Một số đội bóng V.League như Sài Gòn FC, CLB TP.HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng, SLNA, Nam Định, và một vài đội bóng ở hạng Nhất như Sanna Khánh Hòa, đều chưa vội tính đến chuyện giảm chi tiêu trong mùa dịch Covid-19. Đặc biệt là với vấn đề lương của cầu thủ.
Quan điểm của các đội có chung một ý rằng: Hiện chưa bàn về chuyện giảm lương. Nhưng nếu dịch Covid-19 tiếp tục khó lường, khiến V.League cũng như giải hạng Nhất 2020 kéo dài thời gian tạm hoãn qua mốc cuối tháng 4, thì lúc đó, ban lãnh đạo đội sẽ ngồi lại với cầu thủ để cùng nhau có được tiếng nói chung.
GĐKT đội Nam Định - ông Nguyễn Văn Sỹ cho biết: "Nếu tình hình nghỉ thi đấu mà kéo dài thì chắc ban lãnh đạo cũng phải ngồi lại với cầu thủ, trao đổi và chia sẻ với nhau. Hiện tại chưa có vấn đề gì. Mấy năm trước khi đội chưa có bản doanh và phải thuê khách sạn bên ngoài thì đúng là cần tính toán thật".
Việc "xả trại" của CLB TP.HCM cũng giúp đội bóng giảm bớt một khoản chi tiêu trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành. Nơi ở của đội hiện chỉ có những ngoại binh và một ít cầu thủ nhà xa.
Mặt khác, chuyện giảm lương cầu thủ tại V.League cũng cần có sự thống nhất rõ ràng về cách thức chung của các đội bóng.
Chủ tịch kiêm HLV trưởng Sài Gòn FC - ông Vũ Tiến Thành chia sẻ quan điểm: "Cơ bản thì đội đã chuẩn bị khả năng tài chính trọn vẹn cả mùa giải trong mức ổn rồi, nên chúng tôi chưa tính đến chuyện giảm lương cầu thủ. Nếu phải tính thì tùy thuộc vào thỏa thuận với cầu thủ và cũng cần phải theo dõi xem các đội khác như thế nào nữa".
Tổng giám đốc CTCP bóng đá SLNA - ông Nguyễn Hồng Thanh cũng chung nhận định: "Kêu gọi cầu thủ thông cảm và chia sẻ cùng đội, thì cũng cần phải có một phương án được áp dụng cho cả giải đấu. Vì vấn đề này còn liên quan đến pháp lý, quy định hợp đồng".
Việc cần phải có cách thức chung trong vấn đề giảm lương cầu thủ, là điều cũng đang khiến bóng đá châu Âu khó xử chứ không riêng gì bóng đá Việt Nam. Đơn cử như trường hợp của Barcelona đang không tìm được tiếng nói chung với các cầu thủ khi đề nghị cắt 70% lương. Hay như FC Sion của Thụy Sỹ đã phải sa thải một lúc 9 cầu thủ vì không chấp nhận san sẻ gánh nặng tài chính với đội bóng.
CLB SLNA chờ một phương án áp dụng cho các đội V.League.
Trong khi đó, ở Đức, Dortmund đã đạt được thỏa thuận giảm 20% mức lương của các cầu thủ và trong trường hợp giải đấu tiếp tục mà không có khán giả thì sẽ là 10%. Cũng với mức giảm 20%, ban lãnh đạo Bayern Munich đã thống nhất được với các trụ cột.
Một phương án khác ở Anh, Birmingham City là CLB đầu tiên trong hệ thống các giải hàng đầu đưa ra tuyên bố, những cầu thủ có mức thu nhập từ 6.000 bảng/tuần trở lên sẽ bị giảm ít nhất 50% tiền lương.
Hôm 26/3 vừa qua, FIFA cũng đã có những đề xuất cho kịch bản giảm lương cầu thủ, cụ thể: Gia hạn hợp đồng cho tất cả các cầu thủ đến thời điểm mùa giải mới (2020-21) thay vì ở mốc 30/6 (kết thúc mùa giải 2019-20), vì chưa rõ giải đấu có thể kết thúc vào thời điểm đó hay không; kéo dài thời gian chuyển nhượng; xử phạt khi đơn phương sa thải cầu thủ và HLV;...
Dịch Covid-19 đang tàn phá không chỉ riêng bóng đá mà còn là nhiều ngành nghề khác, ở nhiều nơi trên thế giới. Chính vì thế, những kế hoạch đảm bảo "sức khỏe" cho các nền bóng đá, giải đấu, đội bóng, cầu thủ,... là điều cần phải tính đến, dù cho kịch bản chắc chắn được mong chờ nhất là sự kết thúc của đại dịch.
Bạn nên quan tâm