World Cup không chỉ là cuộc đua của 32 đội cho chiếc cúp vàng, nó còn là sàn diễn đánh bóng tên tuổi các ngôi sao chuẩn bị bước ra ánh sáng, hoặc những ngôi sao cần ra đi ngay sau mùa hè,... Chỉ cần một tháng tỏa sáng, tên tuổi họ sẽ nổi như cồn.
Các ông lớn phải xếp hàng mời chào những "ngôi sao World Cup" này ký hợp đồng với mình. Tất nhiên, một vụ chuyển nhượng như thế sẽ khiến các cổ động viên cảm thấy vô cùng phấn khích... mặc dù, đôi khi đó chỉ là một "cú lừa thế kỷ".
Những cầu thủ... xịt dần đều
Chung kết Euro 1992 và cú lừa mang tên Jensen
Các cổ động viên Arsenal chắc hẳn còn chưa quên John Jensen, ngôi sao của ĐT Đan Mạch tại kỳ Euro 1992. Một tháng trước khi chuyển đến sân Highbury, anh góp phần nhấn chìm tham vọng của người Đức trong trận chung kết bằng một cú sút như búa bổ. Thời điểm ấy, cựu HLV Pháo thủ, George Graham tự hào tuyên bố với báo giới mình đã có trong tay một tiền vệ săn bàn hay chẳng kém bất kỳ tiền đạo nào.
Và tất nhiên, ông đã nhầm. Dường như, bao tinh hoa cả đời cầu thủ của Jensen đã dồn hết vào pha làm bàn trong trận chung kết. Nếu một cầu thủ tịt ngòi thông thường người ta sẽ tính theo trận, còn với Jensen, chúng ta phải dùng đến số năm. Để cổ vũ tinh thần cho "siêu sao" người Đan Mạch, mỗi khi Jensen có bóng trong vòng cấm - bất kể phần sân nào, đám đông ở Highbury lại cùng hô vang "Sút". Thật may, suốt 4 năm trời, ít nhất đã 1 lần nó có hiệu quả.
Tiên trách kỷ, hậu tự trách mình, Graham đã mù quáng tin vào một bàn thắng trong trận chung kết để đánh giá tài năng của một của cầu thủ. Những giải đấu diễn ra trong vòng 1 tháng không thể hiện quá nhiều sự ổn định. Tuy nhiên, tính chất quan trọng của nó dường như đã làm mờ lý trí của các câu lạc bộ.
Ngay cả một "lão làng" trên thị trường chuyển nhượng như Sir Alex cũng có đôi lần sập bẫy.
Ngay cả một HLV có tiếng nhìn người như Sir Alex Ferguson cũng từng rơi vào cái bẫy "ngọt ngào" này. Sau khi giải nghệ, ông đã trải lòng về món hàng hớ sau kỳ Euro 1996 - Jordi Cruyff và Karel Poborsky: "Tôi vốn là người cẩn thận trong việc mua bán cầu thủ sau một giải đấu thành công. Sau kỳ Euro 1996, tôi đã đem về Jordi Cruyff và Karel Poborsky. Cả hai đều đã chơi thứ bóng đá bùng nổ, nhưng những gì tôi nhận được lại không giống như đội tuyển quốc gia của họ trong mùa hè năm ấy... Đôi khi, có những cầu thủ chỉ cháy hết mình trước các kỳ World Cup hay Euro rồi xịt dần đều".
Những gì Sir Alex ngẫm ra sau khi giải nghệ thực sự là triết lý các đội bóng cần học tập trong các vụ chuyển nhượng hậu World Cup hay Euro. Rõ ràng, việc mua về một cầu thủ ngay sau khi anh ta tỏa sáng ở một giải đấu lớn là điều cực kỳ bất hợp lý.
Tất nhiên, ai cũng thấy anh ta đã chơi hay như nào. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, giá trị thực của cầu thủ này đã bị thổi phồng quá đà và chẳng ai đảm bảo anh ta sẽ không "hết hơi" sau một tháng gồng lên chơi với 1,000...0% khả năng thật.
World Cup, Euro và thang đo phi lý cho giá trị cầu thủ
Để đánh giá một cầu thủ chỉ sau chưa vài trận đấu ở một giải đấu lớn như World Cup hay Euro là điều gì đó thực sự rất bấp bênh. Ngay như ở World Cup năm nay, ắt hẳn ai cũng thấy rõ Juan Cuadrado chơi ấn tượng hơn hẳn Messi. Vậy, chúng ta có thể kết luận Cuadrado hay hơn Messi và giá của anh ta sẽ đắt hơn El Pulga nếu được hỏi mua sau World Cup 2018? Không, tất nhiên đó là một đánh giá thật sự lố bịch.
Tương tự như màn tỏa sáng rực rỡ của Nacer Chadli giúp Bỉ tiễn Brazil về nước. Giả dụ như anh ta giữ được phong độ đó thường xuyên hơn chắc đã không bị Spurs đẩy sang West Brom...
Và như đã nói, tính ổn định của một ngôi sao không thể đánh giá chỉ sau vài trận World Cup (thực tế là 7 trận nếu lọt vào đến chung kết). Asamoah Gyan là một ví dụ. Sau một giải đấu đại thành công với Ghana (5 trận, Ghana dừng bước ở tứ kết), anh trở thành bản hợp đồng lịch sử của Sunderland với giá trị chuyển nhượng 13 triệu bảng. Một năm sau, Mèo đen để Gyan tới CLB của UAE.
Gyan chỉ là một trong số rất nhiều những cầu thủ như vậy - kiểu Cuadrado, James Rodriguez, người được Real Madrid mua sau màn trình diễn tuyệt vời tại World Cup 2014 nhưng lại chơi không hay ở cấp độ CLB như ĐTQG. Nếu có danh hiệu "cú lừa vĩ đại nhất cho các CLB", đừng bao giờ quên tên Gheorghe Hagi, huyền thoại sinh ra chỉ để chơi cho Romania bất chấp bản thành tích hồ sơ hoành tráng có tên cả Real Madrid lẫn Barcelona.
Thành tích tầm tầm ở CLB nhưng Ochoa lại là hiện tượng ở 2 kỳ World Cup gần nhất.
Nếu có ai đó thắc mắc vì sao Nainggolan bị loại còn một cầu thủ mới 27 tuổi đã chơi tại giải Trung Quốc như Axel Witsel lại được chọn thì hãy nhìn vào cách anh ta thể hiện mỗi khi lên tuyển. Tất nhiên, có những tin đồn về xích mích giữa Nainggolan và HLV Roberto Martinez nhưng để nói về Witsel thì đúng như nhận định của cựu thuyền trưởng Quỷ đỏ - Marc Wilmots: "Đơn giản là lúc nào cậu ấy cũng chắc suất đá chính".
Trở lại World Cup 4 năm trước, nơi chứng kiến những pha bay nhảy như người nhện của Guillermo Ochoa. Trước khi giải đấu khởi tranh, chẳng ai chú ý đến thủ môn của Ajaccio, đội bóng xếp chót bảng giải vô địch quốc gia Pháp. Thậm chí, màn trình diễn tệ hại của Ochoa trong các trận giao hữu còn khiến các CĐV Mexico phẫn nộ đòi cho Jesus Corona (tiền đạo) về bắt thay.
Nhưng như tất cả đã biết, Ochoa đã chơi 4 trận đấu không thể chê vào đâu được. Ngay sau kỳ World Cup trên đất Brazil, anh ký vào bản hợp đồng béo bở với Malaga và thường xuyên phải ngồi dự bị. Được đem cho Granada mượn, Ochoa thiết lập môt kỷ lục đáng buồn ở La Liga khi để thủng lưới tới 82 bàn - dĩ nhiên, lỗi không phải của một người nhưng cái giá phải trả là một suất xuống hạng cho cả đội.
Giờ thì anh đang chơi cho Standard Liege ở giải vô địch quốc gia Bỉ. Tuy không quá nổi bật ở cấp độ CLB nhưng Ochoa vẫn luôn biết cách tỏa sáng mỗi khi khoác lên mình màu áo Mexico, như ở World Cup năm nay.
Và cả những canh bạc xuất sắc
Nói đi cũng phải nói lại, đôi khi mua một cầu thủ rực sáng sau một giải đấu lại đem về những kết quả không ngờ.
Thủ môn của Costa Rica tại World Cup 2014, Keylor Navas là người có tỷ lệ cứu thua cao nhất giải đấu. Trước đó, anh cũng đạt tỷ lệ cứu thua cao thứ ba trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, có vẻ như danh tiếng của Levante khi ấy là quá nhỏ để người ta chú ý đến thủ thành này.
Không rõ vì lý do nào (World Cup hay cấp CLB) mà Real đã quyết định đem Navas về Bernebu, nhưng chắc chắn đó là một thương vụ đại thành công.
Tuy nhiên, vụ chuyển nhượng thông minh nhất hay cũng là canh bạc bất thường nhất xứng đáng thuộc về Barcelona. Họ đi ngược mọi quy luật khi trả giá cực cao cho một cầu thủ tụt giá kinh khủng - Luis Suarez. Chân sút người Uruguay bị treo giò tới 10 tháng sau World Cup 2014 vì cắn Chiellini nhưng vẫn được Barca mua về với giá 65 triệu bảng. Như tỷ phú Warren Buffet từng nói: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi".
Canh bạc Suarez đem về cho Barca một tiền đạo đẳng cấp nhất lịch sử đội bóng.
Đây chính là phương châm đầu tư nổi tiếng của Warren Buffett. Hiểu nôm na là có những thời điểm bạn cần đi ngược lại với số đông đang "sợ hãi" để thực hiện một khoản đầu tư và nắm bắt cơ hội phát triển.
Trong trường hợp này, khi tất cả đều lo ngại Suarez sẽ tụt phong độ và không xứng đáng với một khoản đầu tư khổng lồ thì Barca đã làm điều ngược lại. Họ biết rõ giá trị của chân sút người Uruguay, họ dám đánh cược vào con số 65 triệu bảng cho một cầu thủ treo giò 10 tháng và... họ thành công.
"Cái chết" của những cầu thủ nhất thời
4 năm trôi qua, World Cup, Euro không còn là một thước đo giá trị cầu thủ của các câu lạc bộ. Tất nhiên, nếu ai nghĩ đang nghĩ đến Benjamin Pavard của Pháp hay Aleksandr Golovin của Nga hoặc Hirving Lozano của Mexico thì họ đã nhầm. Thực tế, ba cầu thủ này đều đã chứng tỏ được năng lực của mình từ trước khi World Cup diễn ra.
Benjamin Pavard - ngôi sao tương lai của Hùm xám xứ Bavaria?
Bayern Munich là đội đang theo đuổi Pavard gắt gao nhất trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, họ không chỉ quan tâm hậu vệ người Pháp vì vài màn trình diễn tốt ở World Cup mà là suốt cả mùa giải trước trong màu áo Stuttgart. Tờ Kicker của Đức cho biết đã có những cuộc nói chuyện giữa hai CLB ngay sau trận đấu cuối cùng ở Bundesliga mùa giải 2017/18 - khi Stuttgart vùi dập Bayern với tỷ số 4-1.
Theo thời gian, những vụ chuyển nhượng "ngôi sao giải đấu lớn" không còn xuất hiện nhiều bởi bộ phận tuyển trạch của các CLB đang ngày càng chuyên nghiệp hơn. Họ có những phần mềm để theo dõi dữ liệu cầu thủ, dù là ở các giải đấu nhỏ kém tiếng.
Không còn nhiều đội bóng định giá cầu thủ chỉ vì màn thể hiện ở một giải đấu lớn.
Như Horacio Patanian, một tay cò người Argentina đã nói: "Các CLB giờ có trong tay mọi thông tin về cầu thủ: từ kỹ năng, điểm mạnh, điểm yếu, giá trị thực trên thị trường chuyển nhượng và cả tình trạng hợp đồng". Tất nhiên, dữ liệu không phải lúc nào cũng đem đến kết quả tốt nhất, nhưng chí ít, rủi ro đã giảm đi đáng kể. Cái thời mà các CLB mua cầu thủ dựa trên thành tích trong một giải đấu lớn hay vì màn trình diễn chói sáng trước đội bóng của họ đang dần qua đi.
Dù vậy, đâu đó trên thế giới này vẫn có những ngoại lệ. Simon Kuper, nhà báo của ESPN kể lại một câu chuyện thú vị anh đã chứng kiến ở World Cup năm nay. Trên khán đài VIP trong một trận đấu World Cup, tay tỷ phú trẻ tuổi sở hữu một CLB hạng thấp bị ấn tượng mạnh với một cầu thủ trên sân. Anh ta hét lên: "Ký ngay, tôi muốn có cầu thủ này".
Một vị khách kế bên phải khéo nhắc nhở: "Không được đâu, cậu này đang thương thảo với Juventus rồi".
Vậy đấy. Nếu đến tận World Cup mà bạn mới phát hiện ra tài năng của một cầu thủ nào đó thì cũng có nghĩa bạn đã bị bỏ xa trong cuộc đua giành chữ ký của anh ta rồi. Từng chút, từng chút một, thị trường chuyển nhượng cầu thủ đang ngày càng logic hơn...