Sân vận động nhỏ bé, hơi mấp mô và cũng đôi chút bẩn thỉu. Ở đây, người ta không lắp đèn pha chiếu sáng, không có phòng thay đồ và... tuyệt nhiên không có cỏ.
Nhưng điều đấy không làm thằng nhóc học viên tóc vàng của Zadar cảm thấy phiền lòng. Nó cầm trên tay quả bóng cũ mèm, mặc chiếc áo in tên của huyền thoại Davor Suker. Và, nó có một giấc mơ lớn.
Có thể, chỉ là có thể thôi, nhưng nếu thằng nhỏ đó gia nhập một học viện tiếng tăm với cơ sở vật chất đạt chuẩn, "tiểu Luka Modric" sẽ không bao giờ thấu hiểu sự khát khao vươn lên trở thành số một.
Một thứ gen đặc biệt
Với việc hạ Anh 2-1 trong trận bán kết, Croatia hiên ngang tiến tới trận đấu cuối cùng trong sự ngỡ ngàng của cả thế giới. Mà đúng hơn, cú sốc với những người yêu mến họ có khi còn lớn hơn người ngoài. Bởi họ hiểu rõ đội bóng của mình hơn ai hết, và họ ít nhất là đã tưởng mình biết rõ đâu là giới hạn của Luka Modric và các đồng đội.
Vậy, làm sao, làm sao mà một đất nước với dân số chỉ hơn 4 triệu có thể đi xa đến vậy? Làm thế nào mà trong những năm qua, Croatia cứ liên tục cho ra lò rất nhiều những ngôi sao hàng đầu thế giới?
Di truyền học, theo cách nói đùa của trung vệ Dejan Lovren: "Chắc cha mẹ tôi là thiên tài trong việc làm tình".
Không chỉ giỏi bóng đá, Perisic và nhiều cầu thủ Croatia còn chơi tốt ở nhiều môn thể thao khác vì thứ "gen đặc biệt".
Câu nói là đùa, nhưng có một phần trong đó không thể phủ nhận là thật. Rất nhiều thành viên của đội tuyển bóng đá Croatia còn giỏi ở các môn khác. Thể thao cứ như sinh ra đã chảy trong máu của họ. Không tin, hãy cứ xem Ivan Perisic chơi bóng chuyền hay bóng rổ bạn sẽ không thể tin vào mắt mình đâu: anh ta là một tài năng thiên bẩm.
Với bọn trẻ các nước phát triển hơn, trường hợp kiểu Perisic cũng không quá hiếm gặp. Chúng còn có thể theo học các huấn luyện viên tốt, gia nhập lò đào tạo chất lượng 4, 5 sao để phát triển tài năng của mình. Ở Croatia, vật chất là điều xa xỉ nhưng đó dường như lại là cách để họ mài dũa những viên ngọc thô.
Đội bóng của Modric ngày bé còn không có nổi phòng tắm cho các cầu thủ. Nhưng điều đó cũng không quá quan trọng, bởi Modric chỉ có duy nhất một suy nghĩ trong đầu - cậu cũng giỏi như những đứa trẻ khác ở các nước phát triển hơn. Chính thủ quân của đội tuyển Croatia từng tâm sự, trong những lần ra nước ngoài thi đấu, cậu bé Modric luôn khát khao chứng tỏ mình cùng đẳng cấp với những đứa trẻ được hưởng điều kiện vật chất mà cậu nằm mơ cũng không thấy được.
Tinh thần dân tộc trong chiếc áo đấu
Nhưng đó không phải câu chuyện của riêng Luka. Đội U-17 Croatia từng tập trung tại nhà ga ở Zagerb trước giải vô địch châu Âu. Vậy đấy, không khu tập huấn đặc biệt, không khách sạn cho cả đội, những gì họ có chỉ là một khoảng sân ga tạm bợ.
Tuy nhiên, chẳng ai than phiền lấy một lời. Bởi tất cả chỉ muốn được khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia.
"Thể thao có sẵn trong máu chúng tôi", Niko Kovac trả lời tờ FAZ. "Những cầu thủ Croatia thích sự cạnh tranh hơn hẳn những người khác. Bạn biết đấy, chúng tôi không có nền kinh tế phát triển. Và thể thao là con đường hái ra tiền. Nó tạo cho các vận động viên trẻ niềm khao khát [thành công] mãnh liệt hơn tất cả".
Với một số khác, tiền không phải động lực để họ phát triển sự nghiệp. Như trường hợp của Blanka Vlasic, chị gái ngôi sao của Everton Nikola Vlasic, một vận động viên nhảy cao danh tiếng trên thế giới. Dù cho cô cũng thừa nhận mình đã phải đi lên từ một nền tảng thể thao nghèo nàn tại Croatia.
"Cơ sở ở đây không so được những nơi như Đức", Kovac nói thêm. "Nhưng các trường học ở Croatia lại rất chú trọng thể thao. Ở bất cứ trường nào cũng có sân bóng đá, bóng rổ và nhiều môn khác nữa".
Từ lâu, thể thao đã trở thành một phần lịch sử và bản sắc đối với người Croatia. Theo như lời Kovac thì ở đất nước có hơn 4 triệu dân này, người ta sẽ vui hơn khi nhận chiếc huy chương vàng thay vì ẵm một giải Nobel.
"Chúng tôi là những người giàu cảm xúc, giàu đam mê và đặc biệt nồng nàn với tình ái quốc", Kovac nhấn mạnh. "Khi khoác lên mình chiếc áo đội tuyển, cảm tưởng như chúng tôi mạnh mẽ gấp bội phần".
Ivan Rakitic cũng đồng tình với quan điểm ấy.
Không vinh dự nào sánh được với việc khoác áo đội tuyển quốc gia.
Không được đánh giá cao như Pháp trong trận chung kết, nhưng tiền vệ đang thi đấu cho Barcelona vẫn tự tin về sự "đặc biệt" của mình và các đồng đội.
"Vấn đề không phải Croatia giành nhiều hay ít danh hiệu hơn đối thủ, mà đơn giản màu áo chúng tôi đại diện chính là điều làm chúng tôi trở nên khác biệt. Niềm vui, niềm tự hào của cả dân tộc đã tiếp thêm cho chúng tôi động lực thi đấu. Kể cả khi bạn chơi trong một trận cầu đinh cho câu lạc bộ, nó cũng không bao giờ sánh được với đá một trận cho Croatia".
Tinh thần màu cờ sắc áo vào đầu những năm 1990 không giống như bây giờ khi Croatia vẫn còn chật vật khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thế giới (chiến tranh độc lập của Croatia kéo dài từ 1991-1995). Tuy nhiên, kỳ tích vào đến bán kết World Cup 1998 tại Pháp đã thay đổi bộ mặt họ và khiến những người dân đất nước này thấu hiểu sức mạnh của thể thao.
Cựu hậu vệ Igor Stimac cho hay: "Tôi từng đọc đâu đó trước khi World Cup 1998 diễn ra, chỉ 5% trên thế giới biết về Croatia, nhưng sau đó, con số này tăng lên 55%".
Hãy để cúp vàng xóa tan đêm đen
20 năm trôi qua, bóng đá Croatia đã có những bước tiến dài trong hành trình khẳng định tên tuổi của mình. Dĩ nhiên, mọi thứ chẳng bao giờ đều là màu hồng.
Ngay cả trong những phút giây huy hoàng nhất lịch sử bóng đá nước nhà, một bộ phận fan của CLB Hajduk vẫn giữ nguyên thái độ chống đối với đội tuyển quốc gia. Bản thân đội bóng cũng chưa một lần chúc mừng chiến thắng của đội tuyển trên các trang chính thức của mình. Cái gọi là "đấu tranh vì công lý" của họ chỉ gây thêm nỗi khiếp sợ ở các sân vận động bằng những vụ tấn công bạo lực nhắm vào huấn luyện viên, trọng tài và các thành viên của Liên đoàn bóng đá.
Có thể nhiều người không nhớ nhưng Croatia đã phải bắt đầu chiến dịch vòng loại World Cup trên sân vận động không khán giả vì một bộ phận quá khích muốn phá hoại đội tuyển, theo như lời của huấn luyện viên Ante Cacic. Ông không hề nói quá, trong trận đấu với CH Séc ở Euro 2016, một nhóm người trên khán đài Croatia đã ném hàng chục quả pháo sáng xuống sân chẳng vì lý do gì - ngoài việc gây sức ép cho cầu thủ và sớm tiễn chính đội nhà về nước.
Chật vật, khốn khó lại còn thêm những cuộc "nội chiến" bên trong, nhưng các cầu thủ Croatia đã vượt qua tất cả để tới trận chung kết với trái tim ái quốc đang đập chung nhịp cùng hàng ngàn người hâm mộ đã theo chân họ từ Kaliningrad, Nizhny Novgorod, Sochi và giờ là Moscow.
"Ở Croatia cũng như các nước Mỹ Latin, đường phố nào cũng đầy ắp lũ trẻ chơi bóng. Tất cả đều muốn tìm niềm vui bằng những pha qua người hay một khoảnh khắc xuất thần. Bạn sẽ không thường thấy nó ở các nước như Đức đâu", Kovac thừa nhận.
Luka Modric và các đồng đội sẽ làm tất cả để hiện thực hóa giấc mơ vàng cho Tổ quốc.
Sau thế hệ 1998 phi thường, Croatia khá chật vật trong việc phát hiện lừa tài năng kế cận. Chỉ đến khi lò Dinamo Zagreb chú trọng đầu tư vào hệ thống đào tạo trẻ, mọi thứ mới dần tốt lên. Ngày nay, lò Zagerb được đánh giá là một trong những học viện đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu châu Âu. Bằng chứng 10 cầu thủ đang khoác áo đội tuyển quốc gia cũng xuất thân từ đây.
Nhưng vật chất và kinh tế không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Mặt sân thì vẫn xấu còn các câu lạc bộ nghèo vẫn hoàn nghèo. Nếu bạn chưa biết thì giải vô địch quốc gia Crotia có 10 đội tham dự nhưng hai trong số này đã phá sản cuối mùa trước sau khi nợ lương cầu thủ suốt 6 tháng trời.
Bên ngoài kia, còn rất nhiều người chật vật sống từ tháng này qua tháng sau. Nhiều cầu thủ trẻ ngay sau khi tốt nghiệp học viện đã phải cuống cuồng tìm đường ra nước ngoài những mong có cơ hội đổi đời.
Nhưng, gạt qua hết những bộn bề lo toan ấy, hơn 4 triệu người dân Croatia đang say trong men hạnh phúc. Tất cả vì có bóng đá. Họ được truyền cảm hứng từ những người hùng dân tộc đang từng bước chứng minh cho cả thế giới thấy hoàn cảnh không bao giờ đánh gục được đam mê và một trái tim ái quốc.
Thằng nhỏ tóc vàng mặc chiếc áo của Suker huyền thoại đã trở thành đội trưởng của đội tuyển quốc gia. Và tất nhiên, nó sẽ làm tất cả để đem giấc mơ vàng về cho dân tộc mình.