“Nói thật là tôi không để ý đến những chiếc cúp. Điều tôi quan tâm là sự phát triển của các cầu thủ”, ông Eric Abrams mở lời khi dẫn phóng viên VTC News vào phòng truyền thống của Trung tâm bóng đá PVF với những chiếc cúp bóng loáng trưng bày trong tủ kính.
Vị chuyên gia người Bỉ nói thêm: “Mục tiêu của chúng tôi đến cuối cùng vẫn là đào tạo ra cầu thủ cho bóng đá Việt Nam, cho đội tuyển quốc gia và hy vọng một vài người trong số họ có thể ra nước ngoài thi đấu. Điều đó quan trọng hơn là những chiếc cúp”.
PVF là một trong những lò đào tạo cầu thủ hiện đại nhất của bóng đá Việt Nam, được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cấp chứng nhận 3 sao (cao nhất). Chỉ có 3 học viện bóng đá trên toàn châu Á có vinh dự này.
Ông Abrams làm việc ở PVF trong vai trò Giám đốc kỹ thuật. Vị chuyên gia 65 tuổi đến Việt Nam với bề dày kinh nghiệm làm bóng đá trẻ ở Bỉ, Australia, Ả Rập Xê Út… Đáng chú ý, ông từng tham gia trực tiếp vào chương trình bóng đá trẻ đã tạo nên bước khởi đầu cho thế hệ vàng của đội tuyển Bỉ với những tên tuổi như Kevin de Bruyne, Romelu Lukaku, Eden Hazard khi họ chỉ là những cậu bé bắt đầu tập đá bóng.
- Ông từng nhiều năm làm bóng đá trẻ ở Bỉ, quê hương của những ngôi sao hàng đầu thế giới như Kevin De Bruyne, Eden Hazard… Chiến lược bóng đá trẻ của LĐBĐ Bỉ có gì đặc biệt mà ông thấy không có ở đây?
Ở Bỉ, tất cả các CLB chuyên nghiệp ở Bỉ đều có HLV đội trẻ được đào tạo đầy đủ. Các đội trẻ của CLB được định hướng chơi bóng giống với đội tuyển trẻ quốc gia.
Ngoài ra, Liên đoàn bóng đá Bỉ có hệ thống gọi là Elite Football School. Có 7 trung tâm như vậy ở khắp nước Bỉ, do LĐBĐ Bỉ quản lý. Những cầu thủ trẻ tài năng nhất của các CLB được đưa đến đây, mỗi tuần có 22 tiếng học văn hóa và 8 tiếng tập bóng đá.
Ở trường học, họ cũng học môn bóng đá và thầy giáo của họ chính là các HLV của LĐBĐ Bỉ. Các HLV này cũng làm việc ở đội tuyển trẻ của Bỉ và có sự trao đổi thông tin qua lại với nhau. Vì thế, LĐBĐ Bỉ nắm rõ về các cầu thủ.
Buổi sáng họ học ở trường, đến chiều lại về tập ở CLB. Cuối tuần thi đấu ở giải trẻ. Cứ như vậy 30-35 tuần mỗi năm. Ở Bỉ, các CLB và trường học hợp tác với nhau. Nếu một cầu thủ được gọi lên đội tuyển quốc gia, cậu ta sẽ được miễn học phí.
- Nhưng cũng có những điểm khác mà ông có thể áp dụng được ở PVF?
Thời gian 15 năm làm việc cho Liên đoàn bóng đá Bỉ giúp tôi học được rất nhiều điều về cách xây dựng một học viện bóng đá trẻ. Tôi cũng từng làm việc ở Myanmar và Australia, Ả Rập Xê Út. Tôi có những kinh nghiệm quý giá về bóng đá châu Á trước khi đến đây.
Điều mà tôi học được là chẳng thể sao chép cách làm từ nơi này sang nơi khác. Nhưng, có một thứ không đổi là nguyên tắc. Những nguyên tắc đúng đắn sẽ phù hợp ở mọi nơi. Nếu có đủ các phương tiện thì chỉ cần áp dụng đúng nguyên tắc là được.
Cầu thủ trẻ Việt Nam hay Bỉ cũng như nhau cả thôi. Việc phát triển những cầu thủ trẻ đều có chung nguyên tắc ở mọi nơi trên thế giới. Điểm khác biệt nằm ở yếu tố văn hóa, khí hậu, cách tiếp cận vấn đề với cầu thủ, với các huấn luyện viên.
Ở Bỉ, chúng tôi có hệ thống những “bản thiết kế” gọi là hồ sơ nhận diện tài năng bóng đá. Khi phát hiện ra một cầu thủ có tiềm năng ở Việt Nam và nhận thấy cậu ta có những đặc điểm giống như được mô tả trong “bản thiết kế”, chúng tôi sẽ áp dụng chính xác quy trình tương tự cho các cầu thủ này.
Tôi muốn nhấn mạnh là tiềm năng của các cầu thủ trẻ Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới không khác nhau nhiều lắm. Thách thức lớn nhất đối với việc phát triển cầu thủ trẻ ở Việt Nam là tìm được phương hướng làm việc đúng đắn để làm sao đưa họ trở thành những cầu thủ hàng đầu, chuẩn bị sẵn sàng cho môi trường thi đấu chuyên nghiệp, trong nước và quốc tế.
Dù vậy, đây là điều khó khăn nhất và thiếu sót nhất đối với công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam. Đa số các lò đào tạo trẻ Việt Nam không có lộ trình được chuẩn hóa. Tôi đang cố gắng xây dựng điều đó ở PVF. Bây giờ chúng tôi có hệ thống xuyên suốt từ cấp độ U13 đến CLB chuyên nghiệp. CLB Phố Hiến (nay là PVF – CAND) năm ngoái chơi ở giải Hạng Nhất có 90% lực lượng là cầu thủ tự đào tạo với độ tuổi trung bình là 19,6. Đó là trường hợp độc nhất ở 2 giải đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam. Không có đội nào khác có độ tuổi trung bình thấp như vậy.
Quan điểm của chúng tôi là phải chuẩn bị cho các cầu thủ trẻ thi đấu chuyên nghiệp sớm nhất có thể. Nhiều người nghĩ rằng phải 23, 24 tuổi mới có thể chơi bóng tốt được. Ở Bỉ, kể cả khi mới 17 tuổi mà đủ khả năng thì các bạn đó vẫn lên đá giải hạng cao nhất. Đấy là lý do trong 15 năm qua, bóng đá Bỉ sản sinh ra rất nhiều cầu thủ giỏi. Những cầu thủ trẻ được trải nghiệm bóng đá chuyên nghiệp ngay khi họ được trang bị đủ các kỹ năng.
- Cầu thủ trẻ cần được tạo điều kiện thi đấu, nhưng đặt vấn đề ngược lại, họ phải có đủ kỹ năng thì HLV mới sử dụng được.
Vấn đề nằm ở hệ thống bóng đá trẻ ở Việt Nam không được thiết kế để các cầu thủ trẻ có thể chứng tỏ là họ đủ khả năng chơi bóng ở cấp độ cao, không lọt vào tầm ngắm của các HLV để được thi đấu.
Ví dụ, vòng loại U19 quốc gia đang diễn ra ngay tại PVF với 5 đội tham dự, thi đấu 3 tuần, 10 trận. Nếu một đội bóng không vượt qua vòng loại, cầu thủ của họ chỉ được đá 10 trận trong cả năm. Ở Bỉ, các cầu thủ trẻ được thi đấu ít nhất 30 trận đấu trong một mùa giải.
Tôi xác nhận rằng ngay cả những đội bóng không vượt qua vòng loại giải vô địch quốc gia cũng có không ít cầu thủ tài năng nhưng sự phát triển của họ bị ngắt quãng vì không được thi đấu. Có thể họ vẫn tập luyện và thi đấu giao hữu, nhưng cũng có những người hết giải thì nghỉ luôn cả năm.
Nói như vậy không có nghĩa là các giải trẻ bây giờ không tốt. Ý tôi là bên cạnh những giải như bây giờ, hãy tổ chức giải đấu theo thể thức vòng tròn để các cầu thủ có thể thi đấu đều đặn hằng tuần, khoảng 30 tuần mỗi năm.
Ở PVF, mọi thứ rất tốt, nhưng chúng tôi chỉ là một phần rất nhỏ. Tôi đã đi khảo sát các đội trẻ ở khắp nơi tại Việt Nam vànhận thấy các đội bóng khác có rất nhiều cầu thủ tài năng hơn cả những người chúng tôi có ở đây. Bóng đá Việt Nam có ít nhất 1.000 tài năng trẻ từ lứa U13-U19, nhưng chỉ một tỉ lệ rất nhỏ trong số họ được đặt trong môi trường đào tạo tốt ở một số học viện, câu lạc bộ.
PVF là trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hiện đại bậc nhất châu Á.
- Ông vừa nói rằng tố chất của cầu thủ trẻ ở Việt Nam và châu Âu không khác nhau ở giai đoạn bắt đầu. Có ví dụ nào như vậy ở PVF không, như tiền đạo Nguyễn Thanh Nhàn - vua phá lưới giải Hạng Nhất mùa trước - chẳng hạn.
Thanh Nhàn ấy đến đây khá muộn, được phát hiện bởi người giữ chức giám đốc kỹ thuật PVF trước tôi (HLV Philippe Troussier), nhưng nhìn qua cách thi đấu là tôi hiểu vì sao cậu ấy được đánh giá cao về tiềm năng. Với những cầu thủ như vậy, chúng tôi chỉ cần đặt vào chương trình huấn luyện sẵn có và cung cấp những điều kiện tốt nhất.
Một ví dụ rõ hơn là trường hợp của Nguyễn Đức Phú, cầu thủ chơi ở vị trí tiền vệ trụ của đội U20 Việt Nam ở giải châu Á mới đây. Cậu ấy đến từ Hải Phòng, địa phương không có đào tạo trẻ. Năm 2020 tôi đến đây, Phú đã có mặt ở PVF. Tôi nghĩ đây là cầu thủ tốt nhất của PVF.
Điều thú vị là các chỉ số về thể chất của Phú tốt hơn mặt bằng chung của các cầu thủ châu Âu cùng lứa tuổi. Cậu ấy có đủ những tố chất để trở thành một cầu thủ giỏi. Vấn đề là tạo cơ hội và giúp cậu ấy phát triển. Cậu ấy cần học hỏi, và quá trình phát triển của Phú trong 2 năm qua theo tối đánh giá là rất tốt.
Năm ngoái, chúng tôi gửi 3 cầu thủ U15 sang Bỉ tập huấn 2 tháng. Cả 3 cầu thủ này đã thể hiện cho đối tác thấy họ có tiềm năng lớn. Những chuyên gia ở Bỉ rất bất ngờ khi cầu thủ Việt Nam có tố chất tốt như vậy. Định hướng của chúng tôi là tiếp tục mở rộng hợp tác với các học viện ở nước ngoài, có cùng chất lượng như PVF.
Điều này giúp các cầu thủ được trải nghiệm, học hỏi ở môi trường bóng đá khác nhau. Nếu làm tốt và may mắn, họ có thể được ký hợp đồng ở nước ngoài. Tuy nhiên để đến được bước đó là cả một quá trình cần nhiều thời gian.
Mục tiêu của chúng tôi là đưa cầu thủ đến châu Âu thi đấu. Nhưng chúng tôi phải làm từng bước một. Bây giờ, PVF mới chỉ đưa cầu thủ sang châu Âu tập 2 tháng. Chúng tôi đang tìm cách để có được 6 tháng. Ba cầu thủ sang Bỉ chỉ thi đấu ở các trận giao hữu. Tôi hy vọng họ có thể thi đấu được hằng tuần, trong khoảng thời gian từ 6 tháng trở lên.
- Trước khi nghĩ đến việc sang châu Âu, các cầu thủ phải thi đấu được ở cấp độ chuyên nghiệp tại Việt Nam. Tỉ lệ cầu thủ vượt qua cả một quy trình dài từ U13 đến khi lên được đội chuyên nghiệp là bao nhiêu?
Rất nhỏ. Thật đấy. Chỉ có 0,002% cầu thủ trẻ trên thế giới có thể trưởng thành để thi đấu chuyên nghiệp ở các giải vô địch quốc gia.
Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý rằng bóng đá là môn thể thao tập thể. Để có được một cầu thủ giỏi, chúng tôi phải đào tạo cả một đội bóng. Điều này nhằm đảm bảo một cầu thủ giỏi được đặt trong một đội hình gồm những cầu thủ khác cũng có đủ năng lực nhất định, có thể kém tài năng hơn nhưng họ có thể kết hợp thành một đội bóng để làm nổi bật những tài năng vượt trội.
Chúng ta cần phải hiểu rằng trong số rất nhiều cầu thủ trẻ chỉ vài người trở thành ngôi sao. Mục tiêu của PVF trước tiên là đào tạo ra những cầu thủ chuyên nghiệp. Trong đó, những người đủ tài năng và phát triển tốt sẽ trở thành tuyển thủ quốc gia. Tất nhiên chúng tôi cũng muốn các cầu thủ của mình hiện diện ở đội tuyển quốc gia để chứng minh những gì mình làm được. Sau đó, bước tiếp theo là ra nước ngoài thi đấu.
Tôi không thể nói chính xác tiêu chuẩn để có thể đá được ở V-League, vì một cầu thủ có thể đá được ở V-League nếu HLV nhận thấy cậu ta đáp ứng được những yêu cầu. Đó là lý do chúng tôi có CLB thi đấu ở giải chuyên nghiệp.
Sự góp mặt của CLB PVF-CAND ở giải Hạng Nhất chứng minh rằng các cầu thủ trẻ của PVF - rộng hơn là những cầu thủ lứa tuổi U19 ở tất cả các đội bóng khác - cũng có thể thi đấu chuyên nghiệp được. Tôi hi vọng PVF CAND có thể lên hạng V-league để mọi người thấy các cầu thủ trẻ của chúng tôi thể hiện ở V-League. Nếu họ thi đấu được với các đội bóng ở cấp độ cao nhất, có nghĩa là họ đủ khả năng để thi đấu cho những CLB khác của giải đấu.
- PVF là học viện chất lượng hàng đầu của châu Á. Các đội trẻ PVF giành nhiều danh hiệu ở cấp quốc gia những năm qua. Tuy nhiên, có vẻ dấu ấn từ các học viên tại V-League và các đội tuyển trẻ chưa rõ rệt.
Tôi không nắm rõ được công việc của những người tiền nhiệm nên không thể đưa ra ý kiến gì. Chiến lược hiện tại của PVF mới bắt đầu được thực hiện khi tôi đến đây vào năm 2020. Tất cả cần có sự kiên nhẫn.
Các bạn có thể thấy đội Phố Hiến (nay là PVF - CAND) năm ngoái cạnh tranh suất lên hạng. Đó đã là một dấu hiệu cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng. Khoảng 5-6 năm nữa, quan điểm về các cầu thủ PVF sẽ khác. Người ta sẽ không còn nghi ngờ vào khả năng của cầu thủ PVF nữa. Chúng tôi sẽ có những cầu thủ góp mặt ở đội tuyển quốc gia.
Tôi đặt mục tiêu là nếu đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup vào năm 2026 hoặc 2034, trong thành phần đội tuyển sẽ có học viên của PVF góp mặt.
Ở Bỉ, phải đến năm 2000 người ta mới có được tầm nhìn đúng đắn về bóng đá trẻ. Chúng tôi mất 10 năm để đi được đến như ngày hôm nay, với đội tuyển quốc gia đứng vị trí số một trên bảng xếp hạng FIFA và có những cầu thủ hàng đầu chơi ở các giải đấu lớn trên thế giới.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.