Joel Glazer, đồng Chủ tịch MU vừa được bầu là Phó Chủ tịch Super League nói rằng "Super League sẽ mở ra một chương mới của bóng đá châu Âu". Florentino Perez, Chủ tịch Real, cũng là Chủ tịch Super League thì tuyên bố, giải đấu được tạo ra bởi 12 CLB, gồm Real, Barca, Atletico, Juventus, Milan, Inter, MU, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal, Tottenham "đáp ứng sự mong mỏi của người hâm mộ bằng siêu giải đấu, tương xứng với tầm vóc của môn thể thao được 4 tỷ người yêu thích".
Thoạt nghe, Super League thực sự là một ý tưởng hấp dẫn, khi những đội bóng mạnh nhất và giàu truyền thống nhất châu Âu, tập hợp những ngôi sao lớn nhất đứng chung sân khấu, tạo nên vô số trận đấu siêu hấp dẫn. Cũng đừng lo về Milan, Inter, Tottenham hay Arsenal. Khi Super League đi vào hoạt động, hàng trăm triệu euro lập tức đổ về, đủ để họ nâng cấp đội hình, thỏa sức cạnh tranh với các đối thủ còn lại.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để Super League đi vào hiện thực khi đề án này quá cấp tiến, phá vỡ cấu trúc và quy tắc đã định hình bóng đá châu Âu, đồng thời làm suy giảm quyền lực của UEFA cùng các liên đoàn quốc gia. Hãy thử hình dung Champions League sẽ ra sao khi những CLB làm nên lịch sử và sự hấp dẫn của giải đấu đồng loạt rời đi.
Sau đó, Premier League, La Liga hay Serie A cũng mất đi giá trị. Không còn các cuộc đua vào tốp 4 nhằm tranh vé dự Champions League, bởi những đội hàng đầu không cần đến nó. Chưa hết, khoảng cách vô cùng lớn được tạo ra bởi một số đội siêu giàu (nhờ khoản tiền cố định từ Super League) và phần còn lại, khiến tính bất ngờ hay những câu chuyện cổ tích bị triệt tiêu. Sự chia rẽ cũng sẽ xảy ra, khi Super League tồn tại độc lập, tách rời khỏi quỹ đạo chung.
Vào năm 1998, UEFA chấp nhận cải tổ, mở rộng Champions League để làm hài lòng nhóm CLB lớn, tự xưng là G14 và nhăm nhe lập nên Super League của riêng họ. Sau hơn hai thập kỷ, UEFA lại tiến hành cải cách Chpions League. Nhưng lần này, phản đối lại là các đội bóng lớn sáng lập Super League với lý do UEFA đang cố gắng kiếm nhiều tiền hơn từ danh tiếng của họ, nhưng họ không nhận được quyền lợi tương xứng. Một giải đấu mới, với doanh thu cao gấp bội và được đảm bảo tương lai (tham dự thường xuyên) là thứ 12 đội bóng mong muốn. Dĩ nhiên nó nằm ngoài tầm kiểm soát của UEFA.
UEFA sẽ không nhượng bộ. Trong thông cáo phát ra, họ nói rằng "sự tư lợi của một nhóm nhỏ CLB đã diễn ra trong một thời gian dài", và thế là "quá đủ rồi". Trong trường hợp Super League vẫn nhất quyết tiến hành, như UEFA đe dọa, "các CLB liên quan sẽ bị cấm tham dự các giải quốc nội, châu Âu và thế giới, đồng thời các cầu thủ có thể bị từ chối triệu tập lên ĐTQG".
Đây thực sự là một thách thức lớn với cơ quan bóng đá cao nhất châu Âu. Một nguồn tin từ nội bộ nói với tờ The Athletic, "Super League đe dọa đến sự tồn vong của UEFA và khiến họ mất tất cả, từ tiền bạc đến uy tín". Sẽ có những nỗ lực giữa các bên để tìm ra lối thoát, nhưng trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tất cả sẽ dẫn nhau tới tòa án.
Ở diễn biến mới nhất, nhóm các CLB Anh, Italia và Tây Ban Nha đã gửi thư yêu cầu FIFA và UEFA có các hành động pháp lý chống lại 12 đội bóng đang âm mưu ly khai. Trong bộ quy tắc của Premier League, điều L9 ghi rõ "cấm các CLB tham dự giải đấu khác" ngoài hệ thống bóng đá Anh, UEFA và FIFA mà không được sự cho phép của Ban tổ chức.
Bên cạnh đó, một số đài truyền hình lớn trên thế giới cũng sẵn sàng khởi kiện 12 CLB nổi loạn vì hành vi làm giảm tính hấp dẫn và thay đổi bản chất giải đấu quốc nội. Hiển nhiên, khi các đơn vị truyền thông trả tiền bản quyền, họ muốn thấy một giải đấu có tính cạnh tranh như tất cả vẫn đang thưởng thức, thay vì sự biến mất của cuộc đua vào tốp 4.
Super League trên lý thuyết khá hấp dẫn, nhưng liệu có nhàm chán khi 15 đội sáng lập (ngoài 12 đội hiện tại sẽ có thêm 3 đội khác đang được thuyết phục tham gia) luôn chắc suất và gặp nhau liên tục? Và nếu nó tách rời khỏi hệ thống bóng đá châu Âu, yếu tố phi truyền thống có khiến nó giống như một giải giao hữu? Người hâm mộ có bị thuyết phục bởi giải đấu như vậy, sau khi đã từng kịch liệt phản đối các ý tưởng mở rộng Premier League (trận thứ 39 bên ngoài nước Anh) hay đưa El Clasico, đặc sản La Liga, tới nước Mỹ?
Bóng đá châu Âu đang đứng trước bước ngoặt thời đại và những ngày tới sẽ rất quan trọng, bởi quyết định cuối cùng sẽ tạo nên hình thái mới trong tương lai.