Pakistan - Vùng đất “chết” của môn thể thao Vua

NGUYỄN ĐÌNH ANH , 05:34 13/08/2018 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Xung đột chính trị, mâu thuẫn tôn giáo cho đến bất hòa với người láng giềng Ấn Độ khiến cho môn bóng đá không thực sự phát triển ở đất nước Nam Á này. Nếu như người dân Pakistan tự hào khi từng vô địch môn Cricket thì ở môn bóng đá - đó chỉ là số 0 tròn trĩnh.

Những bí ẩn về bóng đá Pakistan.Video: Đình Anh

Pakistan là một quốc gia nằm ở vị trí địa lý chiến lược vô cùng quan trọng. Đất nước này sở hữu đường biên giới chung với Trung Quốc và Ấn Độ về phía Đông, tiếp giáp "đất nước bất ổn nhất thế giới Afghanistan" về phía Tây và có đường biên giới chung dài gần 1000km với Iran ở mạn Tây Nam.

Trong lịch sử, Pakistan gắn liền với những xung đột chính trị, sắc tộc cho đến tôn giáo. Sau khi giành độc lập từ thực dân Anh vào năm 1947, Pakistan có mối quan hệ được xem "cơm không lành canh không ngọt" với Ấn Độ. Với dân số xấp xỉ 210 triệu dân, Pakistan có số dân đông thứ 6 trên thế giới và có số lượng người theo Đạo Hồi đứng thứ 2 chỉ sau Indonesia.

Pakistan - Vùng đất “chết” của môn thể thao Vua  - Ảnh 2.

Cricket còn hơn cả một tôn giáo đối với người dân Pakistan. Trong ảnh là một thanh niên sơn màu quốc kỳ Pakistan để cổ vũ đội nhà với Ấn Độ tại giải VĐ Cricket thế giới 2015. Ảnh: BG

Giống như môn bóng đá ở các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Argentina...Cricket còn mang màu sắc tôn giáo có ý nghĩa sống còn của người dân Pakistan. Nếu như Cricket là môn thể thao quốc dân thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia khi đội tuyển Cricket Pakistan từng 1 lần giành ngôi quán quân giải vô địch Cricket thế giới thì bóng đá chỉ được xem là thứ yếu ở đất nước Nam Á này.

Hoàng kim quá khứ và sự suy tàn ở hiện tại

Việc cấm thi đấu quốc tế 3 năm từ Liên đoàn bóng đá quốc tế FIFA đã khiến cho nền bóng đá của Pakistan như một đống hỗn độn. Giải vô địch quốc gia manh mún, nhỏ lẻ, thành tích lẹt đẹt và các sân bóng không có khán giả. Theo số liệu của cơ quan quyền lực nhất bóng đá - có tới gần 3 triệu người chơi bóng ở quốc gia Nam Á này tuy nhiên vấn đề sân bãi lại không được đầu tư và chú ý tối đa khiến cho nền bóng đá Pakistan đang được xem là "tồi tệ" nhất thế giới.

Mặc dù có những thành tích ở quá khứ khi từng thắng Thái Lan 7-0 (Một trong những đội mạnh nhất châu Á lúc đấy) hay chiến thắng lịch sử trước Liên Xô ở thập niên 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, việc thiếu quan tâm đầu tư bóng đá đã khiến cho Pakistan không thể trở mình. Họ từng được xếp vào 8 quốc gia mạnh nhất châu Á những năm 60 -70 nhưng khi nhìn đến thứ hạng hiện tại của Pakistan sẽ khiến cho rất nhiều người không tin vào mắt mình - hạng 201 trên BXH FIFA. Với một đất nước hơn 200 triệu dân - việc bóng đá "chết" ở đây là một điều không tưởng.

Việc tái thiết nền bóng đá Pakistan sẽ rất khó khăn khi 3 năm qua họ mới trở lại cấp độ thi đấu quốc tế. Việc thiếu sự cọ xát, thi đấu đang khiến cho những người quản lý của Liên đoàn bóng đá Pakistan đau đầu. Bởi họ "không biết làm gì, bắt đầu từ đâu để vực lại một nền bóng đá đang bên bờ vực thẳm".

Trái ngược với sự đầu tư và quan tâm với môn Cricket, các môn thể thao khác ở Pakistan cũng đang trong tình trạng trì trệ giống như môn thể thao Vua. "Ở Pakistan - không hề có một sân đấu bóng đá nào đúng nghĩa. Lũ trẻ chỉ biết quanh quẩn và đuổi bắt Cricket. Bóng đá ư - Không. Trẻ em ở đây không được dạy rằng - chúng có thể làm gì từ quả bóng với những mặt sân đầy cát, gồ ghề hay ẩm ướt cả".

Pakistan - Vùng đất “chết” của môn thể thao Vua  - Ảnh 3.

Điều kiện sân bãi, tổ chức cho đến hiệu quả cách làm khiến cho trẻ em Pakistan dường như không có đam mê với bóng đá. Trong ảnh là trẻ em ở Sialkot (Pakistan) chơi đùa bên cạnh những người lớn chơi Cricket. Bóng đá đã bị bỏ quên ở đất nước này. Ảnh: BG

Mọi thứ ở đất nước Nam Á này dường như chỉ đổ dồn cho Cricket - điều này thật dễ hiệu khi họ từng 1 lần vô địch thế giới và 1 lần giành ngôi Á Quân. Nếu như ở bóng đá, có lẽ việc góp mặt ở ASIAN Cup cũng là một thành công đầy mong đợi của bóng đá Pakistan chứ không nghĩ về World Cup xa xôi. Sức hút của Cricket có lẽ đã lấy đi tâm trí của toàn bộ người dân Pakistan. Có một sự thật trớ trêu khi đất nước Nam Á này từng đóng góp 70% sản lượng bóng khâu tay trên toàn thếgiới nhưng bóng đá lại như một "món ăn xa lạ" ở đây. Bóng đá đang chết đúng nghĩa ở đất nước Nam Á này.

Thay đổi và cải cách

Việc góp mặt ở giải đấu lớn đầu tiên sau 3 năm cấm thi đấu đã khiến cho Liên đoàn bóng đá Pakistan hối hả. Họ bắt tay ngay vào việc mời HLV người Brazil Jose Antonio Nogueira cùng trợ lý Roberto Portella về làm việc với hy vọng cải thiện chất lượng đội tuyển. Những bài tập chiến thuật, thể lực cho đến tư duy chơi bóng đã được nhà cầm quân đến từ xứ Samba chia sẻ đến các cầu thủ - những người đã không thi đấu bóng đá suốt 3 năm qua.

Pakistan - Vùng đất “chết” của môn thể thao Vua  - Ảnh 4.

Liên đoàn bóng đá Pakistan đang cố gắng làm hết sức mình để thay đổi nền bóng đá. Họ bắt đầu bằng việc giao đấu ở Bahrain để chuẩn bị cho ASIAD. Ảnh: PFF - Liên đoàn bóng đá Pakistan

HLV Brazil là người tỏ ra vô cùng nghiêm khắc đồng thời ông cũng là một người thấu hiểu tình cảnh đang gặp phải của bóng đá Pakistan. "Các cầu thủ Pakistan có tài năng nhưng cần phải học bóng đá hiện đại. Họ đang dần thích nghi và sẽ hòa nhập tốt. Tôi tin nếu loại bỏ tư duy bóng đá cũ - các cầu thủ Pakistan sẽ thành một đội tốt".

Bóng đá Pakistan đang bắt đầu trở mình sau thời gian dài chìm sâu vào khủng hoảng. Họ bắt đầu công cuộc chọn lọc nhân sự bằng những gương mặt tốt nhất ở giải vô địch quốc gia với 25 cầu thủ được triệu tập. Những tia nắng le lói đã bắt đầu chiếu đến nền bóng đá ở đất nước Nam Á.

Sau chuyến tập huấn ở Bahrain với thành tích đáng nể khi thắng 2, hòa 1 và thua 1. Đoàn quân của HLV Nogueira sẽ được sắp xếp thi đấu giao hữu với một vài đội bóng khác. Sự tích cực và khẩn trương đang được các cầu thủ Pakistan hưởng ứng. Đã rất lâu rồi - họ không thi đấu quốc tế - ASIAD 2018 có thể sẽ là cơ hội để đưa bóng đá Pakistan bước ra ánh sáng.

Pakistan - Vùng đất “chết” của môn thể thao Vua  - Ảnh 5.

Các cầu thủ trẻ Pakistan đang rất háo hức cho ngày trở lại sân chơi Quốc tế sau 3 năm vắng bóng. Rất có thể, Pakistan sẽ làm tất cả để cả Châu Á gọi tên mình. Ảnh: Theo PFF

Việc góp mặt ở Á Vận hội luôn mang đến rất nhiều ý nghĩa lớn lao cho một nền bóng đá. Đặc biệt với bóng đá Pakistan khi môn thể thao Vua tưởng chừng như bị quên lãng. Đối đầu với Việt Nam cho đến "Người láng giềng" Nepal có thể sẽ mang yếu tố khích lệ đối với bóng đá Pakistan. Trong quá khứ, Việt Nam và Pakistan chưa bao giờ gặp nhau. Đồng thời, bóng đá Pakistan cũng thường hay thua mỗi khi đối đầu đại diện đến từ khu vực này. Có thể kể đến như trận thua đậm của bóng đá Pakistan với tỷ 0-6 trước Thái Lan tại ASIAN GAMES 2010.

3 năm không phải là khoảng thời gian quá dài cũng như quá ngắn nhưng nó lại có thể ảnh hướng tới sự "suy tàn" của môn thể thao Vua. Có lẽ Pakistan đang rất khát khao cho lần trở lại này.

Chạm trán với một đội bóng "ít thông tin" và bí ẩn sẽ là một thách thức không nhỏ cho thầy trò HLV Park Hang-seo. Bóng đá đã trở lại Pakistan và sẽ hứa hẹn mang đến diện mạo mới tươi sáng hơn ở vùng đất từng được xem là - miền đất "chết" của bóng đá.

Pakistan - Vùng đất “chết” của môn thể thao Vua  - Ảnh 6.

Lịch thi đấu ASIAD của đội tuyển U23 Việt Nam