Mùa hè 2008, như chúng ta đã biết, tỷ phú Seikh Mansour tiếp quản Man City và bắt đầu rải tiền khắp châu Âu để đưa về những cầu thủ tốt nhất. Cho đến trước ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, họ đã chi 44 triệu bảng cho 6 tân binh, nhưng không ai trong số đó là ngôi sao tầm cỡ. Chỉ còn 24 tiếng nữa, phiên chợ mùa hè sẽ khép lại.
Một trong những luật sư của Man City cũng là luật sư của Dimitar Berbatov. Họ tự tin sẽ có được tiền đạo người Bulgaria sau khi trả giá 33 triệu, nhiều hơn 3 triệu so với đề nghị của MU. Việc cần làm duy nhất là tóm được Berbatov, đưa tới văn phòng ở Etihad, nơi Man City tin rằng cầu thủ này sẽ bị lóa mắt bởi bản hợp đồng hậu hĩnh.
Sir Alex Ferguson biết về ý định đó. Ông lập tức hành động theo cái cách mà ông chưa từng nghĩ sẽ làm, đó là tự mình phi xe đến sân bay và đón Berbatov ở Ocean Sky, nhà ga dành cho máy bay riêng của sân bay Manchester. Sau đó áp tải về Old Trafford.
Không có được Berbatov, Man City chuyển hướng tới Robinho. Khi ấy ngôi sao người Brazil lại đang trên máy bay tới London để ký hợp đồng với Chelsea. Tuy nhiên Man City vẫn gửi tới trụ sở Real Madrid bản fax đề nghị mua Robinho với giá 32,5 triệu bảng.
Vì lỗi, phía Real nhận được là bản fax trắng. Man City gửi lại một bản khác. Real dĩ nhiên rất hài lòng với con số. Nhưng làm thế nào để khước từ Chelsea? Thật may, Chelsea đã quá vội vàng khi đăng bức hình Robinho mặc áo The Blues lên trang web. Và đó là cái cớ tuyệt vời để Real tỏ ra tức giận, chuyển sang Man City.
Cùng lúc đó, một phái đoàn cao cấp của Man City dùng máy bay riêng tới London. Ở đó, họ đón lõng và "bắt cóc" Robinho khi máy bay của anh này vừa hạ cánh. Họ đưa ngôi sao người Brazil tới văn phòng của chủ sở hữu cũ Thaksin Shinawatra thuê ở Old Park Lane. Robinho khá bất ngờ, và theo cựu Giám đốc điều hành Man City, Garry Cook, không chắc rằng anh ta biết sẽ khoác áo Man xanh, hoặc đội bóng này đội bóng nào? Thứ duy nhất Robinho chắc chắn là sẽ nhận mức lương chót vót chưa từng mơ tới. Vậy là cả MU và Man City đều có thứ họ cần ngay trước khi phiên chợ kết thúc.
Trong những ngày cuối, điểm chung của các đội bóng là bầu không khí hỗn loạn. Họ bị bủa vây bởi rất nhiều lời đề nghị, các tin đồn và hành động gấp gáp để hoàn thành cả núi việc, bao gồm các thủ tục hành chính phức tạp, trong thời gian nhanh nhất.
Bên trong văn phòng của các Giám đốc và HLV, TV được bật 24/24 để nắm bắt tình hình chuyển nhượng. Pizza được mang về cho các nhân viên văn phòng túc trực xuyên đêm. Theo một vị HLV ở Premier League, toàn bộ chuyện này trông điên rồ và kỳ quái, nhưng vui nhộn.
Có câu chuyện rằng, một cầu thủ đã gật đầu vào ngày chót và lập tức đến CLB mới. Nhưng một rắc rối nảy sinh, anh ta bị lạc và không tìm được cổng vào sân vận động, nơi CLB đặt trụ sở. Một nhân viên an ninh được cử đi tìm. Khi tìm thấy, yêu cầu anh ta ký tá và cầm đống giấy tờ chạy bộ lên cầu thang, đưa chúng cho thư ký. Chỉ 1 phút trước khi thị trường khép lại, anh ta nhận được giấy phép lao động.
Một người đại diện thì kể với The Athletic, có CLB, để ăn chắc, đã liên hệ với 4 cầu thủ cho cùng một vị trí vào ngày cuối cùng. Ai ngờ tất cả đều đồng ý và cùng có mặt ở văn phòng. Một tình huống trớ trêu và đầy xấu hổ. Rồi CLB quyết định ký hợp đồng với cầu thủ yêu cầu mức lương thấp nhất. Xui cho họ, sau đó anh ta trở thành bản hợp đồng tồi tệ.
Đôi khi vào ngày cuối, sự gấp rút buộc cầu thủ phải tự hành động. Yossi Benayoun là một ví dụ. Anh muốn rời khỏi Chelsea vào năm 2012. Thật không may, người đại diện lại đi vắng. Benayoun đã tự liên hệ với West Ham đề nghị về bản hợp đồng cho mượn. Trong ngày, anh đi đi lại lại giữa West Ham và Chelsea để thương lượng với cả hai bên. Thương vụ hoàn tất vào lúc 22h59, trước thời hạn chỉ 1 phút.
Và như người ta nói, 30 chưa phải là Tết, mọi chuyện đều có thể đảo ngược. Hồi dẫn dắt Charlton, HLV Alan Curbishley đích thân đưa một cầu thủ và bố anh ta tới văn phòng để ký hợp đồng. Cầu thủ này sau đó kể rằng, thỏa thuận đạt được và tất cả chờ đợi hợp đồng được in từ chiếc máy in đằng xa.
Đúng lúc ấy, người đại diện gọi điện thông báo một CLB khác tốt hơn sẵn sàng trả mức lương cao hơn. Anh ta đã rất muốn đi. Nhưng đành phải ngồi lại và ký, bởi thật khó để tìm chiếc taxi nào vào lúc 10 rưỡi tối. Ngày ấy chưa có Uber.
Marvin Sordell thì khác. Vào năm ngoái, tiền đạo người Anh nhận được đề nghị từ đội bóng League Two, Northampton Town. Anh không thích đến đó lắm. Nhưng rồi anh nghĩ chuyển tới Northampton sẽ đi lại tiện hơn để chăm sóc người vợ đang mang bầu.
Đấu tranh tư tưởng đến tận 21h30, Sordell quyết định phóng xe dưới trời mưa tuyết. Đến một ngã ba, suýt chút nữa anh quay trở lại. Rồi 5 phút trước khi thị trường đóng cửa, anh cũng đến được trụ sở Northampton và ký hợp đồng.
Cũng có trường hợp cầu thủ buộc phải ký vì Chủ tịch CLB thường được biết là rắn mặt, vào hạn chót, đã quỳ gối van xin cầu thủ, đồng thời lương thưởng cứ thế tăng cho đến khi anh ta đồng ý. Bình thường ông ta không bao giờ làm thế. Nhưng vào ngày cuối cùng, ông trở nên mất trí. Giống như nhiều ông chủ, HLV hay cầu thủ khác, tất cả đều điên loạn trước khi trở về trạng thái bình thường vào sáng hôm sau.