Thử tưởng tượng một ngày nào đó, những cầu thủ bóng đá vĩ đại như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo, sau những thành công vang dội trong sự nghiệp, bất ngờ nói lời chia tay trái bóng tròn vì "không còn động lực". Cú sốc đó đối với những NHM trái bóng cam vào mùa Hè năm 1993 là điều tương tự, khi Michael Jordan tuyên bố nghỉ hưu.
Ở tuổi 31, vừa giành được "Cú ăn 3" cùng với Chicago Bulls và đạt được quá nhiều danh hiệu cá nhân, nhưng Michael Jordan lại "mất động lực với bóng rổ"? Không khó để NHM nhận ra, việc cha ông bị sát hại ở mùa Hè năm 1993 đã tác động lớn đến huyền thoại Chicago Bulls.
Giã từ bóng rổ, Michael Jordan quyết định gia nhập bóng chày, môn thể thao mà cha ông luôn yêu thích trong cả cuộc đời. "Ông luôn muốn tôi trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp", Michael Jordan bày tỏ sau quyết định gia nhập Chicago White Sox ở Giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB).
Thế nhưng, mọi khởi đầu không hề suôn sẻ như mọi người tưởng tượng. Michael Jordan nhận về hàng tấn sự nghi ngờ và cả những lời nhạo báng và chế giễu đến từ giới truyền thông và NHM. Họ cảm thấy ông muốn trở thành một "người đặc biệt" ở tuổi 31 trong bộ môn hoàn toàn xa lạ và sẽ chẳng bao giờ đủ giỏi để chơi ở cấp độ cao nhất.
Cũng như bóng rổ đã khiến tên tuổi của Michael Jordan trở nên bất tử, ông không để những lời thị phi đó gây ảnh hưởng đến mình trong giai đoạn thi đấu bóng chày chuyên nghiệp này.
Michael Jordan không hề muốn trở thành "người đặc biệt", cũng không muốn mọi người đối xử với mình theo một đặc ân nào đó. Ông hiểu mình đang ở trong một thế giới khác, nơi mà ông chưa bao giờ thuộc về. Thứ Jordan muốn khi ấy, chỉ là nỗ lực để vươn đến thành công.
Michael Jordan kiên trì tập luyện, tiếp thu mọi thứ hữu ích mà các HLV đã truyền đạt lại cho ông và trở nên tiến bộ qua từng ngày. Ông đặt hết tâm huyết của mình vào bóng chày hệt như cái cách mà ông đã rèn luyện để trở thành ngôi sao ở NBA.
Sự khổ luyện của Michael Jordan đã giúp ông dần chiếm được sự tin tưởng từ các đồng đội và NHM. Ông dần trở thành một cầu thủ đủ khả năng thi đấu ở đẳng cấp cao nhất tại MLB. Khi Michael Jordan thực hiện cú home-run (*) đầu tiên vào ngày 30/7/1994 và thư thả chạy về phía chốt nhà trong sự reo hò của 14.000 khán giả, ông cuối cùng cũng đã nhận được sự thừa nhận với tất cả.
Đặc biệt hơn, Michael Jordan làm điều đó chỉ 1 ngày trước sinh nhật của người cha quá cố và gần tròn 1 năm kể từ ngày cha ông bị sát hại: "Tôi ước gì ông ấy có thể ở đây, nhưng tôi biết rằng ông vẫn nhìn thấy nó trên trời cao", Michael Jordan chia sẻ.
Mặc dù đã có những thị phi về việc Michael Jordan tìm đến bóng chày là bởi một án phạt nội bộ mà cố chủ tịch David Stern dành cho ông khi liên quan đến quá nhiều bê bối về cờ bạc và cá độ trong thời gian trước đó. Những scandal như vậy hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh của NBA và hẳn nhiều người sẽ không để điều đó xảy ra.
Tuy nhiên, bất kể lý do mà Michael Jordan tìm đến bóng chày là gì, không thể phủ nhận rằng huyền thoại của Chicago Bulls vẫn có thể tìm kiếm thành công của riêng mình trong một môn thể thao mà ông đã từ bỏ rất lâu kể từ thời trung học. Mọi thứ dần trở lại ổn định với NHM trái bóng cam, bắt đầu với bức fax nổi tiếng "Tôi đã trở lại" vào mùa Xuân năm 1995.
Michael Jordan trở lại NBA và ngay lập tức dẫn dắt Chicago Bulls đến với 3 chức vô địch liên tiếp khác vào năm 1996-1998. Nhiều người đã tự nhủ rằng, chính bóng chày đã giúp ổn định con người của Michael Jordan, giúp ông tìm lại sự cân bằng và rằng nếu không có bóng chày, thế giới bóng rổ sẽ không thể chứng kiến thêm một Michael Jordan toàn năng nhất ở những năm tháng sau này tại NBA.
Nếu bóng rổ khiến tên tuổi của Michael Jordan trở nên bất tử, thì bóng chày đã cho mọi người thấy ông là một con người đặc biệt như thế nào.
(*) Home-run: Cú đánh bóng vượt ra khỏi sân, ghi điểm trực tiếp trong môn bóng chày