Khi đối thủ còn đang bật khóc nức nở trong vòng tay của HLV, Nesthy Petecio vẫn ở trên võ đài, cô kéo chiếc áo bên vai trái, để tất cả chú ý vào hình ảnh Quốc kỳ Philippines. Phía ngoài, một nhóm nhỏ tay đấm đồng hương đang không ngừng gọi tên nữ VĐV 29 tuổi. Petecio tiến đến, đấm tay lên không khí để ăn mừng.
Petecio chỉ giành được tấm HCB nhưng cô hạnh phúc như thể đã giành chiến thắng. Cả dân tộc Philippines cũng ăn mừng với cô.
"Chiếc huy chương này, dành cho dân tộc của tôi", Petecio chia sẻ.
Quyền Anh không phải môn được quan tâm nhiều tại Olympic. Những người hâm mộ môn này phần đông cũng thích theo dõi những trận đấu chuyên nghiệp hơn, nơi có các cái tên hàng đầu tham gia tranh tài. Bản thân boxing cũng gây tranh cãi về mặt kết quả. Đến nay, nhiều người vẫn nhớ về tấm HCV bị đánh cắp của Roy Jones ở Olympic 1988.
Nhưng câu chuyện này không diễn ra ở Philippines, nơi Pacquiao và hàng loạt tay đấm khác đã khiến cả thế giới phải trầm trồ. Nhiều fan hâm mộ tại quốc gia châu Á có thể cho rằng bóng rổ là một thể thao quốc gia, bởi vì họ có giải VĐQG lâu đời thứ 2 thế giới, chỉ sau NBA.
Thế nhưng, nếu xét về toàn diện, boxing mới là môn mang về niềm tự hào cho người Philippines. Rất nhiều lần họ tìm được thành công trên đấu trường quốc tế nhờ boxing.
Nữ lực sĩ cử tạ Hidilyn Diaz là người mang về tấm HCV Olympic đầu tiên cho Philippines cách đây ít ngày. Nhưng trong tổng cộng 12 tấm huy chương họ từng giành được, 6 trong số đó đến ở môn quyền Anh, bao gồm cả chiếc HCB vừa qua của Petecio. Thêm 2 tấm huy chương khác được đảm bảo, ở hạng trung của Eumir Marcial và Carlo Paalam của hạng ruồi.
Lần đầu tiên, boxing Philippines mới giành được nhiều tấm huy chương đến thế tại một kỳ Thế vận hội.
Hãy điểm lại quá khứ, khoảng 100 năm trước khi quyền Anh chính thức được công nhận tại quốc gia Đông Nam Á này.
Kể từ đó tới nay, Philippines đã sản sinh 44 nhà vô địch quyền Anh chuyên nghiệp thế giới, khởi đầu bởi Francisco Guilledo vào năm 1923. Rồi tới Flash Elorde ở thập niên 1960 và không thể quên Pacquiao, người đầu tiên trong lịch sử vô địch thế giới ở 8 hạng cân khác nhau.
Lúc này, Pacquiao vẫn còn thi đấu ở tuổi 42, chuẩn bị gặp nhà vô địch thế giới Errol Spence vào cuối tháng này.
"Tôi không đại diện cho tất cả nhưng với tôi, quyền Anh Philippines đã trải qua một hành trình phát triển rất dài. Mọi người được truyền cảm hứng khi họ thấy những nhà vô địch vươn lên từ nghèo khó", Francis Ochoa, ký giả của tờ Inquirer, chia sẻ.
Petecio, người vừa giành được tấm huy chương bạc vừa qua, từng phải nhặt xương gà vụn để bán đi làm phân bón. Paalam, người đã lọt vào bán kết và ít nhất có được HCĐ năm nay, từng phải nhặt rác.
Người Philippines luôn tự hào khi nhắc về Pacquiao, người từng sống nghèo khó trên đường phố Manila. "PacMan" đã phải cố gắng rất nhiều, từ tập luyện cho tới việc học tiếng Anh.
"Tôi cho rằng anh ấy đại diện cho sự kiên cường. Bạn cần mỉm cười khi gặp phải những điều khó khăn. Và Manny giúp bạn có niềm tin khi làm điều đó. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, anh ấy chỉ là một cái tên vô danh, có thắng có thua. Anh ấy không thể kiếm được nhiều như Mayweather. Nhưng khi nào bước lên sàn đấu, anh ấy sẽ làm hết mình. Chúng tôi cũng như vậy", Ochoa nói thêm.
Pacquiao có thành tích 37-2-1 khi đối đầu cùng Marco Barrera trong một cuộc đấu được nhiều chú ý. "PacMan" cũng từng thua trước Erik Morales hay Manuel Marquez. Nhưng không có bất kỳ thất bại nào có thể đánh gục Pacquiao.
Rất nhiều VĐV quyền Anh coi Pacquiao là hình mẫu để không ngừng vươn lên. "Ông ấy là thần tượng số 1 của chúng tôi", Paalam thừa nhận.
Tầm ảnh hưởng của Pacquiao không chỉ đến ở mặt tinh thần. Cách tay đấm sinh năm 1978 tiếp cận trận đấu cũng được thế hệ sau học hỏi. Giống Pacquiao, rất nhiều võ sĩ Philippines ưu tiên tốc độ, bao gồm cả Paalam.
Lúc này, tay đấm Marcial đang được quảng bá bởi chính Pacquiao. Cả hai cũng tập chung tại phòng gym Wild Card ở Hollywood, nơi có ông thầy huyền thoại Freddie Roach.
Lúc này, quyền Anh Philippines đang có một thế hệ vàng. Họ giờ đã gây ấn tượng mạnh ở Olympic. Nếu nói về sự thay đổi, HLV Don Abnett của tuyển Philippines thừa nhận họ đã được quan tâm hơn về mặt tài chính, nhờ sự hỗ trợ của những mạnh thường quân.
Sự đầu tư mạnh mẽ đã được tưởng thưởng xứng đáng. Giờ không chỉ Pacquiao, những tay đấm trẻ của Philippines còn có Petecio, Paalam và Marcial để làm gương. Và không bất ngờ nếu cả 3 cái tên này tiếp tục vươn xa trong tương lai.