đẩy bản thân tới giới hạn của mình. Nó rất khó khăn nhưng khiến bạn cảm thấy mình đang được sống, được tồn tại. Tôi không nghĩ nhiều người có được cảm giác đó trong cuộc đời của mình", một cái tên khác ở UFC đánh giá.
Trong khi đó, nhiều cái tên khác lại thích cảm giác được tập luyện, được gặp gỡ và giao lưu về võ thuật với mọi người. "Cuộc sống bạn sẽ trở nên ý nghĩa nếu có được cảm giác tự do, làm những gì bạn muốn", một cái tên đến từ Bellator tâm sự.
Nhưng bất chấp bạn có đam mê tới đâu, tiền vẫn đóng một vai trò quan trọng. Ngay cả với những cái tên sở hữu tiềm lực về mặt tài chính, họ vẫn muốn được trả hậu hĩnh để xứng đáng với công sức bỏ ra.
Một cái tên ở UFC cho biết cảm thấy "ở dưới đáy của làng thể thao" khi nghĩ về số tiền đã nhận được, đặc biệt khi có dịp trò chuyện cùng các VĐV thể thao khác. Với nhiều võ sĩ, việc có một đầu bếp nấu ăn riêng là một điều xa xỉ. Ở các môn khác, bạn không phải lo về vấn đề này.
"Khi bạn chơi ở đẳng cấp cao, tiền vẫn không đến. Bạn là võ sĩ chuyên nghiệp nhưng bạn không thể sống và tập luyện như một võ sĩ chuyên nghiệp", một võ sĩ tại UFC chia sẻ.
UFC được coi là giải MMA lớn nhất thế giới nhưng không ít tay đấm ở đây vẫn phải làm công việc thứ 2, thứ 3. Cách đây chưa lâu, VĐV hạng ruồi Sarah Alpar còn phải xin quyên góp để trả phí di chuyển, thuê HLV và ăn uống.
"Mọi thứ rất khó khăn. Bạn không có thời gian nghỉ, phải liên tục tập luyện để cải thiện trình độ. Cuối cùng, bạn nhận về khoản tiền ít ỏi", một cái tên ở UFC ngán ngẩm.