Sau hơn 2 tuần tranh tài, SEA Games 32 đã chính thức kết thúc với lễ bế mạc hoành tráng vào tối 17/5. Kết thúc đại hội Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành tổng cộng 355 huy chương các loại, trong đó có 136 HCV để dẫn đầu một cách tuyệt đối. Đây là lần thứ ba thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games ở ngôi vị cao nhất. Tuy nhiên SEA Games 32 trở nên đặc biệt đáng nhớ bởi nó đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam giành ngôi vương tại một kỳ đại hội không tổ chức tại sân nhà. Hơn thế nữa, kỳ SEA Games lần này còn là bước đệm quan trọng để chúng ta hướng tới giải đấu cấp độ châu lục - ASIAD vào tháng 9 tới.
Trong những ngày diễn ra đại hội, các VĐV Việt Nam đã thể hiện phong độ cũng như lối chơi ấn tượng, đẹp mắt khiến cho các đối thủ dù thua cũng phải tâm phục khẩu phục. Kỳ đại hội này cũng để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người hâm mộ bởi những thành tích "vô tiền khoáng hậu" và những phần trình diễn mãn nhãn.
Đầu tiên phải kể đến thành tích đáng ấn tượng của Nguyễn Thị Oanh môn Điền kinh. Cô đã giành được 4 HCV cá nhân trong tổng số 12 HCV Điền kinh Việt Nam giành được tại kỳ đại hội này. Đáng chú ý, cô gái quê Bắc Giang đã vượt qua những bất cập, khó khăn về lịch thi đấu để giành 2 HCV chỉ trong 20 phút gây chấn động khu vực. Đây là thành quả của những nỗ lực không biết mệt mỏi, không chỉ của riêng Oanh mà cả ban huấn luyện cũng như đoàn thể tao nước ta nói chung.
Dù chưa bao giờ xem nhẹ bất cứ đấu trường nào, tuy nhiên SEA Games lần này đôi lúc giống như một cuộc dạo chơi với Nguyễn Thị Oanh. Cô gái quê Bắc Giang vượt rất xa các đối thủ và chiến thắng một cách tuyệt đối. Những tấm huy chương giành được một lần nữa cho thấy đẳng cấp của Oanh đã vượt ra khỏi "tầm khu vực". Điều này cũng được các đồng nghiệp nữ của cô ở bộ môn bóng đá khẳng định lại một lần nữa với chức vô địch SEA Games lần thứ 4 liên tiếp.
Đặc biệt tại kỳ đại hội lần này, thể thao Việt Nam đã có bước tiến đáng kinh ngạc khi giành ngôi nhất toàn đoàn trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32. Đây cũng là kỳ Đại hội thứ 3 liên tiếp mà Việt Nam đứng trên cường quốc thể thao của Đông Nam Á, Thái Lan.
Không chỉ những xét về thành tích chung mà những môn thi Olympic của thể thao Việt Nam cũng đạt được những thành tích quan trọng. Trong tương quan so sánh với những quốc gia có nền thể thao hàng đầu như Thái Lan, Singapore... thì tại kỳ đại hội này chúng ta đã có nhiều tiến bộ ở những nội dung thi đấu quan trọng. Từng bước áp sát, cạnh tranh và học hỏi... đó là những gì mà các VĐV Việt Nam thể hiện trong suốt kỳ đại hội. Không chỉ đơn thuần thi đấu mà đây còn là môi trường học tập, cọ xát lý tưởng của VĐV cũng như các nhà quản lý chuẩn bị cho những giải đấu lớn hơn mà trước mắt là ASIAD 19.
Cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt cường quốc thể thao số 1 Đông Nam Á ở những môn/nội dung góp mặt tại Olympic nhờ việc đồng đều từ điền kinh, bơi, các thế mạnh về môn võ, đấu kiếm, cử tạ...
SEA Games 32 không chỉ là kỳ đại hội thành công về mặt thành tích mà còn là môi trường lý tưởng để mài giũa tài năng cho một thế hệ VĐV trẻ của thể thao Việt Nam. Tại kỳ đại hội này, 2 VĐV trẻ nhất của đoàn thể thao Việt Nam đều đã giành được huy chương dù cho mục tiêu ban đầu là cọ xát, học hỏi kinh nghiệm. Thế nhưng sức trẻ cùng bản lĩnh đến kinh ngạc của Nguyễn Thúy Hiền (14 tuổi - HCĐ môn bơi lội), Lê Khánh Hưng (15 tuổi - HCV môn golf)... Đặc biệt, 2 tay vợt trẻ Trần Mai Ngọc và Đinh Anh Hoàng (bóng bàn) đã tái lập thành tích sau 26 năm chờ đợi kể từ kỳ SEA Games 1997...
Những thành tích này được giới chuyên môn nhận định vô cùng quý giá, bởi tấm các VĐV này đang ở độ tuổi khá trẻ, còn cả chẳng đường dài phía trước để mài giũa, nâng cao trình độ chuyên môn. Chính điều này đã mang đến cho người hâm mộ cũng như những người làm quản lý thêm những hy vọng mới về một thế hệ VĐV tài năng trong tương lai.
Ngoài ra, kỳ đại hội này cũng chứng kiến những chiến thắng lịch sử của thể thao Việt Nam tại các môn như bóng rổ 3x3, bóng bàn đôi nam nữ...
Họ đã tạo nên nhiều dấu ấn tại đại hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và tạo động lực cho thế hệ VĐV trẻ noi theo.
Thành công của mỗi một môn thi đấu tại kỳ đại hội năm nay đến từ sự tự tin của các VĐV; là sức trẻ và bản lĩnh đến kinh ngạc; là kinh nghiệm thi đấu dày dặn; là nỗ lực không ngừng để vượt qua giới hạn của bản thân... Dù vẫn còn thi đấu chưa thật sự tốt ở nhiều môn, nhưng với những gì tích lũy được qua giải đấu lần này là một điều đáng quý với tất cả. Kinh nghiệm với các vận động viên và những bài học mang tính chiến thuật với ban huấn luyện sẽ còn theo chúng ta tới những thành công trong tương lai.
Bên cạnh đó, tinh thần thể thao mà các VĐV Việt Nam mang lại cũng là điều để lại ấn tượng đối với người hâm mộ khu vực. Các VĐV đã lan toả, truyền cảm hứng về lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm, không lùi bước, không từ bỏ trước mọi khó khăn. Đặc biệt là các nữ VĐV đã miệt mài, vượt khó khổ luyện, thi đấu kiên cường để tỏa sáng mang vinh quang về cho đất nước.
Dù đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games và vượt qua Thái Lan về số HCV các môn/nội dung thi đấu ở Olympic, thế nhưng điều này không có nghĩa là thể thao Việt Nam đã vọt lên vị trí số 1 Đông Nam Á. Đặc biệt tại kỳ đại hội năm nay, nhiều môn/nội dung thi đấu Olympic đã bị cắt bỏ lại càng không thể phản ánh hết thành tích của các quốc gia. Đặc biệt là Thái lan - cường quốc thể thao số 1 Đông Nam Á.
Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là thành tích 2 môn thế mạnh (cũng là 2 môn cơ bản tại Olympic và Asiad) của thể thao Việt Nam là điền kinh và bơi lội tại đại hội năm nay khi cả 2 môn đều không hoàn thành chỉ tiêu huy chương.
Đội điền kinh bị sụt giảm đến 10 HCV so với SEA Games 31 và để cho Thái Lan vượt mặt. Trong khi đó bơi lội chỉ giành được 7 HCV so với 11 HCV ở SEA Games 31 và còn rất lâu mới có thể cạnh tranh được thành tích của tuyển Singapore. Đặc biệt, chỉ số chuyên môn của các VĐV hàng đầu như kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh không cao, thậm chí còn kém rất xa thành tích giành huy chương tại Asiad, trong khi chỉ còn bốn tháng nữa Đại hội thể thao châu Á sẽ diễn ra.
Chính vì vậy những thành công hay thất bại ở SEA Games 32 sẽ là bước đệm quan trọng để các VĐV cũng như BHL và các nhà chuyên môn chuẩn bị cho sân chơi châu lục vào tháng 9 tới.