Trước ngày World Cup khởi tranh, Raheem Sterling bị giới truyền thông Anh "vần" cho tơi tả chỉ vì hình xăm một khẩu súng trên bắp chân phải. Chẳng cần đợi một lời giải thích, họ nói rằng anh là một gã bệnh hoạn cổ súy cho những hành vi bạo lực.
Vài tờ báo lá cải thậm chí còn "thêu dệt" những câu chuyện hết sức liên quan để kết tội tiền đạo đang khoác áo Manchester City. Như tờ The Sun – chúa của những câu chuyện nhảm nhí nước Anh, dành hẳn một bài viết vào ngày 29/5 để thông báo: "Hai thiếu niên thiệt mạng trong dịp cuối tuần, cùng thời điểm Sterling công khai hình xăm khẩu súng". Từ bao giờ chuyện sống chết của một người được định đoạt chỉ vì hình xăm của một ngôi sao bóng đá?
Nhưng vô lý hay có lý thì cũng chẳng thể phủ nhận cách làm truyền thông của Anh quá giỏi, nhất là những scandal kiểu này. Càng về gần những giải đấu lớn, họ lại tìm cách moi móc đời tư của các ngôi sao Tam sư để "vần" cho họ tơi tả khỏi nghĩ gì đến bóng với bánh nữa. Và nếu cho ĐT Anh có thất bại trở về, họ cũng là những người đầu tiên hưởng lợi bằng những bài viết đả kích không nương tay.
Nói vậy để thấy một mình Raheem Sterling đã phải chống chọi với thế lực kinh khủng như thế nào trước thềm World Cup 2018 diễn ra. Tất cả quay lưng lại với anh, người hâm mộ yêu cầu HLV Southgate loại ngôi sao đã có tới 18 bàn trong mùa giải trước cho đội vô địch NH Anh khỏi đội hình,… Thậm chí, một hội có tên "Những bà mẹ chống lại súng đạn" cũng được The Sun mời lên để phát biểu những câu hết sức hùng hồn, "Hình xăm này quá ghê tởm và Sterling nên xấu hổ về nó".
Khẩu súng và câu chuyện hơn cả một hình xăm
Không, chắc chắn dù trời có sập xuống đầu đi nữa thì Raheem Sterling cũng chẳng bao giờ hối hận khi quyết định chọn hình xăm khẩu súng lên bắp chân phải. Bởi nó đại diện cho những mất mát Sterling đã phải chịu đựng suốt thời thơ ấu vì những viên đạn lạnh lùng găm thẳng vào người cha mình.
Sterling thành danh ở Anh nhưng cả tuổi thơ anh gắn liền với những vụ thanh toán đẫm máu ở Maverley, một quận ngoại ô với nhiều khu ổ chuột phức tạp của thủ đô Kingston, Jamaica. Từ lâu, Jamaica đã bị coi như một điểm đen trên thế giới về tệ nạn xã hội như ma túy hay bạo lực. Ước tính hằng năm, có hơn 1.200 người ở đây bị giết – một tỷ lệ vượt trội so với Brazil và Nam Phi, hai quốc gia có tỷ lệ tội phạm cao nhất nhì thế giới.
Sống ở một nơi được coi như "địa ngục trên mặt đất", tuổi thơ Sterling trôi qua cũng chẳng êm đềm. Cha cậu làm việc cho một băng đảng buôn bán ma túy và vũ khí khét tiếng nhất Jamaica có tên là Shower Posse được điều hành bởi ông trùm Christopher Michael Coke, tức Dudus. Được biết, cha của Sterling là một đầu lĩnh có số má chuyên thực hiện những vụ thanh trừng đẫm máu các phe đối lập giúp ông trùm Coke.
Khi Raheem lên 2 tuổi, biến cố ập đến với gia đình cậu bé. Cha Sterling bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng tại Tivoli Gardens. Cơ quan điều tra kết luận đây là một vụ thanh toán giữa các băng nhóm đối lập.
Nếu không có những viên đạn hôm ấy bắn vào người cha mình, Sterling lúc này rất có thể sẽ xuất hiện trên báo như một tay trùm giang hồ máu lạnh. Nhưng, ngày khẩu súng cướp đi tính mạng của cha cậu, nó đã đưa cuộc đời Sterling sang một trang mới.
Đằng sau hình xăm khẩu súng là một thông điệp ý nghĩa khó có thể truyền tải bằng lời.
Sau này, khi đã trở thành một cầu thủ danh tiếng, Raheem Sterling quyết định chọn biểu tượng khẩu súng như một lời tự nhắc với bản thân mình đừng bao giờ lặp lại những sai lầm như cha cậu. Bởi thế, dù đã trưởng thành nhưng Sterling chưa từng chạm tay vào súng. Cậu sợ nó, cậu ám ảnh về những nỗi đau súng đạn đã gây ra.
Vì sao không xăm lên chân trái mà Sterling lại chọn chân phải. Điều đó không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên vì chân phải là chân thuận của chàng tiền đạo người Anh. Một câu chuyện nhân văn về một cậu bé nỗ lực thoát khỏi nơi "địa ngục trên mặt đất" để vươn mình thành một ngôi sao bóng đá đã bị truyền thông Anh thêu dệt thành ra thông điệp cổ súy bạo lực.
Bất chấp những lời giải thích từ Sterling, những lời chỉ trích vô cớ vẫn không buông tha cậu. Nhưng điều đó có hề gì, bởi cuộc đời đã bao giờ cho cậu hai tiếng "công bằng"…
Bé hư da đen và những ngày đầu ở xứ sương mù
Mất đi trụ cột duy nhất của gia đình, mẹ Sterling phải bỏ hai đứa con (Sterling có một người chị) ở lại Jamaica cho bà ngoại nuôi để sang Anh tìm đường mưu sinh, những mong sau này sẽ cho hai đứa một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Không còn cha, mẹ thì đi biệt xứ, thật khó để tin rằng một đứa trẻ lớn lên trong xã hội như vậy sẽ không sa đà vào những tệ nạn để rồi một đẹp trời bị tống vào nhà giam. Nhưng Sterling thì may mắn hơn thế, bởi ít nhất cậu vẫn còn người bạn mang tên "bóng đá".
"Nó đã trải qua một tuổi thơ không hề dễ dàng. Lớn lên ở một nơi như vậy, bạn phải thật sự rất mạnh mẽ", bà ngoại Sterling, Joy Morris chia sẻ trên tờ The Sun. "Gia đình chúng tôi không có nhiều tiền nhưng chúng tôi luôn quan tâm việc nuôi dạy lũ trẻ thành người tử tế".
Bà Morris kể rằng từ khi lên ba, Sterling đã mê mẩn bóng đá. Hồi nhỏ, cậu khoái trò đá mấy thùng carton quanh nhà. Lớn lên chút, Sterling và lũ bạn suốt ngày tụ tập ở khoảng sân rộng trước nhà để đá bóng. Mà thường thì cậu nhóc toàn chơi với mấy đứa lớn hơn, nhưng lúc nào cháu trai bà Morris cũng là người giành chiến thắng.
Cuộc sống giàu sang của Sterling bắt đầu từ những ngày dọn toilet cùng mẹ và chị gái.
Rảnh rỗi không chơi bóng, cậu lại bật TV xem bóng đá. Cứ thế, cuộc đời Sterling trôi qua một cách êm ả cho đến một ngày cậu trở thành ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới với mức thu nhập cao ngất ngưởng.
Tất nhiên, đó không phải phần còn lại của câu chuyện.
Lên 5 tuổi, Sterling và chị gái được mẹ đón sang London. Thoát khỏi ma túy, súng đạn nhưng cái nghèo thì vẫn bám riết lấy gia đình cậu bé. Mẹ Sterling sang Anh từ ba năm trước nhưng với vốn học vấn ít ỏi của bà thì mơ gì đến những công việc cao sang.
Hằng ngày ba phải vật lộn mưu sinh giữa cái tấp nập của London những mong kiếm thêm chút tiền ít ỏi để lo cho cuộc sống hai đứa con thơ sau này. Làm bao nhiêu cũng không đủ, bà lại đi dọn dẹp ở những khách sạn trong thời gian rảnh. Nhìn chung, bao công sức của bà dù không mua được nhà lầu, xe sang nhưng ít nhất, số tiền đó cũng giúp ba mẹ con đủ ăn đủ sống qua ngày.
Lớn hơn chút nữa, Sterling và chị gái cũng theo mẹ đi làm thêm. Nếu những đứa trẻ khác được ngủ đến sát giờ đi học và chỉ việc dậy ăn sáng rồi lên đường thì Sterling phải thức dậy lúc trời mới còn tờ mờ. Cậu và chị gái lẽo đẽo theo mẹ đến một khách sạn trong thành phố, dọn dẹp toilet rồi lại gấp gáp chuẩn bị cho kịp giờ lên lớp.
Sinh ra trong một xã hội không mấy êm đềm, dễ hiểu vì sao tính cách của Sterling có đôi chút ngỗ ngược. Bản thân tiền đạo người Anh thừa nhận hồi bé mình không thích phải nghe lời người lớn. Cậu nhóc Sterling khi ấy khoái chơi hơn là học, vừa bắt đầu vào tiết cậu lại mơ đến chuông báo ra chơi. Cậu muốn ôm trái bóng chạy ngay xuống sân, nơi cậu tưởng tượng mình là Ronaldinho với những kỹ năng phi thường…
Giấc mơ ấy kết thúc bằng việc Sterling bị đuổi học. Nói đuổi nghe hơi phũ phàng nhưng sự thật nhà trường đã mời mẹ cậu lên làm việc để "khuyên" nên tìm một trường khác phù hợp hơn. Và thế là Sterling bị tống sang một ngôi trường mới với 6 đứa học sinh một lớp mà có tận 3 giáo viên. May thay, nhờ cư xử tốt nên chỉ một năm sau đó cậu được cho phép trở lại trường cũ.
Tuy nhiên, Sterling vốn chẳng muốn trở thành kỹ sư, bác sĩ gì cả. Cậu không khoái học, giấc mơ của cậu là chạy trên những thảm cỏ xanh mướt kia như những ngôi sao bóng đá. Và, Clive Ellington đã xuất hiện, cho cậu một cơ hội biến những mộng mơ con trẻ ấy thành hiện thực.
Gia đình và giấc mơ đổi đời nhờ bóng đá
Clive Ellington không phải tay tuyển trạch viên của một đội bóng nào đó, ông đơn giản là một người hàng xóm tốt bụng luôn quan tâm đến lũ nhóc không cha ở quanh mình. Ông hay bảo ban chúng trở thành một người tốt hơn, đến cuối tuần, ông lại dẫn lũ nhóc lên phố và thi thoảng còn cho chúng chơi bi-a.
Một ngày nọ, Ellington đến bên Sterling và hỏi cậu nhóc thích gì nhất. Tất nhiên, ai cũng đoán được cậu bé gốc Jamaica đã nói gì với người hàng xóm tốt bụng. Dường như đã đoán được tâm nguyện của cậu nhóc và chỉ đợi một câu trả lời chính thức, Ellington đã đem đến cho Sterling một cơ hội như mơ. Ông giới thiệu cho cậu nhóc một CLB nghiệp dư, không tiếng tăm lắm nhưng lại chính là bàn đạp của Sterling sau này.
Năm cậu nhóc lên 10 tuổi, tài năng của Sterling bắt đầu thu hút sự chú ý của các đội bóng tại London. Cả Fulham và Arsenal đều dành sự quan tâm cho cậu bé, và dĩ nhiên, khi cái tên Arsenal xuất hiện, họa có điên thì một thằng nhóc mới nghĩ đến việc từ chối. Sterling đồng ý luôn, cậu hào hứng khoe với lũ bạn: "Ê bọn mày, tao sắp đá cho Arsenal rồi đấy".
Nhưng câu chuyện đã quay ngoắt sang một hướng khác khi cậu bàn chuyện với mẹ. Bà Nadine, mẹ Sterling đã quá thấu hiểu cái khắc nghiệt của London và tất nhiên, một Arsenal hào nhoáng cũng chẳng phải ngoại lệ. Trong bài tâm sự của mình trên The Players Tribune, Raheem có kể lại cuộc hội thoại của mình và mẹ khi ấy.
"Mẹ yêu con, Raheem ạ. Nhưng con không thể đến Arsenal đâu", bà Nadine nói trong sự ngỡ ngàng của cậu con trai.
"Vì sao vậy mẹ?"
"Bét cũng 50 đứa giỏi ngang cỡ con ở đó, không trụ được đâu. Muốn đi lên, con cần tới những đội bóng tầm trung để phát triển trước", bà nói.
Sự nghiệp Sterling đi đúng hướng có công đầu thuộc về mẹ và chị gái anh.
Cũng nhờ lời khuyên của mẹ, Sterling mới quyết định bỏ qua cơ hội gia nhập Arsenal để tìm đến Queen Park Ranger. Tài năng trẻ được đội chủ sân Heathrow coi sóc rất kỹ. Nhưng không vì thế mà bà Nadine cho phép mình bỏ bê con cả. Bà đã chứng kiến quá nhiều trường hợp những đứa trẻ rời xa vòng tay gia đình rồi trở thành những tên đầu đường xó chợ. Vậy nên, mỗi lần Sterling đến sân tập, bà đều kêu cô con gái lớn Lakima đi theo "hộ tống" em trai.
Ba chuyến xe bus từ nhà đến sân tập dài lê thê tưởng chừng như cả thế kỷ, từ xe 18 chuyển sang 182 rồi sau đó là 140. Cứ thế, ngày ngày hai chị em rời nhà lúc 3h15 sáng và trở về khi đồng hồ đã điểm 11h khuya. Ngày qua ngày, cậu em tập luyện thì cô chị ngồi chờ trong quán café nhỏ ven đường. 17 tuổi đẹp đẽ của một thiếu nữ chôn vùi bên ngoài sân tập chờ cậu em, nhưng chưa bao giờ Lakima phàn nàn một lời nào cả.
Bóng đá đã thay đổi cuộc đời Sterling nhưng chính gia đình mới là người đưa giấc mơ của cậu đi đúng hướng. Thử tưởng tượng nếu khi đó, mẹ cậu không khuyên bảo còn chị gái mặc kệ thằng em muốn ra sao thì ra, liệu lúc này Sterling có được như ngày hôm nay. Không, chắc chắn không bao giờ. Sterling nợ hai người phụ nữ đã vất vả vì cậu cả cuộc đời.
Ngôi sao bủa vây trong những lời đàm tiếu
Năm 14 tuổi, Sterling được gọi vào đội U16 Anh. Trong trận đấu với Bắc Ireland, cậu kiến tạo cả hai bàn cho Tam sư và đó là một trận cầu được tường thuật trực tiếp. Hình ảnh cậu nhóc da đen với tốc độ và kỹ thuật khó tin hôm ấy trở thành chủ đề bàn tán của những người yêu mến bóng đá Anh.
Một năm sau, Sterling chuyển sang khoác áo Liverpool. Khi một sao trẻ kiếm được bản hợp đồng béo bở từ một đội bóng lớn, nhà lầu, xe hơi và gái đẹp có lẽ là những điều đầu tiên hiện lên trong suy nghĩ. Nhưng Sterling thì không, cậu chỉ nghĩ cho mẹ và chị gái, cậu muốn tiến lên và cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn. Một lý do khác khiến Sterling quyết tâm dứt áo ra đi là vì khu cậu khi ấy nhiều tội phạm quá. Cậu cần đến một môi trường tốt hơn và tập trung phát triển sự nghiệp – dù cho Sterling vẫn rất yêu mến những người bạn thưở bé của mình.
Như chúng ta đã biết, Sterling đã nổi lên như một thần đồng trong màu áo The Kop. Cậu chơi cực hay và trở thành ngôi sao sáng giá của đội bóng thành phố cảng. Sau 3 năm chơi bóng cho Liverpool, Sterling bất ngờ chuyển sang Manchester City với một bản hợp đồng kếch xù.
Câu chuyện thoạt đầu nghe rất dễ hiểu: một cầu thủ nổi danh, rời bỏ đội bóng đã làm nên tên tuổi mình để theo tiếng gọi của đồng tiền và sau đó nhận vô số lời chửi rủa từ các cổ động viên. Kịch bản vụ chuyển nhượng Sterling sang nửa xanh thành Manchester chính xác là như vậy, chỉ khác điều cậu trai trẻ năm đó mới 19 tuổi đã bị bắt diễn một vai mà đến chính cậu cũng không biết điều gì đang xảy ra.
Tính đến mùa giải 2013/14, Sterling vẫn còn ba năm hợp đồng với mức lương bèo bọt 25.000 bảng/tuần với Liverpool. Đội bóng thành phố cảng không bận tâm lắm đến việc gia hạn hợp đồng với tài năng trẻ này. Tuy nhiên, những thất bại liên tiếp của Liverpool ở cả đấu trường quốc nội lẫn châu lục cùng sự ra đi của Suarez đã biến Sterling thành niềm hy vọng số một của đội bóng.
3 bàn thắng trong 6 trận mở màn mùa giải 2014/15 là lời khẳng định đanh thép từ phía ngôi sao 19 tuổi về ước muốn ở lại Anfield. Nhưng ban lãnh đạo cần cho anh ta một bản hợp đồng tốt hơn, cái gì cũng có giá của nó. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đàm phán đã thất bại. Rất nhiều CLB đã hỏi mua Sterling với giá cao ngất ngưởng và điều đó đã dần khiến Liverpool xiêu lòng.
Trước trận đấu với Tottenham vào tháng 2 năm đó, HLV Rodgers bất ngờ tuyên bố Sterling đã nhận được một lời đề nghị hấp dẫn. Câu tuyên bố xanh rờn của ông thầy khiến cả Sterling lẫn người đại diện Aidy Ward sửng sốt. Rất nhiều lời đồn ác ý nhắm đến ngôi sao trẻ người Anh, người ta nghi ngờ lòng trung thành của cậu – dù cho Sterling thực sự chưa bao giờ muốn rời Anfield, kể cả khi Liverpool không được dự Champions League.
Tháng 7 năm 2015, một cuộc gọi đến từ HLV Brenda Rodgers vẫn còn in sâu trong tâm trí Sterling đến tận hôm nay. Cậu nhấc máy, trả lời ông thầy rằng mình sẽ đến sân tập ngay nhưng đáp lại chỉ là câu trả lời lạnh lùng: "Cậu có thể đến sân tập, nhưng sẽ không tham gia chuyến du đấu cùng cả đội, chúng tôi đã đồng ý lời đề nghị dành cho cậu".
Sterling cảm thấy choáng váng, giống như anh bị ném vào một màn kịch đã bày sẵn và buộc phải diễn sao cho đúng. Kết thúc câu chuyện như chúng ta đã biết, Sterling chuyển đến Etihad và trở thành nỗi ô nhục trong mắt những CĐV The Kop – những người đã từng rất yêu thương cậu. Người đại diện của Sterling chỉ biết cay đắng nói hộ thân chủ: "Cậu ấy đã bị coi là một người xấu. Tôi và Sterling không trách người hâm mộ Liverpool, họ không biết đầy đủ câu chuyện diễn ra như thế nào".
Đó chỉ là một trong số rất ít những bất công mà Sterling phải nhận kể từ khi dấn thân vào sự nghiệp quần đùi áo số. Bạn có tin được không khi một cậu con trai mua nhà tặng mẹ cũng trở thành chủ đề chỉ trích của giới truyền thông? Nghe thật sự phi lý nhưng đó là câu chuyện có thật của chàng cầu thủ gốc Jamaica.
Bất cứ điều gì Sterling làm cũng có thể khiến anh thành tâm điểm của sự chỉ trích.
Trở về sau thất bại từ Euro 2016, Sterling với mức lương ngất ngưởng 180.000 bảng/tuần mua tặng mẹ một căn nhà đắt giá. Đây là món quà cậu đã ấp ủ từ lâu để đền đáp những gì bà Nadine đã hy sinh vì cậu suốt thời thơ bé. Nhưng cũng chỉ có thế, báo giới Anh dẫn đầu là hai trang lá cải Daliy Mail và The Sun lao vào mổ xẻ cậu như thể việc mua nhà cho mẹ là một tội ác.
Tờ Daily Mail đặt tít: "Bom xịt hưởng lương 180.000 bảng mua nhà xa hoa với bồn tắm dát đá quý tặng mẹ". Bên Sun cũng chẳng kém miếng với tiêu đề: "Bóng đá Anh đau buồn vì thất bại Euro còn Sterling khoe khoang nhà tắm xa xỉ tặng mẹ. Rất nhiều người cảm thấy phẫn nộ với anh ta".
Cuộc đời Sterling là một nỗi bất công không có hồi kết. Truyền thông nói anh thích kim cương, thích làm màu nhưng có ai thấu nỗi khổ phải chuyển nhà liên tục vì không đủ tiền thuê của ba mẹ con. Có đứa con nào nhìn mẹ mình như vậy mà không muốn mang cho bà một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những sự vô lý cứ thế đổ dồn xuống đầu Raheem. Cậu trai trẻ dù đã trải qua bao khó khăn từ khi vào nghề cũng có lúc yếu lòng gục xuống vai mẹ mà cay đắng hỏi: "Mẹ ơi, sao người ta cứ tấn công con hoài vậy. Tại sao họ cứ ghét những thứ họ không biết chứ?"…
Công bằng nào cho Sterling?
Vùi dập và giết chết cầu thủ vốn là nghề của truyền thông Anh. Họ thích thì họ nâng, họ ghét thì họ vùi, nhưng đa phần, những cầu thủ trẻ rơi vào vòng xoáy của giới truyền thông xứ sở sương mù đều thất bại trước những áp lực quá sức nặng nề.
Raheem Sterling vẫn sống tốt cho đến lúc này. Anh nói mình không cần quan tâm những câu chuyện bịa đặt từ những trang báo lá cải ở Anh quốc. Nhưng người có mạnh mẽ đến đâu cũng chẳng thể một mình gồng gánh tất cả búa rìu dư luận.
Ở trận đầu ra quân tại World Cup, Sterling liên tiếp mắc những lỗi ngớ ngẩn và thi đấu không còn được thanh thoát như trong màu áo Manchester City. Kể cả khi gặp một đối thủ yếu như Panama trong trận cầu mà ĐT Anh đã thắng đến 6-1, những gì anh làm được cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Muốn thừa nhận hay không cũng khó có thể phủ nhận chính những áp lực từ phía báo chí đang khiến tuyển Anh tự tay bào mòn một trong những ngôi sao sáng nhất của mình.
Màn trình diễn ấn tượng của Sterling trong màu áo Man City mùa giải 2017/18
"Chẳng đâu như ở Anh, cầu thủ luôn bị truyền thông hủy hoại trước mỗi giải đấu lớn. Thật kỳ lạ, đáng khinh rẻ và cũng đáng buồn", cựu danh thủ Gary Lineker nêu quan điểm về những gì Sterling đang phải trải qua vì búa rìu dư luận.
Đi suốt cuộc đời, chưa một lúc nào người ta cho anh hai tiếng "công bằng". Lọt lòng mất cha, lớn lên trong nghèo đói, có tiền cũng bị chửi và giờ chả làm gì người ta cũng lôi anh ra chửi. Sterling sinh ra với khuôn mặt không mấy thiện cảm và thế là đời toàn đẩy cho anh đóng vai ác
Với truyền thông Anh, họ cứ tiếp tục nhắm búa rìu vào Sterling như những gì họ đã làm. Nhưng chẳng gì có thể đánh gục chàng trai gốc Jamaica ấy, bởi bên anh vẫn luôn có gia đình – nguồn sống và động lực cho từng đồng tiền Sterling kiếm được trên sân cỏ.
Còn gia đình, Sterling vẫn sẽ sống. Nhưng thiếu những ngôi sao như Sterling, ĐT Anh sẽ chết. Như bao thế hệ trước kia bị truyền thông dập cho tơi tả khi các giải đấu lớn diễn ra, sẽ chẳng có vinh quang nào đến với xứ sở sương mù cả. Bởi đơn giản họ còn tâm trạng đâu mà chơi bóng nữa. Còn muốn mơ về cúp vàng World Cup, xin hãy một lần "tha" cho Raheem Sterling…