16 năm trước, khi tuyển Anh chơi trận giao hữu với Hàn Quốc ở Seoul trước thềm World Cup 2002, Sven-Goran Eriksson dĩ nhiên không biết đến cái tên Park Hang-seo.
Khi ấy, Eriksson là HLV hưởng lương cao nhất thế giới và dẫn dắt Tam sư, đội bóng sở hữu dàn ngôi sao thượng thặng nằm trong nhóm ứng viên vô địch. Còn Hàn Quốc, tuy là chủ nhà, bị coi là viên đá lót đường. Và Park Hang-seo, trợ lý của Guus Hiddink, mới 43 tuổi nhưng không khác bây giờ, với cái đầu hói và cặp kính trắng, vẫn đang chìm trong bóng tối.
Trận đấu đó, tuyển Anh dẫn trước phút 26 nhờ bàn thắng của Michael Owen. Thế nhưng tinh thần quật cường của Hàn Quốc khiến họ không thể rời sân với chiến thắng. Phút 52, sau vô số đợt hãm thành, Park Ji-sung đánh đầu tung lưới Nigel Martyn. Trong nỗi thất vọng, Eriksson tự trấn an minh rằng đây chỉ là trận giao hữu. Và dĩ nhiên, ông cũng chẳng cần biết Park Hang-seo là ai.
Park Ji-sung ôm lấy Guus Hiddink sau khi ghi bàn cho Hàn Quốc, và HLV Park Hang-seo đứng kế bên.
HLV người Thụy Điển đã không nhận ra rằng, chính vào thời gian đó, vinh quang đã bắt đầu rời bỏ ông.
16 năm kể từ đó, Eriksson đã không giành được bất kỳ danh hiệu nào. Ông chia tay tuyển Anh sau kỳ World Cup thất bại trên đất Đức (2010). Chuyển sang dẫn dắt Man City, Mexico, Bờ Biển Ngà rồi Leicester, Eriksson đều bị sa thải sớm. Thất nghiệp, ông thậm chí còn gửi đơn xin việc đến Leeds United, CLB ở Championship (hạng 2 trong hệ thống các giải đấu ở Anh) nhưng bị từ chối.
Sau 2 năm nhàn rỗi, Eriksson quyết định đến Trung Quốc. Từ Guangzhou R&F đến Shanghai SIPG, ông đều không tại vị lâu bởi không có thành tích gì nổi bật, đồng thời bị la ó bởi phong cách thực dụng nhàm chán cùng chiến thuật 4-4-2 cũ kỹ.
Chấp nhận tiếp quản Shenzhen FC thuộc giải hạng 2 Trung Quốc, Eriksson cũng chỉ tồn tại được 6 tháng. Nhà cầm quân nổi danh một thời cuối cùng bị sa thải trong cay đắng. Đó là tháng 6 năm ngoái, Shenzhen FC đã bổ nhiệm HLV cũ của họ là Wang Baoshan và đăng 1 bài thơ ca ngợi ông này lên web trước khi chính thức sa thải Eriksson.
Sven-Goran Eriksson không thể tái hiện thành công như thời còn dẫn dắt Lazio và Benfica.
Từ một người suýt chút nữa kế nhiệm Sir Alex Ferguson vào năm 2002, Eriksson không thể tìm được bến đỗ cho đến khi được Scott Cooper tiến cử vào chiếc ghế bỏ trống ở Philippines. Cooper lúc ấy là HLV tạm quyền, và từng quản lý Học viện Leicester khi Eriksson nắm đội một.
Trong khi đó, Park Hang-seo lại từng bước đi lên trong sự nghiệp. Người trợ lý năm nào của Guus Hiddink nay trở thành một HLV được kính trọng. Không được may mắn dẫn dắt những đội bóng danh tiếng, cũng không có ngân sách chuyển nhượng dồi dào, song Park Hang-seo vẫn mang đến thành công cho Gyeongnam, Sangju Sangmu và Changwon. Và đến Việt Nam, "Hiddink của Hàn Quốc" tiếp tục tạo nên kỳ tích, tại VCK U23 châu Á và ASIAD 2018.
Sau 16 năm, Eriksson và Park Hang-seo tái ngộ một lần nữa, không phải ở một giải đấu hoành tráng như World Cup, mà là AFF Cup.
Khoảng thời gian gần hai thập kỷ không đủ làm Eriksson thay đổi. Vẫn mái đầu bạc, và vẫn phong cách chơi bóng kiểu Anglo-Saxon cùng hệ thống 4-4-2 cổ điển. Dường như HLV 70 tuổi vẫn không chịu thừa nhận, triết lý của ông đã lỗi thời, ngay từ trận giao hữu với Hàn Quốc năm 2002.
Trái ngược với Eriksson, Park Hang-seo đang gặt hái những thành công ngoài mong đợi.
Park Hang-seo thì khác. Với xuất phát điểm thấp, ông không ngừng học hỏi các xu thế chiến thuật mới. Bên cạnh đó, cách tiếp cận của HLV người Hàn Quốc cũng linh hoạt và có tính tùy biến cao để phù hợp với từng đối thủ khác nhau.
Chúng ta có thể thấy những thay đổi rõ rệt, theo hướng hiện đại, ở ĐT Việt Nam. Hồi tháng 8, cựu tiền đạo Đặng Phương Nam thốt lên rằng "chưa bao giờ Việt Nam chơi pressing tầm cao hay đến thế". Dưới thời HLV Park Hang-seo, "Những ngôi sao vàng" di chuyển không ngừng, mở ra không gian tấn công lúc có bóng và phong tỏa đối phương khi không bóng. Họ có thể phòng ngự triệt để khi cần hoặc gây áp lực liên tục với cường độ cao.
Vì bóng đá luôn vận động, nếu không chịu di chuyển, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Eriksson đã có thời gian tuyệt vời của mình, tại Benfica, Lazio và giai đoạn đầu dẫn dắt tuyển Anh. Nhưng HLV người Thụy Điển quá tự tin để nói không với thay đổi. Suốt nhiều năm, Eriksson trung thành với những gì đã được học từ ông thầy Tord Grip, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc bóng đá Anh.
Để bây giờ, Eriksson lạc đến Đông Nam Á và chạm trán Park Hang-seo, người mà ông chắc chắn sẽ biết là ai trong vài ngày tới.