Bữa tối với "sát thủ"
Ngay trước trận đấu ở vòng 4 V.League 2020, Văn Toản được bắt gặp đi ăn đêm với tiền đạo Nguyễn Tiến Linh, một bữa ăn của hai người đồng đội vừa cùng nhau giành HCV SEA Games 2019. Một ngày sau, Văn Toản vào lưới nhặt bóng 5 lần, trong đó, một bàn được ghi bởi chính Tiến Linh sau pha xử lý ở đẳng cấp cao.
Từ câu chuyện ấy, câu hỏi về tính chuyên nghiệp của cầu thủ Việt Nam, cụ thể ở đây là giữa Văn Toản và Tiến Linh được đặt ra. Dẫu biết Tiến Linh muốn đưa Văn Toản đi thăm thú một số địa điểm ăn uống ở Bình Dương, đồng thời, không nhiều người cho rằng Văn Toản hay Tiến Linh sẽ tiết lộ bí mật đội nhà trước trận đấu nhưng hành động của cả hai hoàn toàn tạo đủ điều kiện hình thành một suy nghĩ tiêu cực cho bất cứ ai.
Văn Toản và Tiến Linh hẹn hò đi ăn tối ngay trước trận đấu giữa Bình Dương và Hải Phòng. Ảnh: Fanpage Văn Toản.
Các CLB Việt Nam không có luật cấm cầu thủ đi ăn tối với đối phương trước trận, thay vào đó nó được ngầm hiểu với nhau hoặc nếu có cũng cần giữ kín đáo. Cuộc gặp kiểu Tiến Linh – Văn Toản không phải là cá biệt chưa từng xuất hiện.
Tính chuyên nghiệp dễ nhận ra nhất ở đây là sự tập trung chuẩn bị cho trận đấu trước mắt bao gồm cả thể chất lẫn tinh thần. Sẽ rất tệ nếu sau bữa ăn của cả hai, Văn Toản gặp vấn đề về sức khoẻ. Khi ấy, sự việc sẽ không còn đơn giản nữa. Hoặc vấn đề tâm l
Không phải ngẫu nhiên mà các bữa ăn ở đội tuyển quốc gia bắt buộc phải do khách sạn chuẩn bị. Những món ăn do người Việt gửi tặng dù rất quý nhưng cũng đều được HLV Park Hang-seo yêu cầu không sử dụng, tránh trường hợp xấu nhất.
Những nền bóng đá lớn ở châu Âu biến việc này trở thành quy tắc. Thậm chí, việc bất chợt cầu thủ này đi ăn tối với một thành viên của đội khác, hay còn gọi là "đi đêm", cũng làm dấy lên những đồn đoán, chủ yếu liên quan đến chuyển nhượng. Quan trọng hơn, uy tín của cầu thủ với đội bóng chủ quản, CĐV có thể bị ảnh hưởng. Niềm tin xây dựng suốt bao năm có thể bị chôn vùi chỉ sau một hành động.
Văn Toản có trận đấu 5 lần phải vào lưới nhặt bóng. Đây cũng là trận thua đậm nhất kể từ khi anh trở lại bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: Thú Khúc.
Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) thậm chí còn đưa ra những điều luật khắt khe về vấn đề này, phổ biến nhất là luật Tampering. Điều luật này hiểu nôm na là hành động lôi kéo, thuyết phục cầu thủ, HLV hay quản lý các đội bóng khác làm việc cho mình mà chưa nhận được sự đồng ý của đội bóng chủ quản.
Trở lại với nền bóng đá Việt Nam, cuộc gặp mặt giữa Tiến Linh và Văn Toản sẽ hợp lý hơn sau khi trận đấu đã kết thúc. Nó cũng phơi bày ra thiếu sót trong quản lý cầu thủ của Hải Phòng, Bình Dương, thậm chí là nhiều CLB khác tại giải. Sự chuyên nghiệp đôi khi bắt nguồn từ những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu thiếu cẩn trọng có thể dẫn đến hệ luỵ khó lường trong tương lai.
CLB Hải Phòng đang không có một HLV thủ môn đích thực ở thời điểm này sau sự ra đi của ông Nguyễn Đức Cảnh. Những buổi tập của Văn Toàn thời gian qua được hướng dẫn bởi chính hai HLV đàn anh là Nguyễn Văn Phong và Phạm Văn Luân.
Điều này tác động lớn đến sự phát triển của Văn Toản khi anh không có một người dìu dắt. Những sai lầm như ở bàn thua thứ 3 trước Bình Dương sẽ không có người trực tiếp uốn nắn, sửa sai.
Sau khi ông Cảnh rời đi, Hải Phòng không có HLV thủ môn đúng nghĩa. Ảnh: PH.
Bàn thua ở phút 41 của Văn Toản đến sau một tình huống phán đoán sai hướng bóng, Văn Toản cũng có phút thoáng giật mình do Toure và Schmidt chạy cắt mặt. Tuy nhiên, nó cũng là lời cảnh báo đối với một thủ môn trẻ.
Ở SEA Games 2019, Văn Toàn từng mắc sai lầm ở bàn thua đầu tiên trước U22 Thái Lan. Lỗi không hoàn toàn thuộc về anh nhưng ngay sau trận đấu, HLV thủ môn Trần Minh Quang vẫn lập tức có biện pháp khắc phục. Điểm mạnh của Văn Toản cũng nằm ở sự lỳ lợm, anh có thể bị đánh bại nhưng đứng dậy và khắc phục nhanh.
Nỗi khổ của Văn Toản cũng có thể khiến HLV Park Hang-seo lo lắng khi anh gần như chắc suất cho một vị trí ở khung gỗ U22 Việt Nam tham dự SEA Games 2021 trên sân nhà. Thay vì có người hướng dẫn để cải thiện kỹ năng, Văn Toản sẽ gần như phải tự học ở CLB.
Bàn thua thứ 3 của Hải Phòng trước Bình Dương có một phần lỗi của Văn Toản.
Hải Phòng là một địa phương giàu tiềm lực tài chính, CĐV yêu bóng đá nhiệt thành. Thế nhưng, sức mạnh của bóng đá đất cảng đang ngày một giảm sút dưới sự điều hành của chủ tịch Nguyễn Mạnh Hùng. Sau trận thua 0-5 trước Bình Dương, nhiều CĐV đã bày tỏ sự bức xúc với lãnh đạo đội bóng trong việc đầu tư mua sắm cầu thủ.
Đó chỉ là một chi tiết trong tổng thể bức tranh thủng lỗ chỗ từ y tế đến cơ sở vật chất, từ chất lượng cầu thủ đội 1 đến đào tạo trẻ,… Bóng đá Hải Phòng muốn trở lại cần một cuộc cải tổ sâu rộng và điểm bắt đầu có lẽ từ chính lãnh đạo đội bóng.