Vượt qua mọi chỉ trích và sự hoài nghi về phong độ không tốt ở giai đoạn giao hữu và đầu giải đấu, đội tuyển Mỹ đã đánh bại Pháp với tỉ số 87-82 để chính thức đăng quang ngôi vương ở Olympic Tokyo 2020. Trong đó, phải kể đến màn trình diễn tỏa sáng của Kevin Durant với 29 điểm, cũng như bản lĩnh của một đội bóng lớn khi Pháp từng có lúc thu hẹp được cách biệt.
Ở quê nhà, hàng loạt những lời tán dương được gửi đến thầy trò HLV Gregg Popovich sau thành tích này. Đội tuyển Mỹ ở Olympic Tokyo không có được lực lượng hùng mạnh nhất, nhưng luôn thể hiện được sự quyết tâm và tiến bộ qua từng trận đấu. Dưới đây là một số thống kê thú vị dành cho thầy trò HLV Gregg Popovich.
Là một cường quốc bóng rổ hàng đầu thế giới, với đẳng cấp và danh tiếng của NBA vượt xa tất cả những giải đấu mọi cấp độ khác trên toàn thế giới, không có gì khó hiểu khi Mỹ luôn là ứng cử viên hàng đầu cho mỗi lần họ tham dự.
Kể từ kỳ Thế vận hội đầu tiên vào năm 1936, cho đến khi Thế vận hội đi vào ổn định sau năm 1948 khi diễn ra đều đặn 4 năm 1 lần, Mỹ đã trải qua trọn vẹn 20 lần tham dự. Trong đó, họ vô địch đến 16 lần, một thống kê chứng minh sức mạnh của người Mỹ tại bộ môn trái bóng cam. Đội bóng có nhiều chức vô địch thứ 2 là Liên bang Xô Viết cũng chỉ có 2 lần, trong khi Nam Tư và Argentina chia sẻ nhau 2 chức vô địch còn lại.
Trận chung kết Thế vận hội năm 1936 cũng chứng kiến màn đối đầu có điểm số thấp kỷ lục trong toàn lịch sử bộ môn bóng rổ, khi Mỹ vượt qua Canada với tỉ số 19-8.
Kể từ loạt vinh quang kéo dài từ năm 1936 cho đến 1968 với 7 chiếc huy chương Vàng, đây là lần đầu tiên Mỹ kéo dài chuỗi trận vô địch của mình vượt qua con số 3. Sau thất bại tủi hổ ở Olympic Athens 2004, Mỹ luôn thi đấu với tâm trạng của một kẻ báo thù.
Những chiến thắng áp đảo ở các năm 2008, 2012, 2016 và chuyến thành trình đặc biệt ở Olympic Tokyo 2020 càng khiến sự kiện này thêm phần ý nghĩa với nhiều NHM tại xứ sở cờ hoa.
Kevin Durant là một trong những tay làm bàn xuất sắc nhất mọi thời đại ở NBA. Trong các năm 2012 và 2016, anh luôn là một trong những họng súng chủ lực của Mỹ trên mặt trận tấn công. Tuy nhiên, giải đấu năm 2020 chính là lần đầu tiên anh phải đảm nhận thêm trách nhiệm của một người thủ lĩnh.
Siêu sao 32 tuổi đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình với phong độ ấn tượng trong nhiều trận đấu khác nhau. Trong đó, màn trình diễn 29 điểm trước Pháp trong trận Chung kết cũng giúp Kevin Durant trở thành người duy nhất có trên 100 điểm ở 3 kỳ Olympic khác nhau trong lịch sử.
Ở mùa hè năm 1992, Michael Jordan và Scottie Pippen đã cùng nhau thống trị NBA với chức vô địch lần thứ 2 liên tiếp. Họ tiếp tục lên đường đến với Tây Ban Nha tham dự Thế vận hội năm ấy và lên ngôi vô địch với sức mạnh khủng khiếp của dàn cầu thủ Dream Team.
Kỳ tích ấy một lần nữa được tái hiện với bộ đôi Jrue Holiday và Khris Middleton tại mùa hè năm 2021. Họ đã mang về chức vô địch NBA trong màu áo Milwaukee Bucks và cùng nhau đưa đội tuyển Mỹ đến với huy chương Vàng tại kỳ Thế vận hội trên đất Nhật Bản.
Tại kỳ Olympic Los Angeles 1984, bà Pamela McGee đã cùng với đội tuyển Bóng rổ nữ Mỹ giành chức vô địch ngay tại sân nhà, sau khi vượt qua đối thủ Hàn Quốc với tỉ số cách biệt lên đến 85-55.
37 năm sau, đến lượt con của bà, trung phong JaVale McGee đoạt huy chương Vàng cùng đội tuyển Mỹ ở Olympic Tokyo 2020. Mặc dù không phải là một ngôi sao trong đội hình, thế nhưng JaVale McGee vẫn có những đóng góp nhất định và luôn là một trong những cầu thủ thúc đẩy tinh thần của các đồng đội lên cao trong suốt giải đấu.