T1 lại một lần nữa vô địch LCK. Chiếc cúp thứ 9 được Faker đem về và danh sách thành tích của T1 lại một ngày dài thêm. Từ khi debut năm 2013, Faker trở thành hiện tượng của nền LMHT không chỉ ở Hàn Quốc mà còn là toàn thế giới. Anh trở thành chuẩn mực cho bất kỳ người đi đường giữa nào thi đấu LMHT.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa Faker là "vô đối", LCK vẫn có những cái tên sừng sỏ đủ sức đánh bại huyền thoại sống của SKT T1 và điển hình của những cái tên này là Heo "PawN" Won-seok.
Edward Gaming vô địch MSI 2015 với 2 tuyển thủ người Hàn là PawN và Deft.
Không chỉ một, mà tới tận 2 lần khi ngay sau chức vô địch CKTG 2014, PawN cùng Edward Gaming có được chức vô địch MSI 2015 khi đánh bại phiên bản được coi là hoàn hảo nhất của SKT T1 lúc đó. Chỉ đến lúc đó người ta mới nhận ra rằng, muốn đánh bại người Hàn Quốc thì chỉ có dùng người Hàn Quốc.
SKT T1 chấm dứt triều đại của mình vào năm 2017 sau trận derby với Samsung Galaxy, nhưng triều đại của LCK hay chính xác là người Hàn Quốc sẽ không bao giờ kết thúc với LMHT khi các khu vực vẫn còn phải phụ thuộc rất nhiều vào những tuyển thủ Hàn.
Ngành "xuất khẩu" tuyển thủ của LCK bỗng chốc trở thành một ngành đem lại rất nhiều lợi nhuận cho kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, những lo ngại về việc "chảy máu chất xám" của LCK cũng bắt đầu nhen nhóm xuất hiện khi càng ngày càng nhiều các khu vực sử dụng ngoại binh Hàn Quốc.
Nếu thay thế Rookie và TheShy bằng 2 tuyển thủ Trung Quốc thì chưa chắc Invictus Gaming đã vô địch năm 2018.
Người Hàn Quốc đem vinh quang đến cho khu vực khác bao nhiêu thì ta càng thấy chính khu vực của họ đi xuống bấy nhiêu.
Đỉnh điểm là năm 2018, hạt giống số 1 của khu vực Hàn Quốc, KT Rolster thất bại trước Invictus Gaming bởi chính con quái vật đến từ xứ sở kim chi, TheShy. Tiếp đến năm 2019, 2 siêu tân binh của LCK là Damwon Gaming và Griffin tiếp tục bị dập te tua bởi DoinB và Funplus PhoeniX.
Không chỉ là tình trạng chảy máu chất xám, khu vực Hàn Quốc còn tỏ rõ sự yếu kém và lỗi thời trong cách chơi khi chính niềm tự hào của họ, SKT T1 thất bại tâm phục khẩu phục trước G2 Esports, đội tuyển 100% Châu Âu.
G2 Esports hủy diệt SKT T1 trong sự ngỡ ngàng của người hâm mộ và trở thành hình mẫu mới của mọi đội tuyển eSports với phong cách trẻ trung, sáng tạo và đầy cá tính.
Một phần của sự đi xuống này đến từ lối chơi "nuôi rùa" nhàm chán của khu vực LCK và Riot Games đang dần loại bỏ điều này qua những bản cập nhật. Những trận đấu nặng kiểm soát và quyết định bằng pha giao tranh tổng giờ đây đã không còn nhiều và LCK đang dần bị tụt hậu bởi chính lý do này.
Họ có thể thay đổi? Đương nhiên, nhưng không phải một sớm một chiều khi lối chơi chắc cú, kiểm soát bản đồ đã ăn sâu vào máu họ.
Với 5 chức vô địch CKTG và 2 chức vô địch MSI, người Hàn có quyền tin tưởng vào lối chơi của mình nhưng có lẽ họ đã ngủ quên trên chiến thắng quá lâu để nhận ra trò chơi đã thay đổi quá nhiều.
Nếu LPL vô địch 2 năm gần nhất và nhiều thành tích á quân trước đó, họ đủ xứng đáng để nhận được 4 slot tại CKTG năm nay. Thì với khu vực được 4 slot còn lại là LEC, cộng đồng Hàn Quốc cho rằng vị trí này phải thuộc về họ nhưng có lẽ họ đã vô tình quên mất rằng, Châu Âu là khu vực ít phụ thuộc vào Hàn Quốc nhất trong những năm gần đây. Tuy vậy, họ vẫn có thành tích vô cùng tốt với Fnatic, G2 Esports hay trước đó là Origen của huyền thoại xPeke.
Khu vực LEC không yếu như bạn tưởng!
Nói đi cũng phải nói lại, dù những người đi đường đơn của Hàn Quốc luôn được đánh giá cao và những tuyển thủ Hàn Quốc vẫn là những nhân sự chất lượng cho mỗi đội tuyển thì việc khu vực LCK chỉ có 3 slot cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho sự lỗi thời trong lối chơi của chính họ.
LPL và LEC đã thay đổi thành công và họ có thêm 1 slot hoàn toàn xứng đáng. MSI 2020 đã không được tổ chức. Nhưng có lẽ đây cũng là một tin tốt cho LEC và LPL khi những tài năng trẻ ở nơi đây sẽ có nhiều cơ hội thể hiện mình hơn, đặc biệt là LPL với sự đột biến liên tục của giải đấu cuồng nhiệt nhất hành tinh này.