Hành trình đẹp đẽ của thể thao Việt Nam năm 2018 mở đầu bằng một bom tấn ở tầm châu lục. Lần đầu tiên có một đội tuyển Việt Nam lọt vào trận chung kết châu lục. Tập thể ấy mang tên U23 Việt Nam.
Năm 2018 còn có Olympic Việt Nam với hạng 4 ASIAD, đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, HCV ASIAD của đội Rowing, mở hàng cho đoàn thể thao nước nhà tại Á vận hội. Thế nhưng, U23 Việt Nam là tập thể khởi đầu, là liều doping khiến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người dân Việt Nam đổ ra đường "đi bão" đầu năm.
Thành tích ấy là vô tiền khoáng hậu. Thành tích ấy thay đổi diện mạo của bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung ngay từ đầu năm mới. Hàng chục khoảnh khắc, hành động, lời nói đã hoá thành những câu chuyện truyền cảm hứng lớn cho mọi người.
Đội tuyển U23 Việt Nam đã cùng nhau tạo nên những khoảnh khắc không thể nào quên đầu năm 2018 và cho đến mãi sau này.
HLV Park Hang-seo là người Hàn Quốc nhưng là thuyền trưởng đứng sau thành công nằm ngoài mọi dự đoán của bóng đá Việt Nam năm 2018. Trong 1 năm, ông hoàn thiện lời hứa đưa đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, lọt vào top 100 trên BXH FIFA.
Ông phá bỏ những giới hạn ở tầm châu lục, đưa U23 Việt Nam giành ngôi á quân, Olympic Việt Nam giành hạng 4 ASIAD. Thế nhưng, đó chưa phải giá trị lớn nhất.
Tinh thần, sự đoàn kết và triết lý bóng đá của ông mới là điều ẩn sâu đằng sau thành công của bóng đá Việt Nam. Các đội tuyển qua bàn tay của vị HLV 60 tuổi sở hữu thứ tinh thần chiến đấu cao ngất, niềm tự tin vào chiến thắng và quan trọng nhất, họ cùng nhau tạo nên những gia đình. Ông vượt qua tất cả những người tiền nhiệm để trở thành HLV thành công nhất từ U23 đến đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Ở tuổi 21, Quang Hải đã giành gần hết mọi danh hiệu cao quý. Từ chức vô địch AFF Cup đến V.League, từ Quả bóng vàng Việt Nam đến cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup, những danh hiệu ấy nâng tầm một chàng trai chỉ cao 1m68 lên hàng ngôi sao lớn của khu vực.
Không màu mè với truyền thông, sự chuyên nghiệp tạo nên một Quang Hải lầm lì trên sân. Đối phương liên tục phạm lỗi khiến anh nằm sân, Hải cũng liên tục đứng dậy để lại làm khổ đối thủ.
Quang Hải không chứng minh bản thân qua lời nói. Anh chứng tỏ với mọi người qua những đường chuyền, cú sút. Cú đúp vào lưới Qatar, pha đá phạt gỡ hoà ở Thường Châu tuyết trắng, cú cứa lòng nhẹ nhàng hạ gục Olympic Nhật Bản, chúng đến từ cái chân trái dị biệt bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Nguyễn Quang Hải là tài năng dị biệt, nhân tố chủ chốt cho thành công của bóng đá Việt Nam năm 2018. Ảnh: Tiến Tuấn.
Khi sự chú ý đổ dồn về những cầu thủ, về trái bóng tròn, Bùi Thị Thu Thảo lặng lẽ điền tên vào lịch sử thể thao nước nhà với HCV điền kinh đầu tiên ở ASIAD 2018. Thảo giành tấm HCV ở nội dung nhảy xa ngay trong lần nhảy đầu tiên với thành tích 6,55m.
Một cô gái vẫn còn sự ngô nghê trong lời nói nhưng có sức bật trời phú. Sau ngày bước lên bục cao nhất, cô trải lòng: "Tôi muốn nhảy một phát cho đối thủ cóng luôn".
Câu nói ấy của cô gái 26 tuổi là tham vọng của thể thao đỉnh cao "nhanh hơn, cao hơn, xa hơn". Tấm HCV ấy còn thuộc về một môn thể thao cơ bản như điền kinh và xa hơn Thảo sẽ hướng tới đấu trường đỉnh cao của thế giới mang tên Olympic.
Cú nhảy đem về HCV ASIAD 2018 của Bùi Thị Thu Thảo. Ảnh: Tiến Tuấn.
Ở làng bơi lội đường dài thế giới, kình ngư Sun Yang (Trung Quốc) được ví như quái vật ở đường đua xanh. Ấy vậy mà, Nguyễn Huy Hoàng, chàng trai sinh ra ở đất Quảng Bình, Việt Nam lại khiến "con quái vật" ấy suýt đánh rơi tấm HCV ở nội dung 1500m tự do tại ASIAD 2018.
18 tuổi, Huy Hoàng giành 1 HCB, 1 HCĐ tại ASIAD. 18 tuổi, cậu đã gây ấn tượng ở châu lục. "Rái cá" sông Gianh là biệt danh của Hoàng, chỉ tập luyện ở trong nước vẫn giành ngôi vị cao. Đó là khoảnh khắc ấn định anh là tài năng và cần sự đầu tư nhiều hơn cho ước mơ nhanh hơn trong bơi lội thế giới.
Không chỉ có Hoàng, hai tuyển thủ Đoàn Văn Hậu (1999), Trần Đình Trọng (1997) cũng là những chàng trai trẻ đầy triển vọng. Và họ chính là tiềm lực, ngọc thô của thể thao Việt Nam.
Nguyễn Huy Hoàng là VĐV trẻ nổi bật nhất của thể thao Việt Nam năm 2018. Ảnh: Tiến Tuấn.
Bàn thắng của Nguyễn Quang Hải ở trận chung kết U23 châu Á 2018 xứng đáng trở thành một trong những thước phim kinh điển của thể thao Việt Nam.
Trên nền tuyết trắng, Văn Thanh, Xuân Trường dùng tay dọn tuyết để lại khoảng cỏ xanh và trái bóng cho Quang Hải. Anh thực hiện cú đá phạt chuẩn mực gỡ hoà cho U23 Việt Nam để rồi những chàng trai áo đỏ ấy nằm đè lên nhau ăn mừng.
Giữa gió tuyết Thường Châu, "một ngọn lửa" bùng cháy rừng rực. Bàn thắng của Quang Hải được ví như "cầu vồng trong tuyết", còn hành động của Văn Thanh, Xuân Trường là hiện thân của tính tập thể, sự đoàn kết hướng tới mục tiêu chung.
Một chuỗi những hình ảnh nối tiếp nhau, là ý chí tập thể, là chuẩn mực chuyên môn, là niềm tự hào dân tộc. Việt Nam cần nhiều hơn những hình ảnh ấy xuất hiện ở mọi lĩnh vực để vươn tới những đỉnh cao.
Một chuỗi những khoảnh khắc ấn tượng trước và sau bàn thắng của Quang Hải. Ảnh: AFC.
Sau một thất bại, bạn thường chọn phát ngôn hay im lặng, chọn lẳng lặng rời đi hay vươn mình mạnh mẽ hướng tới tương lai?
Còn đây là HLV Park Hang-seo, ông hét lớn giữa vòng tròn những tuyển thủ U23 Việt Nam: "Tại sao phải cúi đầu? Chúng ta đã nỗ lực hết sức rồi mà. Tại sao chúng ta phải cúi đầu?".
Các cầu thủ trẻ vừa thất bại ở trận chung kết U23 châu Á. Giữa một dải những chàng trai cùng buồn, câu nói của HLV Park Hang-seo vang lên như một tia nắng ấm để rồi cũng chính những người ấy vẫn gắn bó cùng ông trong những thành công sau này.
HLV Park Hang-seo được học trò tung lên trời sau khi vô địch AFF Cup 2018. Ảnh: Tùng Lê
Chức vô địch AFF Cup 2018 là danh hiệu khẳng định vai trò và trình độ của Đặng Văn Lâm sau bao thăng trầm trải qua từ ngày về Việt Nam dấn thân vào môi trường bóng đá nơi đây.
Sau những giọt nước mắt của chàng thủ thành 25 tuổi tại Mỹ Đình, người hâm mộ còn được đọc những dòng thư mà bà Jukova Olga, mẹ Văn Lâm gửi cho anh. Bức thư là lời chất chứa những lo toan về người con nhưng không ngăn cản mà tiếp tục cổ vũ anh "bơi" tiếp trên con đường đã chọn.
"Lev yêu mến của mẹ!
Người ta nói "Không ai lội 2 lần xuống 1 dòng sông" - và con đã lội 2 lần.
Lần đầu tiên, khi ấy con là cậu thanh niên 17 tuổi. Con đã bước lên, ngược dòng một cách dũng cảm, và vượt qua tất cả! Con đã lớn khôn, sáng suốt và trưởng thành.
Lần thứ hai con lội xuống dòng sông đó, con khi ấy đã trưởng thành và chuyên nghiệp. Hãy bơi đi con trai.
Mẹ ủng hộ con, con trai! Biết ơn chúa trời vì tất cả!
Mẹ mừng cho con!
Chúc mừng chiến thắng to lớn đầu tiên của con, con trai!
Chúc con thành công, Lev của mẹ!".
Bà Jukova Olga (trái) đã đặt niềm tin và luôn cổ vũ cậu con cả Đặng Văn Lâm thực hiện ước mơ khoác áo ĐTQG Việt Nam và giành chức vô địch. Ảnh: Hiếu Lương.