"Sợ hãi và tuyệt vọng", nỗi niềm của những nữ cầu thủ đang mắc kẹt tại Afghanistan

Việc dũng cảm chơi bóng có thể khiến các nữ cầu thủ Afghanistan trở thành mục tiêu của Taliban.

Suốt một tuần qua, Shamila Kohestani không đêm nào có được giấc ngủ đúng nghĩa. Hôm thứ 3, cô chợp mắt lúc 5h sáng nhưng tỉnh dậy một tiếng sau đó. Trong đầu cô hiện lên hình ảnh Taliban đang tràn vào Kabul và tiếng những người thân tại Afghanistan đang la hét trong kinh hãi.

Trong căn hộ mới tại Los Angeles, Kohestani nhìn những tấm hình được chụp từ quê nhà, rưng rưng không kìm được nước mắt. Cô còn chứng kiến đoạn clip ghi lại khoảnh khắc những người dân đang tuyệt vọng bám vào chiếc máy bay đang cất cánh. Một số đã thiệt mạng trước khi có cơ hội đổi đời.

Sân bay gần nhà cha mẹ của Kohestani nhất thì đã đóng cửa dù nhiều người vẫn tập trung bên ngoài và chờ đợi. Cha mẹ cô không có visa và có rất ít cơ hội rời khỏi Afghanistan. Kohestani day dứt vì điều đó.

Kohestani, 32 tuổi, từng là đội trưởng của tuyển nữ quốc gia Afghanistan. Cô cùng những người đồng đội của mình từng phải đấu tranh để được chơi bóng, để được hát, được mở công ty hay tới trường. "Tôi không biết gì về thế giới cho tới khi chơi thể thao. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình được tự do", Kohestani trải lòng.

Toàn đội sau đó có được những chiến thắng mang tính biểu tượng. Đội tuyển của Kohestani đã chơi tại những sân mà tại đó vài năm trước đó Taliban sử dụng để hành quyết phụ nữ.

Các sân bóng từng vang lên không ngớt tiếng đạn bom giờ thay do đổi thịt. Các cô gái từng bị cấm ra khỏi nhà giờ đã đến sân chơi bóng. Kohestan, là một tiền đạo thượng hạng của đội nữ, cô sau đó trở thành một diễn giả, truyền cảm hứng chơi bóng tới khắp nơi trên thế giới.

Nhưng lúc này, những nữ cầu thủ cùng những người khác đang mắc kẹt tại Kabul. Với họ, con đường phía trước đầy chông gai và hiểm nguy. "Các VĐV đang tuyệt vọng. Nhiều người liên lạc với tôi. Họ nói, 'Hãy giúp tôi rời đi. Tôi đang rất sợ'. Tôi cảm thấy bất lực vì biết bản thân không thể làm được điều đó".

"Sợ hãi và tuyệt vọng", nỗi niềm của những nữ cầu thủ đang mắc kẹt tại Afghanistan - Ảnh 1.

Một tay súng của Taliban khi tiến vào thủ đô Kabul

Khi biết tin Taliban tiến vào Kabul, những phụ nữ đã đổ ra đường trong sự sợ hãi. Họ cố gắng đến những chốt giao thông công cộng nhanh nhất có thể, cuốc bị hàng kilomet để trở về nhà từ trường đại học. Họ hiểu rằng tính mạng của mình đang gặp nguy hiểm. Thẩm mỹ viện đã bị tấn công, phía ngoài giờ được phủ một màu sơn trắng.

Trong vài tháng qua, người dân đổ về Kabul để tránh sự truy đuổi của Taliban. Một số nhà ngoại giao cùng gia đình đã rời đất nước. Quán ăn đóng cửa, công ty đóng băng. Nỗi sợ bao trùm với các phụ nữ tại Afghanistan. Không ai an toàn, đặc biệt là cô gái có tiếng nói trong cộng đồng.

"Chúng tôi từng hy vọng được thấy những người phụ nữ nắm giữ các vị trí quan trọng tại Afghanistan", Khalida Popal, nhà sáng lập giải bóng đá nữ đầu tiên ở Afghanistan vào năm 2007, chia sẻ. Tuy nhiên, cô buộc phải rời quê nhà vào năm 2011 do nhận phải những lời dọa giết. "Nhưng nỗ lực không đem lại hiệu quả".

"Phụ nữ trở thành những nạn nhân đầu tiên. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều bà mẹ tại Afghanistan. Họ thừa nhận không muốn sinh con gái vì rất khó bảo vệ và mang lại sự an toàn cho con mình", Popal chua chát.

Lúc này, Popal yêu cầu những nữ cầu thủ "khóa tất cả tài khoản MXH, gỡ tất cả những bức ảnh, cố gắng tìm một nơi an toàn để trú ẩn". Vài tuần trước, cô đưa ra lời khuyên ngược lại nhưng đây là việc làm bắt buộc vào lúc này.

"Thật khó để để chợp mắt vào lúc này bởi luôn có một tiếng nói phát ra trong đầu của tôi rằng, 'Hãy tiếp tục lên tiếng'. Tôi không thể tập trung. Thật đau lòng. Đau lòng mỗi khi suy nghĩ".

"Sợ hãi và tuyệt vọng", nỗi niềm của những nữ cầu thủ đang mắc kẹt tại Afghanistan - Ảnh 2.

Cựu đội trường của tuyển nữ Afghanistan Khalida Popal

Haley Carter, cựu trợ lý tại tuyển quốc gia nữ của Afghanistan, mới đây yêu cầu mọi người ngừng chia sẻ những tấm hình của các nữ cầu thủ lên MXH. "Hãy để Taliban tự tìm kiếm. Bạn không thể để bọn chúng biết được danh tính của họ qua một lượt nhấp. Tính mạng của các cầu thủ đang gặp nguy hiểm và đó là ưu tiên hàng đầu vào lúc này".

Tương tự, Kohestani hướng dẫn mẹ xóa hết "những ảnh gia đình đang chơi thể thao, những ảnh đang tới Mỹ, hay những ảnh chụp cô và các em đang nhận phần thưởng". Cô hy vọng gia đình có thể thoát khỏi sự tìm kiếm của Taliban. "Nếu mọi thứ tệ hơn, chúng có thể đến từng nhà để tìm kiếm. Chúng từng làm vậy trong quá khứ".

Kohestani đang học lớp 3 khi Taliban lần đấu xuất hiện và thừa nhận "chúng đã phá hỏng tuổi thơ của tôi". Những ngày này, cô nhớ nhiều hơn về quá khứ, vào thập niên 90 của thế kỷ trước khi Taliban tràn vào, đập vỡ TV và radio nhà cô. Bọn chúng còn đốt tất cả những tấm ảnh chụp chung của gia đình.

"Tôi không có quyền hay bất kỳ niềm vui nào. Tôi cùng chị em của mình phải ở nhà toàn thời gian. Cuộc sống giống như địa ngục. Bạn không có tiếng nói và bị coi như một thứ đồ sở hữu. Giờ bọn chúng lại trở lại. Cơn ác mộng cũng quay về trong tâm trí của tôi", Kohestani buồn bã.

Popal nhớ tuần lễ khi Taliban tràn vào Kabul. Cô vẫn bị ám ảnh bởi gương mặt và ánh nhìn của những kẻ này. Bọn chúng ghét phụ nữ, đập phá dường phố bằng súng đạn đồng thời lấy xăng đốt đầy các con phố.

"Bọn chúng không tha cho bất kỳ ai. Bọn chúng gieo rắc nỗi sợ hãi", Popal chia sẻ. Cô từng thấy những chủ cửa hàng phải bỏ hết cơ ngơi để chạy trốn. Phụ nữ và trẻ em bị bắt lại. Lúc này, Taliban đã chiếm quyền kiểm soát nhiều khu vực tại Afghanistan, không ngừng mở rộng lãnh thổ của mình trong quãng thời gian vừa qua.

Carter cố gắng tìm một con đường để những người dân Afghanistan có thể rời đi. Tuy nhiên, việc làm này gần như vô vọng bởi chiến sự thay đổi từng giờ. Cô hiểu có rất nhiều người cần sự trợ giúp nhưng cô không thể tìm ra phương cách khả dĩ nhất, ngoài việc chờ đợi, hy vọng vào những chuyển biến tích cực.

"Sợ hãi và tuyệt vọng", nỗi niềm của những nữ cầu thủ đang mắc kẹt tại Afghanistan - Ảnh 3.

Người dân Afghanistan ngồi trên một chiếc máy bay tại Kabul

Một cầu thủ giấu tên tại Afghanistan bật khóc khi nghe những chia sẻ của người đồng đội cũ, đang sống trong sợ hãi.

"Khi trò chuyện với nhau, cô ấy nói với tôi rằng không lo bị giết. Cô ấy sợ bị bọn chúng tra tấn. Tôi cảm thấy bất lực vì không giúp gì được cho cô ấy. Tôi không biết làm gì hết. Cô ấy kể cho tôi nghe nỗi sợ của mình. Tôi bảo cô ấy rằng hãy mua thêm SIM điện thoại để có thể giữ liên lạc. Tôi không chắc tương lai của họ sẽ ra sao bởi không ai biết Taliban định làm những gì".

Shabnam Mobarez, đội trưởng của tuyển nữ Afghanistan, dường như không giữ được bình tĩnh. Cô liên tục có những bài đăng trên MXH.

Đầu tiên, đó là "vô vọng là một từ ổn đấy chứ". Và sau đó, "Thật sự thì không phải vậy. Đó không phải một từ chúng ta có thể dùng để mô tả cảm giác của cộng đồng người Afghanistan vào lúc này".

Nữ tiền vệ này chuẩn bị bước sang tuổi 26. Cô mới lên 7 khi gia đình chuyển tới sống ở Đan Mạch. Giờ cô ở Mỹ, và đã xa những ký ức kinh hoàng được gần 2 thập kỷ. Tuy nhiên, cô vẫn nhớ như in những gì đã trải qua. "Khi Taliban đến lần đầu tiên, mọi thứ chuyển sang màn đêm u tối", Mobarez cho hay.

"Sợ hãi và tuyệt vọng", nỗi niềm của những nữ cầu thủ đang mắc kẹt tại Afghanistan - Ảnh 4.

Một trận đấu bóng đá nữ tại Afghanistan

Mobarez mới sinh con khoảng 3 tháng trước. Tuy nhiên, cô không thể tập trung cho thiên thần nhỏ của mình vào lúc này. Cô lo cho những người thân, đồng nghiệp ở quê nhà.

"Vài năm trước, húng tôi cố gắng xây dựng đội bóng nữ ở quê nhà để bắt đầu một hành trình mới. Giờ, tất cả chuyển thành cơn ác mộng. Người dân tại Afghanistan có thể mất mạng vì chơi những môn thể thao như bóng đá. Chúng tôi muốn sử dụng bóng đá để nâng cao nhận thức cũng như giúp các cô gái có tiếng nói hơn. Và giờ, họ có thể bị giết vì điều đó.

Mới đây, một đồng đội nữ gọi cho tôi và cô ấy bật khóc. Tôi không biết phải làm gì. Là một người đội trưởng, tôi thường xuyên khuyên các cầu thủ không được mất niềm tin. 'Cố lên, tương lai đang ở trước mắt'. Nhưng tôi không thể nói điều đó vào lúc này.

Tôi ước mình có thể quay ngược thời gian và nói với họ rằng họ sẽ không phải đối mặt với những điều như thế này, hoặc ít nhất giúp họ chuẩn bị cho những tình huống như thế".