Để kỷ niệm 60 năm lần đầu tiên giải đấu danh giá nhất lục địa già được tổ chức, ở kỳ Euro lần này, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã quyết định "chơi lớn" khi để 11 thành phố thuộc 11 quốc gia châu Âu đứng ra đồng tổ chức thay vì gói gọn vào 1, 2 nước chủ nhà như thường lệ.
Điều này làm tăng "tính hòa hợp và sự kết nối" nhưng bên cạnh đó, nó vô tình mang lại đôi chút mất cân bằng ở một vài khía cạnh. Ví dụ, quãng đường di chuyển của các đội tuyển cũng là điều cần phải nhắc tới.
Một thống kê chỉ ra rằng, trong số 16 đội bóng lọt vào vòng knock-out của Euro 2020, sự chênh lệch về vấn đề đi lại là một khoảng cách tương đối lớn.
Thụy Sỹ, đội "bay nhảy" nhiều nhất trong danh sách này đã phải di chuyển đến 11.660 km cho 3 trận vòng bảng và cả vòng 1/8 sắp tới. Trong khi đó tuyển Anh của huấn luyện viên Gareth Southgate, với lợi thế sân nhà, chỉ cần "ngồi một chỗ" để tiếp đón các đối thủ của mình (0 km).
Xếp ngay sau Thụy Sỹ là các cái tên như Thụy Điển (10.692 km), xứ Wales (8.861 km), Cộng hòa Séc (8.039 km) và Bỉ (7.764 km). Đây là các đội bóng nằm trong top đầu về tổng quãng đường di chuyển đến địa điểm thi đấu tính đến trước trận tứ kết. Sau đó lần lượt là Ukraine (6.047 km), Bồ Đào Nha (5.948 km), Áo (5.625 km), Croatia (2.942 km).
Ở nhóm dưới, đương nhiên là các đội đồng chủ nhà không cần phải "đi quá xa" khi ngoài Anh (0 km) thì Đan Mạch (636 km), Đức (921 km), Italia (1445 km), Tây Ban Nha (2462 km), Hà Lan (1788 km) hay ngoại lệ như đội tuyển Pháp (1888 km) cũng nằm ở mức tương đối thấp.
Trong bóng đá, không ai bào chữa cho thất bại bằng những lý do kiểu như phải di chuyển quá nhiều nhưng dù gì, những đội càng ít phải di chuyển đường dài càng đảm bảo được trạng thái thể lực tốt nhất trước mỗi trận đấu.
Bạn nên quan tâm