Mesut Oezil bị coi như "vật tế thần" cho thảm họa của ĐT Đức tại World Cup 2018, khi nhà vô địch năm 2014 bị loại ngay từ vòng bảng.
Thất bại trong trận ra quân trước Mexico khiến Oezil bị chỉ trích nặng nề. Trận tiếp theo, Oezil ngồi trên ghế dự bị nhìn đồng đội thắng hú vía Thụy Điển. Ngôi sao sinh năm 1988 trở lại đội hình xuất phát ở trận cuối, nhưng thất bại tủi hổ trước Hàn Quốc biến Oezil trở thành mục tiêu để quy kết trách nhiệm.
Hơn một tháng trước World Cup 2018, Oezil bị người dân và các cựu danh thủ Đức như Stefan Effenberg hay Lothar Matthaus chỉ trích kịch liệt vì bức ảnh chụp chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ngày 13/5 ở London. Mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ rất căng thẳng mấy năm gần đây. Hành động của Oezil, một tuyển thủ Đức, bị xem là đi ngược với tinh thần chung của nước Đức. Thảm họa World Cup 2018 nhen nhóm lại sự căm ghét Oezil trong lòng dư luận Đức.
Bức ảnh khiến Oezil chịu nhiều rắc rối.
Sau thời gian dài kìm nén, bắt đầu từ tối hôm qua 22/7, Mesut Oezil đăng tải từng phần của bức tâm thư dài hàng nghìn từ. Trong phần một, anh lên tiếng về vụ lùm xùm chụp ảnh với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, khẳng định cuộc gặp này không hề mang mục đích chính trị. Sang phần hai, Oezil công kích truyền thông Đức bêu riếu gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ của anh.
Nửa đầu phần ba, Oezil chĩa thẳng mũi dùi tới ông Rienhard Grindel, chủ tịch LĐBĐ Đức. "Trong con mắt của Grindel và những người ủng hộ ông ta, tôi là người Đức khi ĐT Đức chiến thắng, còn khi thất bại tôi chỉ là một kẻ nhập cư", Oezil chua chát.
"Từ khi kết thúc World Cup 2018, Grindel đã chịu nhiều sức ép cho những quyết định của ông ta từ trước giải. Ông ta còn công khai yêu cầu tôi giải thích hành động chụp ảnh với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và đổ lỗi thất bại cho tôi, dù chính miệng ông ta nói mọi thứ đã kết thúc ở Berlin. Tôi lên tiếng không phải vì Grindel. Tôi không muốn mình là vật tế thần cho sự bất tài và năng lực yếu kém của ông ta nữa", Oezil viết những lời "ruột gan".
Tiền vệ 30 tuổi dành những dòng cuối phần ba để thông báo quyết định giã từ ĐT Đức. Anh nói hết sự thật: "Cách đối xử của LĐBĐ Đức và nhiều người khác khiến tôi không còn muốn mặc chiếc áo đội tuyển thêm một lần nào nữa. Trái tim tôi đã bị tổn thương nghiêm trọng, và sau rất nhiều cân nhắc, tôi sẽ không tiếp tục thi đấu cho ĐT Đức vì cảm giác bị phân biệt chủng tộc và đối xử thiếu tôn trọng".
Mesut Oezil ra mắt ĐT Đức từ năm 2009 và đến tận World Cup năm 2018, lần đầu tiên anh mới không có mặt trong đội hình xuất phát ở giải đấu lớn. Oezil đóng góp rất nhiều cho ĐT Đức, nhưng nay phải rời đi trong cay đắng.
Tiền vệ tài hoa 30 tuổi lên tiếng đầy chua chát: "Tôi từng mặc chiếc áo ĐT Đức với sự tự hào và niềm phấn khích, nhưng bây giờ thì không còn cảm giác như vậy nữa. Tôi thấy mình như người thừa và có cảm giác tất cả thành tích đạt được từ thời điểm ra mắt năm 2009 đã bị người ta quên sạch. Những kẻ có tư tưởng phân biệt chủng tộc không được phép làm việc trong Liên đoàn bóng đá lớn nhất thế giới, vốn có những cầu thủ mang hai quốc tịch. Thái độ của họ không phản ánh các cầu thủ mà họ đại diện".
Mesut Oezil thi đấu 92 trận cho ĐT Đức, ghi 23 bàn, kiến tạo 40 lần, 5 lần giành giải Cầu thủ hay nhất nước Đức, giành HCĐ World Cup 2010 và đăng quang World Cup 2014.
Oezil thừa nhận quyết định này cực kỳ khó khăn vì anh luôn hết lòng với đồng đội, huấn luyện viên và những người tốt ở LĐBĐ Đức. Nhưng khi các quan chức cấp cao của LĐBĐ Đức đối xử với anh không công bằng, không tôn trọng gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ và ích kỷ biến Oezil thành mục tiêu tuyên truyền chính trị thì "mọi chuyện đến đây là quá đủ rồi", như lời Oezil nói
"Đó không phải lý do tôi chơi bóng. Tôi sẽ không chịu nhún nhường và khoanh tay đứng nhìn. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không bao giờ nên được dung túng", Oezil kết thúc tâm thư.
Ngay sau khi Đức bị loại khỏi World Cup, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã quyết định trả lại áo đấu của Oezil và Gundogan tặng.
Phát ngôn viên của ông Erdogan giải thích lý do: "Gundogan và Oezil không đáp ứng được kỳ vọng ở Nga như những gì ngài Recep Erdogan mong đợi ở họ. Ông ấy (Recep Erdogan) không muốn có bất cứ điều gì liên quan đến 2 cầu thủ này nữa. Trong tương lai, Oezil và Gundogan nên hạn chế gọi ông Recep Erdogan là "Tổng thống của tôi".
Bạn nên quan tâm