Báo Nhật: Olympic Tokyo 2020, kỳ Thế vận hội dính lời nguyền

Thành Đạt , 20:24 22/07/2021 | Thể thao Việt Nam

Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhân vật quan trọng liên tục dính scandal,... những điều không hay liên tục xảy đến với Olympic Tokyo 2020 một cách khó hiểu.

Người hâm mộ chỉ còn cách lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 khoảng 1 ngày nữa. Nhưng những bê bối liên tục đổ dồn về Kỳ thế vận hội lần thứ 32. Mới đây nhất, đạo diễn lễ khai mạc và bế mạc Kentaro Kobayashi đã bị sa thải vì những lời đùa quá giới hạn liên quan đến người Do Thái. 

Tokyo 2020 đã trở thành Thế vận hội đầu tiên phải hoãn lại vì một dịch bệnh, nhưng thực tế những rắc rối đã bắt đầu xảy ra từ năm 2015. Nhật báo thể thao Sponichi đã tổng hợp những vấn đề tồi tệ liên quan đến sự kiện này và gọi đây là "kỳ Thế vận hội bị nguyền rủa".

Tháng 7/2015: Vấn đề xây dựng sân vận động Olympic Tokyo

Olympic Tokyo 2020: "Kỳ Thế vận hội bị nguyền rủa" - Ảnh 1.

Quang cảnh bên trong SVĐ Olympic Tokyo (Ảnh: Getty Images)

Ban đầu, sân vận động Olympic Tokyo dự kiến sẽ sử dụng thiết kế của kiến trúc sư người Anh gốc Iraq Zaha Hadid, tuy nhiên tổng chi phí cho thiết kế này lên đến 250 tỉ yên (hơn 2 tỉ USD). Chính vì vậy thiết kế của Hadid bị bác bỏ, sau đó đó BTC Olympic Tokyo đã chọn đề án của tập đoàn Taisei, công ty Azusa Sekkei và kiến trúc sư Kengo Kuma để thay thế.

Dù cắt giảm chi phí xuống còn 149 tỉ yên (hơn 1,3 tỉ USD), thời điểm khởi công đã bị trễ 1 năm 2 tháng, bắt đầu vào tháng 12 năm 2016. Sau khi bị từ chối thiết kế, KTS Zaha Hadid đã qua đời vào tháng 3/2016 tại Mỹ do một cơn đau tim.

Tháng 9/2015: Nghi án logo Olympic 2020 đạo nhái ý tưởng

Ủy ban tổ chức Olympic 2020 đã phải hủy bỏ việc sử dụng logo của nhà thiết kế đồ họa Kenjiro Sano do thiết kế của ông này bị chỉ ra những điểm tương đồng với thiết kế logo của 1 nhà hát tại Bỉ tên là Theatre De Liege. Sau đó thiết kế vòng tròn màu xanh chàm với họa tiết ca rô Ichimatsu moyou của nhà thiết kế Asao Tokolo đã được chọn để thay thế vào tháng 4/2016.

Olympic Tokyo 2020: "Kỳ Thế vận hội bị nguyền rủa" - Ảnh 2.

Sự tương đồng giữa logo ban đầu của Olympic Tokyo và logo nhà hát Theatre De Liege (Ảnh: dezeen.com)

Tháng 10/2019: IOC đưa ra quyết định mà không nhận được sự đồng ý của chủ nhà

IOC thông báo kế hoạch chuyển bộ môn marathon đến Sapporo - thủ phủ tỉnh cực bắc Hokkaido, để tránh thời tiết nắng nóng mùa hè ở Tokyo. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được sự thông qua của chính quyền Tokyo, thống đốc Yuriko Koike đã phát biểu môt cách châm biếm: "Tôi không thể đồng ý với quyết định với IOC, nhưng cũng sẽ không cản trở bởi quyền quyết định thuộc về phía IOC.  Tôi mạn phép gọi đây là một "quyết định không có sự đồng thuận"".

Tháng 3/2020: Lần đầu tiên 1 kỳ Olympic bị hoãn do dịch bệnh

Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 và lan rộng toàn thế giới. Số ca nhiễm mới tại Nhật Bản lên đến hàng ngàn ca mỗi ngày. Điều này đã khiến Ủy ban tổ chức Olympic, chính quyền thành phố Tokyo và chính phủ Nhật Bản phải đưa ra quyết định hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020 1 năm. Quyết định này đã được Ban điều hành Ủy ban Olympic quốc tế IOC thông qua. Lẽ ra, Thế vận hội 2020 sẽ khai mạc vào ngày 24/7/2020 chứ không phải 23/7/2021.

Tháng 11/2020: Lùm xùm với biên đạo múa lễ khai mạc và bế mạc

Nghệ sĩ múa và trình diễn ánh sáng MIKIKO - người chịu trách nhiệm biên đạo trình diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc và bế mạc Olympic Tokyo 2020 từ chức. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do sau khi quyết định hoãn tổ chức Olympic 1 năm được đưa ra, cô đã không nhận được liên lạc từ Ủy ban tổ chức và cảm thấy không nhận được sự tín nhiệm theo kế hoạch tổ chức mới của IOC. Ngay ngày hôm sau, nghệ sĩ múa này đã đăng lên Twitter các nhân: "Từ đầu tôi đã chẳng can dự gì đến kế hoạch tổ chức rồi. Tôi sẽ không chịu trách nhiệm cho việc này".

Tháng 2/2021: Chủ tịch Ủy ban tổ chức phát ngôn phân biệt giới tính

Trong hội nghị trực tuyến của Ủy ban Olympic Nhật Bản, chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo - cựu thủ tướng Yoshiro Mori đã nói rằng: "Quá nhiều phụ nữ tham gia hội nghị sẽ rất tốn thời gian". Phát ngôn phân biệt giới tính này đã khiến chủ tịch Mori chịu một làn sóng phản đối, cho rằng nó đi ngược lại với tiêu chí bình đẳng của Thế vận hội, sau đó ông phải từ chức. Người kế nhiệm là Seiko Hashimoto, nữ chính trị gia và cũng là VĐV có số lần tham gia Olympic nhiều thứ 2 Nhật Bản.

Olympic Tokyo 2020: "Kỳ Thế vận hội bị nguyền rủa" - Ảnh 3.

Cựu chủ tịch Ủy ban tổ chức Yoshiro Mori trong họp báo tuyên bố từ chức tháng 2/2021 (Ảnh: Getty Images)

Tháng 3/2021: Giám đốc sáng tạo từ chức vì phát ngôn miệt thị vẻ ngoài

Giám đốc sáng tạo Olympic Tokyo 2020 Hiroshi Sasaki đã phải từ chức sau khi bị phanh phui việc gọi nghệ sĩ Naomi Watanabe là "Olympig" (kết hợp giữa Olympic và "pig" - con lợn).  Lời nói miệt thị này của ông được cho là xuất hiện trong buổi họp lên ý tưởng cho lễ khai mạc và bế mạc.

Tháng 4/2021: Xung đột với báo chí

Ủy ban tổ chức Olympic đã yêu cầu nhà xuất bản Bungei Shunju thu hồi các nội dung liên quan đến lễ khai mạc và bế mạc Olympic mà họ đã hé lộ trước trên trang báo mạng Bunshun online và Tuần san Bunshun. Phía Bungei Shunju phản đối: "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin bất chấp những yêu cầu vô lý như thế này".

Tháng 7/2021: Hung tin đến dồn dập

Ngày 7/7, chính quyền thành phố Tokyo đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần 4, bắt đầu từ 12/7 đến 22/8 để đối phó với sự gia tăng của dịch Covid-19. Sau đó 1 ngày, Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo, Ủy ban Olympic quốc tế IOC, chính quyền thành phố Tokyo, chính phủ Nhật Bản và các bên liên quan khác đã thống nhất đi đến quyết định tổ chức không khán giả tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận. Quyết định này có thể khiến Olympic Tokyo lỗ hơn 20 tỉ USD.

Nhạc sĩ nhạc sĩ Keigo Oyamada - người đứng đầu về âm nhạc của lễ khai mạc bị phanh phui quá khứ bắt nạt bạn học khuyết tật và phải từ chức vào ngày 20/7. Bản nhạc mà Oyamada sáng tác sẽ không được sử dụng tại đêm khai mạc, thay vào đó là khoảng lặng 4 phút 33 giây.

Olympic Tokyo 2020: "Kỳ Thế vận hội bị nguyền rủa" - Ảnh 4.

Đạo diễn Kentaro Kobayashi (trái) và bạn diễn Jin Katagiri trong nhóm hài Rahmens (Ảnh: Nikkan Sports)

Sáng 22/7, đạo diễn lễ khai mạc và bế mạc Kentaro Kobayashi đã bị sa thải, sau khi video một show hài mà ông này tham gia vào năm 1998 được chia sẻ trên mạng. Trong đó, Kobayashi và bạn diễn Jin Katagiri đã đùa cợt về "trại tập trung", một chủ đề vô cùng nhạy cảm với cộng đồng Do Thái. Chủ tịch Ủy ban tổ chức Seiko Hashimoto đã phải lên tiếng chịu trách nhiệm vì vụ việc này. 

Và như chưa đủ khó khăn, cũng trong ngày 22/7 số ca mắc mới Covid-19 trong làng VĐV đã tăng thêm 12 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 87. Trước đó, một số VĐV và đội tuyển đã quyết định dọn ra các khách sạn bên ngoài làng VĐV.

Người Nhật Bản nổi tiếng với sự tâm linh của họ, người ta có thể tìm thấy các đền, miếu ở khắp mọi nơi, hay vô số lễ hội diễn ra khắp 4 mùa. Ở một khía cạnh nào đó, họ cũng khá mê tín. Từ gia đình cho tới công sở, có hằng hà sa số những điều kiêng kị. 

Tuy nhiên, sự mê tín này có lẽ chỉ là gia vị thêm vào phong trào phản đối Olympic 2022 của người dân Nhật Bản. Các cuộc biểu tình đã diễn ra liên tục từ đầu năm đến nay, họ cho rằng quyết định tổ chức Olympic gây hại cho kinh tế Nhật Bản và khiến người nghèo càng thêm nghèo. 

Mới đây nhất, chủ tịch IOC Thomas Bach đã bị xua đuổi khi ông đến thăm công viên Hòa bình Hiroshima để đặt vòng hoa tưởng niệm nạn nhân nguyên tử. Có lẽ, không chỉ là nỗ lực từ ban tổ chức, các bên liên quan hay sự cộng tác của các đoàn thể thao, Olympic Tokyo 2020 sẽ cần cả sự may mắn để có thể kết thúc trong tốt đẹp.