Cùng với khái niệm chiến thuật ném ba và lên rổ, thập kỷ vừa qua cũng là khoảng thời gian đánh dấu sự trỗi dậy của những Super team hay siêu đội hình làm khuynh đảo cả NBA. Chẳng có bất cứ trận chung kết nào ở thập kỷ 2010 không có xuất hiện của một Super team từ Boston Celtics, Miami Heat cho tới Golden State Warriors. Và theo người từng có nhiều năm chiến đấu bên cạnh LeBron James là Iman Shumpert, chính “King James” là người đã gây nên điều này.
Xuất hiện trên podcast The Bootleg Kev, cựu sao Cavaliers là Iman Shumpert đã có những phát biểu khá thú vị về đồng đội cũ LeBron James. Anh được hỏi về việc liệu Kevin Durant có phải nhân tố phá hủy NBA bằng nước đi chuyển tới Golden State Warriors từ OKC hay không. Chẳng mất nhiều thời gian, quán quân Dancing With The Stars cho hay chính chiến hữu xưa kia của mình mới là người chịu trách nhiệm.
“Đó không phải là Kevin. Bron mới là người hủy hoại bóng rổ dù anh ấy tưởng rằng mình đã làm điều tốt đẹp cho nó. Tôi hiểu anh ấy. Trên khía cạnh cá nhân, tôi yêu NBA bởi khía cạnh trung thành những tưởng tồn tại. LeBron thực sự đã phá bỏ rào cản khi cho rằng các đội bóng chỉ đang giật dây mọi thứ một cách nhảm nhí, cầu thủ bọn tôi có quyền tự do. Một nước đi hay trên khía cạnh kinh doanh thế nhưng bây giờ cầu thủ chỉ nói chuyện với nhau về chuyển nhượng. Đó không phải điều chúng ta nên bàn luận”.
Iman Shumpert cho rằng Lebron James hủy hoại bóng rổ
Đào lại lịch sử một chút, đội hình vô địch NBA 2008 của Boston Celtics được công nhận như Super team đầu tiên. Thế nhưng sức ảnh hưởng của nó lại không quá khác biệt như giai đoạn sau này. Bởi cách đội bóng này được thành lập gần như vẫn khá cổ điển khi các mảnh ghép được giới chủ đội bóng mang về. Tuy nhiên chính nó đã mang tới cho LeBron James bản phác thảo cho những gì sẽ thay đổi tương lai NBA mãi mãi.
Mùa hè 2010 chứng kiến vụ nổ khi cầu thủ tự do LeBron James quyết định rời khỏi đội bóng quê hương Cleveland Cavaliers để tới đại gia Miami Heat. Đây là viên gạch cuối cùng nhằm chính thức tạo nên Super team đích thực cùng hai người bạn thân đã đợi sẵn nơi Dwyane Wade cùng Chris Bosh. Sự khác biệt giữa Miami Heat hè 2010 với Boston Celtics 2007 là rất lớn.
LeBron James có thể khẳng định là người tiên phong trong việc nâng tầm ảnh hưởng của các cầu thủ. Anh phá vỡ những quy chuẩn vốn từng tồn tại qua hàng thế hệ cầu thủ. Mùa hè 2010, LeBron James không cần phải tới tìm hiểu bất cứ đội bóng nào, mà trái lại toàn thể những đại gia ở NBA phải tới Cleveland nhằm thuyết phục siêu sao sinh năm 1984 đặt bút ký lên bản hợp đồng họ đã thảo sẵn. Kể từ đó giải đấu này chẳng còn như xưa rồi dần định hình như ngày nay.
Vậy tại sao sự tự do quyết định số phận của cầu thủ lại hủy hoại bóng rổ như cách Iman Shumpert đã phát biểu? Câu chuyện này không hề chỉ liên quan tới việc ra đời của những Super team mà còn sâu xa hơn rất nhiều. Tuy nhiên hãy cứ nhìn vào bề nổi của câu chuyện đến từ những siêu đội hình này. Ở khía cạnh này, mọi thứ dường như khá dễ hiểu với đại đa số fan bóng rổ.
LeBron James và câu thoại kinh điển trước khi tới Miami Heat
Có lẽ ít người quên được giai đoạn nửa cuối thập kỷ vừa qua khi Golden State Warriors và Cleveland Cavaliers gặp nhau liên tục. Sau ngày LeBron James cập bến Los Angeles Lakers, đội bóng vùng Vịnh mới lại gặp một kẻ thách thức mới là Toronto Raptors. Quả thực phải có sự hội tụ đủ thiên thời , địa lợi, nhân hòa cùng “người được chọn” Kawhi Leonard, fan bóng rổ mới được chứng kiến sự sụp đổ của thời kỳ Super team.
Ví dụ trên nhằm nêu bật lên vấn đề về sự thiếu cân bằng trong giải đấu. Khi cán cân quyền lực bị nghiêng quá nhiều về một phía, sự hấp dẫn sẽ mất đi. Có thể lực lượng fan dành cho đội bóng ấy sẽ hạnh phúc và đông lên trông thấy thế nhưng sẽ là thảm họa cho giải đấu. Bởi NBA được tạo thành từ 30 chứ không phải chỉ riêng mình một tập thể.
Thế còn phần chìm của tảng băng do LeBron James tạo ra là gì? Đó là sự mạo hiểm quá lớn dành cho các cầu thủ. Ai cũng hiểu rõ tự do là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của vạn vật. Thế nhưng sức mạnh lớn đi kèm với trách nhiệm lớn lao. Không phải ai cũng đủ khả năng tự đặt cược và thắng ván bài cuộc đời như cách LeBron James đã làm. Chẳng ít sự nghiệp cầu thủ đã bị hủy hoại do tự bàn tay mình gây nên.
Hãy nhìn trường hợp của DeMarcus Cousins làm ví dụ. Sau chấn thương rách gân Achilles dính phải vào mùa 2017-2018, trung phong ngôi sao thời điểm ấy vẫn được New Orleans Pelicans đề nghị bản hợp đồng trị giá tới 40 triệu với thời hạn 2 năm nhằm ở lại. Thế nhưng cựu sao Kings cho rằng giá trị mình cao hơn thế và việc anh cần không gì khác ngoài chức vô địch nhằm nâng giá cho bản thân.
Vì thế cầu thủ sinh năm 1990 quyết định tới Golden State Warriors hè 2018 với mức lương tối thiểu. Giờ có lẽ nhiều người cũng đã rõ mọi thứ đã rẽ sang chương đen tối hơn rất nhiều cho ngôi sao này. Từ một All Star khiến cả NBA khiếp sợ, trung phong chơi trong đội hình xuất phát của đội tuyển Mỹ giành vàng Olympic Rio 2016. Nay DeMarcus Cousins trở thành gã du mục sống tầm gửi nhờ vào từng bản hợp đồng ngắn hạn cùng mức lương bèo bọt.
Tổng kết lại câu chuyện, liệu LeBron James có phá hoại bóng rổ qua hành động xây dựng Super team hay không? Thực ra câu trả lời tùy vào cách mọi người tiếp xúc vấn đề này. Điều quan trọng nhất ở đây chính LeBron James đã mang đến thứ vũ khí tối thượng cho giới cầu thủ là sự tự do. Nếu biết sử dụng, đây sẽ là thanh gươm báu hộ mệnh cuộc đời cầu thủ. Bằng không nó chẳng khác nào quỷ kiếm sẵn sàng hại chủ nhân bất cứ lúc nào.
Bạn nên quan tâm