Pressing là gì? Chính xác thì MU thời Rangnick đang chơi như thế nào?

HOÀNG ANH , 21:21 08/12/2021 | Bóng đá quốc tế

Chia sẻ

Sẽ mất nhiều thời gian để MU làm đúng theo ý đồ của Rangnick bởi vì, trái ngược với sự lạm dụng cụm từ pressing, hoạt động này là một tập hợp các chỉ dẫn chiến thuật phức tạp không thể dạy trong một sớm một chiều.

Được dịch từ bài viết "What is pressing? The methods of Rangnick, Tuchel, Bielsa and more explained" của Alex Keble trên Goal.com

Người người nói về pressing. Nhà nhà nói về pressing. Pressing xuất hiện trong các báo cáo trận đấu và những buổi họp báo. Nó hiện hữu trên khác các phương tiện truyền thông và trở thành khái niệm phổ biến không khác gì chuyền bóng hay tấn công.

Pressing được cho là khái niệm chiến thuật đầu tiên đi vào đời sống và không có gì ngạc nhiên khi nó trở thành một từ thông dụng "mơ hồ" nhằm diễn tả 1 cầu thủ áp sát cướp bóng của người đứng gần anh ta nhất. Rất nhiều người nói về pressing nhưng rất ít người hiểu nó thực sự là gì.

Pressing càng được quan tâm đặc biệt sau trận đấu đầu tiên của Ralf Rangnick tại Manchester United, câu lạc bộ đã thực hiện một trong những bước ngoặt kịch tính nhất trong chỉ đạo chiến thuật mà chúng ta từng thấy.

Trong trận đấu với Crystal Palace, sơ đồ 4-2-2-2 của Man United chứng kiến Marcus Rashford và Cristiano Ronaldo hoạt động song song để triển khai pressing. Toàn đội khép chặt đường chuyền bóng của đối thủ, họ ném mình vào những cuộc tấn công cường độ cao ở khu vực một phần ba cuối sân đối phương và họ tập hợp lại như một lực lượng thống nhất.

Đó là một sự tương phản rất lớn từ Ole Gunnar Solskjaer, người mà theo The Athletic, không huấn luyện pressing bởi vì ông nghĩ rằng cầu thủ ở gần tình huống nhất sẽ có khả năng áp sát người cầm bóng. Thật kỳ lạ khi một huấn luyện viên Premier League lại hiểu lầm nghiêm trọng pressing là gì. Mặt khác, nó cho thấy khái niệm này sâu sắc chứ không hề đơn giản.

Pressing là gì?

Thông thường, hành động "ập vào cướp bóng" được coi là ví dụ của pressing, trong khi trên thực tế, pressing là "gây áp lực" để khiến đối thủ không thể cầm bóng, không thể chuyền bóng hoặc chuyền bóng không như ý.

Theo FBRef, Norwich City xếp thứ 5 ở Premier League về sức ép, còn Everton thì xếp thứ 4, nhưng rõ ràng không phải đội nào trong số này cũng là đội gây áp lực. Thay vào đó, họ áp sát quả bóng khi nó bước vào 1/3 cuối sân và họ xếp top đầu về gây sức ép bởi vì: thứ nhất, những đội như Norwich cầm bóng quá ít nên họ thường phòng thủ nhiều hơn; thứ hai, hệ thống phòng thủ của họ cô đặc, các cầu thủ đứng sát nhau ở phần sân nhà nên thật dễ dàng để đến gần người cầm bóng và áp sát.

Không ai trong số Rafael Benitez hay Sean Dyche, những HLV thích lùi sâu, đang huấn luyện những đội pressing. Đội bóng của họ không pressing, chỉ áp sát cướp bóng.

Pressing là gì? Chính xác thì MU thời Rangnick đang chơi như thế nào? - Ảnh 1.

Pressing là một hành động của cả tập thể xác định cách thức, lý do và thời điểm một đội có thể gây áp lực. Pressing có thể giành được bóng và phản công, hoặc có thể buộc đối phương chuyền bóng theo hướng mà chúng ta muốn. 

Bẫy pressing và kích hoạt là gì?

Một hệ thống pressing được chỉ đạo tốt sẽ tuân theo một bộ hướng dẫn rất cụ thể, bao gồm vị trí đứng của cầu thủ và thời điểm đột ngột bắt đối thủ vào bẫy pressing.

Bẫy pressing là khi đội không có bóng cố tình để lại 1 cầu thủ hoặc để lộ 1 khoảng trống cho đội có bóng, dụ họ thực hiện loạt đường chuyền cho đến khi bóng ở vị trí thuận lợi hơn cho đội phòng ngự (ví dụ: gần đường biên) hoặc đối thủ đưa bóng cho một người cụ thể.

Ví dụ: đội không có bóng xác định tiền vệ trung tâm của đối thủ rất yếu trong cầm bóng. Bẫy pressing của họ sẽ dụ đối thủ chuyền cho cầu thủ này. Tại thời điểm anh ta nhận đường chuyền, có tới 3 hoặc 4 đối thủ áp sát từ mọi góc độ.

"Nhấn nút pressing" là tín hiệu ngầm kích hoạt. Đối với một số đội, tín hiệu nhấn nút được thực hiện sau một hành động mạnh từ hậu vệ. Đối với những đội khác, họ thực hiện pressing vào một khoảng thời gian nhất định của trận đấu hoặc bóng đi vào một khu vực nhất định của sân.

Đo lường pressing

Cách tốt nhất để nắm bắt pressing bằng thống kê đó là chỉ số PPDA, tính toán số đường chuyền mà đội có bóng được phép thực hiện trước khi đội không bóng giành lại bóng.

Đây là một cách gián tiếp và không hoàn hảo để đo cường độ pressing, nhưng nó khá hiệu quả vì nó cho biết liệu hậu vệ hoặc tiền vệ có được cầm bóng tự do hay không. PPDA cho thấy mức độ hiệu quả của các tuyến tham gia pressing.

Liverpool "điên cuồng" áp sát cướp bóng

Đội nào có chỉ số PPDA cao có nghĩa là họ để đối thủ chuyền nhiều trước khi họ thực hiện một hành động phòng thủ. Mặt khác, điểm PPDA thấp có nghĩa là đội bóng này tạo ra rất nhiều áp lực lên đối thủ.

Rất dễ hiểu khi Everton hay Norwich nằm trong top đầu về PPDA, nghĩa là họ để cho đối thủ chuyền rất nhiều rồi mới áp sát. Ngược lại, Leeds, Liverpoll và Man City nằm cuối bảng. Đá với những đội bóng này rất khó thở.

Các kiểu pressing

Đối với những đội đẳng cấp cao như Liverpool hay Man City, mục đích của họ luôn là giành lại quyền kiểm soát bóng một cách nhanh nhất. Vì vậy, họ thường đẩy đội hình lên rất cao, tổ chức vây bắt giành bóng rất quyết liệt ngay từ sâu bên phần sân đối phương, khiến đối phương luôn bị dồn ép.

Man City giữ khối đội hình rất cao để áp sát kể cả khi mất bóng (từ giây 40)

Với các đội ở đẳng cấp thấp hơn, không có khả năng dồn ép liên tục, họ thường duy trì khối đội hình thấp hơn. Ví dụ, Southampton thường để cho các trung vệ đối phương chuyền bóng qua lại nhưng bao vây khu vực giữa sân bằng nhân sự đông đúc.

Có những khoảnh khắc đột nhiên cả đội di chuyển cùng nhau (tạm gọi là đội A), ví dụ như dồn ép một hậu vệ cánh của đội B khiến anh ta phải chuyền bóng đi, dồn ép cầu thủ nhận bóng từ quả phất lên của thủ môn hoặc dồn ép ngay sau khi để mất bóng. Khi đó, cả đội A sẽ di chuyển cùng nhau với mục tiêu cướp lại bóng vào lúc đội hình đội B đang dãn ra, để từ đó phản công thật nhanh vào khoảng trống lộ ra trong khoảnh khắc hỗn loạn này.

Đây chính là cách chơi bóng mà Juergen Klopp đã nâng tầm, khi ông nói gegenpressing là cầu thủ kiến tạo lối chơi tốt nhất. Đó là một hệ thống do Rangnick tiên phong và được những người như Hasenhuttl, Klopp và Thomas Tuchel áp dụng ở nhiều mức độ khác nhau.

Nhưng ngay cả Klopp và Rangnick cũng bị hiểu nhầm một chút. Không thực sự có thể pressing tầm cao liên tục trong suốt cả trận đấu. 

Pressing thật sự trông như thế nào?

Trở lại với trường hợp của MU, ngôn ngữ cơ thể và nhận thức tư thế của cầu thủ cho thấy một đội có chiến thuật pressing thực tế hay đang ứng phó với sức ép.

Dưới thời Solskjaer, cầu thủ MU sẽ chạy nước rút thật nhanh với quả bóng, điểm cuối mong muốn là thực hiện một cú tắc bóng, trong khi vào chiều Chủ nhật vừa, MU của Rangnick quan tâm hơn đến việc khép góc, nghiêng người để che chắn các đường chuyền của đối thủ trước khi tiến tới hành động.

Làm thế nào để mỗi cá nhân và toàn đội di chuyển để chặn các đường chuyền, vây bắt đối phương phụ thuộc vào hướng dẫn của HLV. Phần lớn các đội chơi pressing nhằm mục đích thu hẹp không gian hơn là vây bắt cá nhân, nhưng cũng có những đội hướng đến tranh chấp giữa các cầu thủ.

Người nổi tiếng nhất với cách chơi này là Marcelo Bielsa, ông cho đội Leeds đá dọc sân, dồn ép cá nhân để dụ đối phương thực hiện một đường chuyền mạo hiểm.

Đã có những tín hiệu tích cực tới từ MU. Trong trận đấu gần nhất, họ giành lại bóng 12 lần từ Crystal Palace, nhiều nhất trong 1 trận đấu kể từ sau thời HLV Sir Alex Ferguson. Ronaldo gây áp lực 11 lần, nhiều nhất trong mùa giải này.

Những thứ bạn sẽ thấy là cả đội cùng dồn ép, triển khai các yếu tố kích hoạt pressing và đặt bẫy. Những thứ bạn không thấy là sự theo đuổi quyết liệt với trái bóng trong mọi giai đoạn của trận đấu.

Sẽ mất nhiều thời gian để Man Utd làm đúng theo ý đồ của Rangnick bởi vì, trái ngược với sự lạm dụng cụm từ pressing, hoạt động này là một tập hợp các chỉ dẫn chiến thuật phức tạp không thể dạy trong một sớm một chiều.