Tại sao Việt Nam khó đăng cai bảng G vòng loại World Cup 2022 hơn Thái Lan, UAE?

HIẾU LƯƠNG , 08:30 19/02/2021 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Đội tuyển Việt Nam chắc chắn không thi đấu trên sân nhà trong phần còn lại của bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á.

Chiều 18/2, AFC đã quyết định lùi các trận đấu diễn ra trong tháng 3/2021 sang tháng 6/2021. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đội ở bảng G gồm Malaysia, Thái Lan và Indonesia đều không thể tổ chức các trận đấu trên sân nhà.

Lịch thi đấu đã chốt nhưng địa điểm đá tập trung thì chưa. Việt Nam không ứng cử đăng cai.

Tại sao Việt Nam khó đăng cai bảng G vòng loại World Cup 2022 hơn Thái Lan, UAE? - Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu các trận còn lại bảng G vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á nhiều khả năng ở UAE hoặc Thái Lan (Ảnh: Hiếu Lương)

Lý do được Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đưa ra là dù Việt Nam phòng chống dịch Covid-19 tốt nhưng gặp khó khăn ở quy định cách ly 14 ngày đối với công dân các nước khi di chuyển sang.

Ngoài ra, yếu tố tài chính cũng khiến VFF phải đắn đo. AFC yêu cầu phải có hai SVĐ đạt tiêu chuẩn ở gần nhau, 5 sân tập riêng cho 5 đội hay 5 khách sạn 5 sao để đảm bảo các đội tuyển ở tách biệt nhau,…

Về việc xét nghiệm Covid-19, AFC cũng yêu cầu nước đăng cai phải làm việc này hàng ngày. Nếu có thành viên đội tuyển mắc Covid-19 thì sẽ được cách ly tại phòng khách sạn, phần còn lại vẫn ra sân thi đấu bình thường.

Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết chưa có nước nào ở bảng G chính thức đề nghị đăng cai. Hai ứng cử viên nổi lên là UAE và Thái Lan.

Thái Lan và UAE đều có lợi thế hơn Việt Nam trong việc tổ chức một sự kiện bóng đá lớn. Về cơ sở vật chất, Thái Lan vừa đăng cai VCK U23 châu Á 2020, còn UAE tổ chức thành công Asian Cup 2019. Trong hai nước, UAE có điều kiện tốt nhất và được đánh giá cao về điều kiện ăn ở, di chuyển.

Về dịch Covid-19, Thái Lan cũng đang kiểm soát tốt khi các giải bóng đá chuyên nghiệp của nước này đã được tổ chức trở lại. Bên cạnh đó, các trận đấu không đón khán giả cũng hạn chế nhiều rủi ro.

Với UAE, thông tin từ báo chí nước này cho thấy khoảng một nửa dân số nước này (4,6 triệu) đã được tiêm vaccine Covid-19. Trong vài tháng tới, UAE đặt mục tiêu tiêm chủng toàn dân hướng tới miễn dịch cộng đồng. Điều này càng tăng lợi thế cho UAE trong việc đăng cai các trận còn lại của bảng G.

Tại sao Việt Nam khó đăng cai bảng G vòng loại World Cup 2022 hơn Thái Lan, UAE? - Ảnh 2.

Các tuyển thủ Việt Nam đều không lạ các sân đấu ở UAE và Thái Lan (Ảnh: Hiếu Lương)

Một yếu tố nữa giúp UAE có lợi thế hơn Thái Lan trong việc đăng cai nằm ở số trận sân nhà còn lại. UAE sẽ thi đấu 3/4 trận sân nhà ở phần còn lại của vòng loại thứ hai. Con số này với Thái Lan là 2.

Việc thi đấu trên sân nhà giúp các đội tuyển có lợi thế về thích nghi khí hậu, sân bãi, giữ thể lực do không phải di chuyển đường dài. Nếu tổ chức ở Thái Lan, chỉ có UAE bị ảnh hưởng. Nếu tổ chức ở UAE, 4 đội tuyển của Đông Nam Á đều có khó khăn chung.

Hiện tại, đội tuyển Việt Nam đang dẫn đầu bảng G với 11 điểm. Xếp sau lần lượt là Malaysia (9 điểm), Thái Lan (8 điểm), UAE (6 điểm) và Indonesia (0 điểm). UAE thi đấu 4 trận, ít hơn các đội còn lại 1 trận.

Đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu giành tối thiểu 4 điểm ở hai trận đầu tiên gặp Indonesia và Malaysia để dễ toan tính trước trận cuối gặp UAE.

Tại sao Việt Nam khó đăng cai bảng G vòng loại World Cup 2022 hơn Thái Lan, UAE? - Ảnh 3.

Bảng xếp hạng bảng G sau lượt trận thứ 5 (Ảnh: Hữu Nam)

Đội tuyển Việt Nam có 3 tuần chuẩn bị

Với phương án thi đấu như trên, VFF và VPF sẽ phối hợp để đưa ra lịch thi đấu V.League tạm nghỉ vào đầu tháng 5. Đội tuyển Việt Nam sẽ có 3 tuần chuẩn bị.

Đến ngày 31/5, đội bay sang UAE. Thầy trò HLV Park Hang-seo có lợi thế khi không phải đá lượt trận đầu diễn ra vào ngày 3-4/6. Đội tuyển Việt Nam có thể theo dõi hai trận đấu, nghiên cứu thêm các đối thủ.

Ngày 7/6, đội tuyển Việt Nam có trận đấu đầu tiên chạm trán Indonesia. Ở lượt đi, Việt Nam thắng 3-1.