Theo đó, thành phần tham dự các đội tuyển bóng đá nam gồm chủ yếu những cầu thủ không vượt quá 23 tuổi, kết hợp với 3 cầu thủ trên 23 tuổi. Chính vì vậy, với việc Olympic Tokyo bị hoãn 1 năm, những cầu thủ 23 tuổi, cụ thể là sinh năm 1997 sẽ không được tham dự.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đội tuyển do họ sở hữu nhiều tài năng ở độ tuổi này. Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) chắc chắn phải tính toán đến trường hợp này. Trong khi đó, Hàn Quốc là nước đầu tiên đưa ra ý kiến về vấn đề trên.
U23 Hàn Quốc vừa giành chức vô địch U23 châu Á 2020. Họ sở hữu nhiều cầu thủ tài năng lứa 1997. Ảnh: Hiếu Lương.
Sáng 26/3, Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc (KFA) đã gửi ý kiến tới Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), FIFA và IOC. Trong đó, KFA nhấn mạnh việc để các cầu thủ sinh năm 1997 tiếp tục được thi đấu ở Olympic vào năm 2021.
"Thật không công bằng cho các cầu thủ sinh năm 1997 khi ảnh hưởng của Covid-19 là tác động khách quan khiến họ không thể tham dự Olympic. Chúng tôi nhất trí với các yêu cầu liên quan đến các điều chỉnh không thể cưỡng lại của IOC và chủ nhà Nhật Bản do dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, các cầu thủ sinh năm 1997 vẫn nên được tham gia Thế vận hội mùa hè", trích thư của KFA.
Theo KFA, họ đang bảo vệ quyền lợi của các cầu thủ sinh năm 1997, những người góp công lớn giúp đội tuyển vượt qua vòng loại để có mặt tại Thế vận hội mùa hè. Điều này có thể khiến các đội tuyển tham dự chuyển từ "U23 3" thành "U24 3" nếu đề nghị được xem xét và thông qua.
Ngoài đề nghị trên, KFA cũng cho rằng số lượng cầu thủ tham dự môn bóng đá nam nên tăng từ 18 lên 23 người, tức gồm 20 cầu thủ từ 1997 trở về sau cùng 3 cầu thủ trên 24 tuổi.
Tình hình dịch Covid-19 khiến Olympic Tokyo phải hoãn lại 1 năm, kéo theo nhiều hệ luỵ. Ảnh: AFP.
Môn bóng đá nam có từ lâu tại Olympic nhưng chỉ là những cầu thủ nghiệp dư do FIFA không muốn World Cup bị cạnh tranh. Đến Olympic Los Angeles 1984, IOC quyết định cho phép cầu thủ chuyên nghiệp tham dự nhưng với điều kiện các đội thuộc châu Âu và Nam Mỹ không được đưa cầu thủ từng dự World Cup đến thi đấu ở Olympic, trong khi đó, các đội ở châu Á, Phi và Bắc Mỹ được phép sử dụng.
Đến năm 1992, IOC thông qua quyết định để các đội tuyển U23 tham dự Olympic. 4 năm sau, IOC cho phép mỗi đội có thêm 3 cầu thủ trên 23 tuổi. Thể thức mới này giúp các đội tuyển trên thế giới cạnh tranh công bằng hơn thay vì sự thống trị của châu Âu và Nam Mỹ.
Ở châu Á, VCK U23 châu Á 2020 vừa qua được xem là vòng loại của Olympic. Bên cạnh chủ nhà Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Australia là 4 đại diện của châu Á dự Olympic.