Khá kỳ lạ, nhưng MU đã thắng. Những người Italia có thể nói về bàn thắng siêu đẳng của Cristiano Ronaldo, về 22 cú dứt điểm khác, bao gồm 2 tình huống đưa bóng vào khung gỗ của Paulo Dybala và Sami Khedira, cũng như bàn thua không đáng phút 90, nhưng MU đã thắng.
MU đã thắng. Ngạc nhiên hơn, khi những ngày gần đây người ta luôn nói về cái gọi là "khát khao và tinh thần chiến thắng" của Juventus mà Sir Alex Ferguson từng lấy làm hình mẫu, sau đó tạo nên chiến thắng ngoạn mục ở chung kết Champions League 1998/99, thì hôm nay, lần đầu tiên sau 19 năm kể từ thời khắc huy hoàng ở Nou Camp, họ mới lại ghi 2 bàn và ngược dòng thành công trong 5 phút cuối.
Trong một tháng trở lại đây, đội bóng của Jose Mourinho đã hình thành thói quen khó chịu. Đó là, họ luôn khởi đầu tệ, bị dẫn trước, sau đó thì như tất cả đã biết, bất ngờ xuất hiện với gương mặt khác, tươi tắn hơn, rồi khởi động hành trình leo núi.
Với 2 bàn để ngược dòng thành công, MU ngẩng cao đầu rời Allianz Stadium.
Vậy vấn đề ở đây là gì, hay tại sao tình trạng này cứ lặp đi lặp lại?
Chính Mourinho cũng không thể giải thích nổi. Sau trận đấu với Bournemouth, HLV người Bồ Đào Nha nói rằng các học trò của ông đã tập luyện chăm chỉ cả tuần để đạt trạng thái tốt nhất, cả về tinh thần lẫn thể trạng. Các phương án tác chiến cũng được xây dựng chi tiết. Thế nhưng rốt cuộc, MU vẫn bị dẫn trước. "Không hiểu nổi", Mou nói.
Thật ra, sức mạnh của MU, hay yếu tố giúp định nghĩa đội bóng này nằm ở tinh thần chiến thắng. Trong suốt những năm 1990, Sir Alex đã dày công hun đúc ý chí chiến đấu, cố gắng tạo nên khí chất nhà vô địch trong mỗi học trò. Để từ đó, họ ra sân với tư tưởng chiến thắng.
Chính điều này tạo nên kỷ nguyên thống trị của MU. Từ trong đường hầm, đội quân của Sir Alex luôn tự tin họ sẽ chiến thắng trong khi các đối thủ cảm thấy sợ hãi và cố gắng để không thua. Thế nên mới có chuyện, Roberto Mancini từng than thở, "thật khó cạnh tranh với MU khi các đội bóng luôn có tư tưởng sẽ dâng 3 điểm khi gặp họ".
Đêm thứ Tư, MU khiến người ta nhớ về tinh thần và khát khao vốn làm nên danh tiếng của CLB.
Phẩm chất tốt đẹp ấy đã dần mai một. Các cầu thủ MU bây giờ ra sân với sự lo lắng và sợ hãi đủ điều, từ việc bị thủng lưới, chơi không tốt và đối mặt với cơn thịnh nộ, hay những lời nhiếc móc hoặc sự trừng phạt từ phía ông thầy.
Tâm trạng lo sợ lên đến đỉnh điểm sau 4 trận liền không thắng (thua 2) hồi tháng 9, dẫn đến nguy cơ Mourinho bị sa thải và đội bóng sẽ bị tái cơ cấu. Vì vậy các trận sau đó, gặp Newcastle, Chelsea, Juventus, Everton rồi Bournemouth, MU luôn tiếp cận trận đấu với tâm lý không để thua trước tiên.
Nhưng khốn nỗi, chất lượng phòng ngự của Quỷ đỏ lại quá tệ. Cộng thêm tâm lý căng cứng, nguy cơ thủng lưới của càng họ càng cao. Đây chính là điểm mấu chốt mang tính bước ngoặt: khi điều tồi tệ nhất đã xảy ra, tức không còn gì để mất, bản năng chiến đấu của các cầu thủ được đánh thức và tất cả chơi với sự tự do.
MU có một chút may mắn ở bàn thứ 2, nhưng nó được tạo ra từ sự kiên cường của họ.
Tất nhiên mọi chuyện sẽ không thể mãi diễn ra theo cách này. Những khoảnh khắc tốt, những kết quả tốt giúp sự tự tin ở MU tăng cao, tạo tiền đề để họ cố lái trận đấu theo ý mình, thay vì thụ động như trước. Có thể thấy điều này ở chiến thắng trước Juventus.
Mặc dù cũng đi theo kịch bản bị dẫn trước rồi lội ngược dòng, nhưng MU ở Allianz Stadium với sự nhất quán. Họ chịu khó di chuyển, chơi bóng chăm chỉ và nhẫn nại chờ đợi cơ hội, đồng thời có tổ chức hơn, cũng như thu hẹp các khoảng trống so với trận đấu tại Old Trafford.
Với sự kiên cường, MU xứng đáng có 1 điểm. Nhưng khi nó là 3 điểm, thì đó giống như một phần thưởng cho sự hồi sinh của tinh thần chiến thắng - bản sắc của MU.