Phân tích chấn thương của Hùng Dũng dưới góc nhìn các bác sĩ hàng đầu nước Mỹ

Tuấn Hoàng , 20:26 24/03/2021 | Sức khỏe thể thao

Chia sẻ

Chấn thương kinh hoàng của Paul George rất giống Đỗ Hùng Dũng nhưng nghiêm trọng và phức tạp hơn khá nhiều.

Phút 27 trận đấu giữa CLB TP.HCM và Hà Nội FC, Đỗ Hùng Dũng phải rời sân trên xe cấp cứu sau tình huống vào bóng thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh. Chân của Hùng Dũng gãy gập, anh rất đau đớn, ôm mặt khóc khi lên xe cấp cứu.

Theo bác sĩ Phạm Quốc Hùng - người mổ trực tiếp cho Hùng Dũng, tiền vệ Hà Nội FC chấn thương khá nặng, gãy hai xương cẳng chân ở 1/3 phía dưới.

Phân tích chấn thương của Hùng Dũng dưới góc nhìn các bác sĩ hàng đầu nước Mỹ - Ảnh 1.

Pha vào bóng của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng

Trường hợp gãy cả hai xương cẳng chân gồm xương chày và xương mác thường ít gặp nhưng đều có điểm chung là mức độ phức tạp và nguy hiểm rất lớn cho các vận động viên. Một số trường hợp điển hình từng dính phải chấn thương này có thể kể đến Luke Shaw, Aaron Ramsey hay Paul George trong bóng rổ.

Trường hợp tiêu biểu nhất với chấn thương kiểu Đỗ Hùng Dũng có thể kể đến một trong những chấn thương kinh hoàng nhất lịch sử bóng rổ Mỹ. Đó là Paul George.

Sự tương đồng của chấn thương Paul George và Đỗ Hùng Dũng

Trong trận đấu tập giữa đội Trắng và đội Xanh của tuyển bóng rổ Mỹ nhằm chuẩn bị cho giải vô địch bóng rổ thế giới FIBA World Cup 2014, Paul George tiếp đất sai cách khi nỗ lực cản pha ném rổ của James Harden. Chân trái của tiền phong lúc ấy thi đấu cho Indiana Pacers lao thẳng vào bệ cột của bảng rổ và gãy gập hết sức rùng rợn trong sự bàng hoàng của mọi người chứng kiến.

Phân tích chấn thương của Hùng Dũng dưới góc nhìn các bác sĩ hàng đầu nước Mỹ - Ảnh 2.

Chân trái Paul George gãy gập trong sự bàng hoàng của mọi người chứng kiến

Theo Nick Grosso, bác sĩ phẫu thuật y học thể thao và chủ tịch của Trung tâm Chỉnh hình Nâng cao lớn nhất nước Mỹ mô tả về chấn thương kinh hoàng này: "Thật kinh khủng, đặc biệt là khi nó hở ra và phần xương lởm chởm cắt qua da. Chấn thương như thế này thường xảy ra trong các vụ tai nạn xe máy và người bị nạn phải văng ra ở khoảng cách rất xa. Tại các bệnh viện tôi làm việc, tần suất của những ca như thế là rất ít".

Trong khi đó, tiến sĩ Bert Mandelbaum, một trong những bác sĩ chỉnh hình hàng đầu trong ngành y học thể thao giải thích về chấn thương của George như sau.

"Phương pháp điều trị cho những trường hợp bị gãy xương chày và xương mác này thường là ngay lập tức gắn một thanh kim loại cố định xương chày vào trong tủy. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt một thanh titan ở trung tâm của xương chày và sau đó cố định thêm bằng các vít nhỏ giữa thanh kim loại và phần xương trên và dưới vị trí đứt gãy".

Phân tích chấn thương của Hùng Dũng dưới góc nhìn các bác sĩ hàng đầu nước Mỹ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa hình chụp X-quang của Paul George

"Nguy hiểm lớn nhất ngay sau khi chấn thương kiểu này xảy ra là nhiễm trùng. Thường với một vết gãy hở, bạn phải cố gắng đưa người đó đi phẫu thuật trong vòng 8 giờ để đảm bảo không bị nhiễm trùng xung quanh vết thương", bác sĩ Grosso chia sẻ.

Khá may cho Hùng Dũng ở điểm này khi theo bác sĩ Phạm Quốc Hùng, đội ngũ y tế ở sân Thống Nhất đã thực hiện sơ cứu tốt khi giữ chân cố định, đỡ lúc lắc, xóc lệch và làm cho vết thương không hở.

Quá trình hồi phục

Về quá trình hồi phục, bác sĩ Mandelbaum cho biết: "Có thể mất từ 6-12 tháng để trở lại thi đấu bóng rổ hoàn toàn sau khi bị gãy xương như vậy. Đầu tiên cậu ấy phải chống nạng 6 tuần. Sau đó, VĐV dần dần tiến tới quá trình phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và tập luyện hỗn hợp. Một khi quá trình hồi phục ở vết gãy xương diễn ra mạnh mẽ, VĐV sẽ có thể trở lại để tập luyện và thi đấu. Sau khi bình phục hoàn toàn, hầu hết các VĐV đều có thể quay lại cường độ thi đấu trước chấn thương".

Phân tích chấn thương của Hùng Dũng dưới góc nhìn các bác sĩ hàng đầu nước Mỹ - Ảnh 4.

Bác sĩ Mandelbaum dự đoán sẽ mất 6-12 tháng để VĐV có thể hồi phục hoàn toàn từ chấn thương gãy cẳng chân

Bác sĩ Grosso lại lạc quan hơn khi cho rằng xương phải lành trước khi có thể tiến hành bất kỳ đợt phục hồi chức năng nào và nhận định thông thường phải mất từ 6-10 tuần. Tuy nhiên, ông không cho rằng xương là phần quan trọng nhất.

"Phần xương được chú ý rất nhiều vì nó quá rõ ràng nhưng điều tôi lo lắng nhất là mô mềm xung quanh nó. Mặc dù vậy, những người này rất trẻ và có cơ địa rất tốt nhờ thể thao nên xương sẽ lành nhanh chóng".

Thêm vào đó, ông Grosso cũng tiết lộ thêm quá trình hồi phục của cơ có thể được tăng tốc hoặc bị chậm lại dựa trên cách cơ bắp phản ứng trong khi xương đang lành và trước khi VĐV có thể bắt đầu tập phục hồi cường độ cao.

Sau cùng, Paul George mất tổng cộng một năm trời để hồi phục hoàn toàn. Trái với nhiều lo ngại về việc khó có thể quay lại chơi bóng, tiền phong ngôi sao này trở lại mạnh mẽ ngay ở mùa giải 2015-2016 khi đánh chính ở 81 trận đấu và ghi trung bình 23,1 điểm.

Phân tích chấn thương của Hùng Dũng dưới góc nhìn các bác sĩ hàng đầu nước Mỹ - Ảnh 5.

Paul George ở mùa giải 2015-2016 đánh chính ở 81 trận đấu và ghi trung bình 23,1 điểm

Ở tuổi 30, Paul George vẫn là một tiền phong phụ ở đẳng cấp All Star ở NBA với khả năng công thủ toàn diện. Vì vậy, viễn cảnh Hùng Dũng có thể quay lại và chiến thắng "bóng ma tâm lý" để tìm lại phong độ không phải chuyện bất khả thi.

Sáng 24/3, ca phẫu thuật chấn thương gãy xương chày và xương mác của Đỗ Hùng Dũng đã được diễn ra tại bệnh viện Vạn Hạnh. Thông tin từ bác sĩ Phạm Quốc Hùng cho biết, với chấn thương này Hùng Dũng cần 6 tháng để quay lại tập với bóng.