Báo chí Hàn Quốc cho biết, hiện tại, Faker đang làm đại diện quảng bá hình ảnh cho 340 thương hiệu lớn nhỏ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như đồ chơi, nước uống... Mới đây, tổ chức T1 đã nộp đơn xin đăng ký bản quyền thương hiệu cho cái tên Faker và phiên bản tiếng Hàn. Khi thủ tục hoàn tất, các thương hiệu cần mua bản quyền hình ảnh Faker và sẽ phải nộp phạt nếu bị phát hiện sử dụng trái phép. Nhãn hiệu "Faker" được T1 nộp đơn vào 13/4 và đang trong quá trình thẩm tra.
Luật sư của văn phòng sáng chế cho biết, quá trình đăng ký thương hiệu cần có sự đồng ý của chính Lee Sang Hyeok "Faker". Tuy nhiên, chủ sở hữu bản quyền sẽ thuộc về T1 sau khi thủ tục hoàn tất. Chắc hẳn, T1 đã phải trả khoản phí đáng kể để có được sự đồng ý của Faker.
Đáng chú ý, T1 cho biết sau khi quá trình đăng ký hoàn thiện, tổ chức này sẽ ra mắt dòng sản phẩm Gaming Gear mang thương hiệu Faker. Chắc chắn, động thái này sẽ nhận được sự ủng hộ của số đông người hâm mộ trên toàn thế giới. Mặc áo Faker, dùng chuột và bàn phím Faker, chỉ nhìn thôi đã thấy "pro".
Đăng ký bản quyền hình ảnh là việc làm cần thiết để tăng giá trị thương mại của Faker. Đây sẽ là bước tiến lớn cho Esports trong thời gian tới. Tương tự như bóng đá, những cầu thủ nổi tiếng như Ronaldo, Beckham đều thu lại số tiền lớn nhờ bản quyền hình ảnh. Đây sẽ là thu nhập đáng kể cho Faker khi anh giải nghệ.