"Đó là một phép lạ và nó chỉ xảy ra duy nhất một lần trong đời".
Roberto Carlos nói về tuyệt phẩm sút phạt tung lưới tuyển Pháp ngày 03/06/1997, trong khuôn khổ Cúp Tứ hùng. Một bàn thắng đơn giản là không thể tin được, khi trái bóng dường như sẽ bay về lá cờ góc thì đột nhiên, nó quay trở lại, lượn vòng vào lưới.
Thủ môn Fabien Barthez chết đứng, còn những người chứng kiến thì sững sờ, và sau một vài giây, chợt hiểu rằng họ đã rất may mắn khi sống trong khoảnh khắc vĩ đại của lịch sử bóng đá.
"Thành thật mà nói, cho đến tân hôm nay tôi vẫn không hiểu nổi tại sao tôi có thể làm được điều đó", Roberto Carlos nói với ESPN. Vào thời điểm đó, hậu vệ trái người Brazil chỉ mới bắt đầu sự nghiệp. Anh 24 tuổi và vừa hoàn thành mùa giải đầu tiên ở Real, sau 1 năm ngắn ngủi chơi cho Inter. Roberto Carlos sẽ còn chơi bóng thêm 18 năm nữa, cùng Real và 4 CLB khác nữa, nhưng không bao giờ, dù chỉ một lần, cố gắng lặp lại cú sút tương tự. Như anh nói, đó là khoảnh khắc đặc biệt và không có lần thứ 2.
Roberto Carlos và cú sút tuyệt diệu tung lưới Fabien Barthez.
Thật ra thì vẫn có thể, và quả bóng sẽ đi theo quỹ đạo tương tự nếu có một lực sút đủ mạnh để tạo ra độ xoáy phù hợp, kết hợp với khoảng cách tương thích.
Với các nhà báo và cách dùng từ có xu hướng phóng đại, bàn thắng này là phi vật lý. Nhưng các nhà khoa học, trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí New Journal of Physics, nó hoàn toàn có thể giải thích được.
Tiến sỹ Christophe Clanet gọi cung đường mà bóng đã bay là quỹ đạo hình xoắn ốc, khi quả bóng di chuyển đồng thời cũng tự quay quanh trục vuông góc với hướng chuyển động do hiệu ứng vật lý Magnus. Nếu không bị giới hạn bởi mành lưới mà tiếp tục bay tự do, quả bóng sẽ vẽ nên một hình xoắn ốc đáng kinh ngạc.
Cú sút theo quỹ đạo hình xoắn ốc của Roberto Carlos.
Vì vậy, thoạt đầu bóng trông có vẻ sẽ bay theo đường thẳng và lệch về phía xa, nhưng vì khoảng cách cú đá phạt của Roberto Carlos lên đến 35m, các dòng không khí xoay quanh quả bóng bắt đầu tác động, tạo nên chênh lệch áp suất hai bên để nó bị lái về bên có áp suất thấp, để quan sát từ xa, giống như bị bẻ cong. Quả bóng còn bị tác động bởi lực hấp dẫn, nhưng sức mạnh của Roberto Carlos khiến quả bóng vượt qua trở ngại này.
Nghĩa là theo lý thuyết, Roberto Carlos vẫn có khả năng tái tạo lại bàn thắng "hình quả chuối" ở Lyon năm 1997 nếu hội tụ đủ các yếu tố, với lực đạo và khoảng cách tương tự.
Thế nhưng trên thực tế, điều đó là bất khả. Với vòng đùi 61cm để dư sức tung ra cú sút khiến bóng bay với vận tốc 130km/h, song bản thân Roberto Carlos rất khó tác động vào trái bóng đúng điểm tiếp xúc cũng như tạo nên một lực không mạnh hơn, không yếu hơn, qua đó thiết lập quỹ đạo hình xoắn ốc vừa đủ để lượn vào khung thành.
Vì nó quá hoàn hảo,.nên các nhà khoa học không nghĩ sẽ có lần thứ hai.
Thế nên Giáo sư Luis Fernando Fontanari đồng quan điểm với hậu vệ trái người Brazil, rằng "bàn thắng được tạo ra bởi phép màu" và "không tin chúng ta lại được chứng kiến điều tương tự một lần nữa". Nó quá hoàn hảo, chính xác đến từng chi tiết.
Thật ra thì Roberto Carlos cũng không cần thiết phải tái hiện lại siêu phẩm. Suốt sự nghiệp, là một hậu vệ nhưng anh đã sở hữu bộ sưu tập khổng lồ 113 bàn thắng. Trong đó bao gồm những pha lập công tuyệt diệu khác, như cú sút từ gần cột cờ vào lưới Tenerife ở Copa del Rey.
Tuy vậy, huyền thoại người Brazil vẫn nói rằng trong tương lai, "một ai đó sẽ ghi bàn thắng theo cách đó". Có thể, bởi không thể nói trước điều gì trong bóng đá. Nhưng nếu nó xảy ra, đó chắc chắn phải là một cầu thủ tài năng tương tự Roberto Carlos, tập luyện chăm chỉ giống Roberto Carlos và có khả năng mang đến phép màu, như Roberto Carlos.