Nhật Bản là 1 trong 3 đội giành 9 điểm tuyệt đối sau chiến dịch vòng bảng. Nhưng khác với màn trình diễn thuyết phục của Hàn Quốc và Qatar (cả 2 đội đều không nhận bàn thua nào), những chiến binh samurai phải rất vất vả mới gặt hái được thành tích này.
3 đối thủ Turkmenistan, Oman và Uzbekistan trên lý thuyết không thể sánh bằng Nhật Bản. Nhưng dù được đánh giá cao hơn hẳn những đội tuyển còn lại, đoàn quân của ông Hajime Moriyasu chỉ giành được những chiến thắng với cách biệt tối thiểu. Họ vượt qua Turkmenistan với tỉ số 3-2, đánh bại Oman 1-0 trong bối cảnh một cầu thủ phải dùng tay chơi bóng trước khi vượt qua Uzbekistan 2-1.
Màn trình diễn đó chưa đủ để khiến người hâm mộ yên tâm và giới chuyên môn đánh giá cao Nhật Bản, khi Hàn Quốc và Qatar vẫn đang thắng như "chẻ tre". Nhưng có một sự thật là khi các đối thủ cạnh tranh cho ngôi vô địch đã dần lộ hết bài, người ta vẫn chưa biết Nhật Bản sẽ lựa chọn lối chơi gì trong chặng đường còn lại của giải đấu.
Sự bí hiểm của Nhật Bản khiến thầy Park đến tận nơi xem họ đánh bại Saudi Arabia. Ảnh: Hiếu Lương.
Nhìn lại màn trình diễn của Nhật Bản ở vòng bảng, họ sở hữu những thông số vượt trội hơn Turkmenistan và Oman, từ dứt điểm, kiểm soát bóng cho đến khả năng chuyền bóng chính xác. Tuy nhiên, lối chơi tấn công đó chỉ là một trong những bộ mặt của Nhật Bản tại giải đấu năm nay.
Trong trận cuối cùng của vòng bảng và màn đọ sức tại vòng 1/8, CĐV không còn nhận ra Nhật Bản hoa mỹ. Thay vào đó, họ thể hiện một sự lỳ lợm đến đáng sợ, chủ động nhường quyền kiểm soát bóng cho đối thủ trước khi tung ra những "cú đấm" quyết định.
Trận đấu với Saudi Arabia là ví dụ điển hình cho bộ mặt hoàn toàn khác của Nhật Bản tại giải đấu năm nay. Saudi Arabia thường xuyên chơi chuyền ngắn, kiểm soát thế trận ở Asian Cup năm nay nhưng việc Nhật Bản để họ cầm bóng 70% thì thật khó tin. Ấy vậy mà một thế trận nghiêng hẳn về đại diện Tây Á đã diễn ra trên sân Al-Sharjah ngày hôm qua.
Chì cần một pha bóng như thế này người Nhật đã kết thúc trận đấu.
Người Nhật chủ động nhường Saudi Arabia đan bóng nhưng cho phép đối thủ dứt điểm lại là một chuyện khác. Trong cả trận, các học trò của ông Pizzi chuyền rất nhiều nhưng cứ đến gần hàng phòng ngự của đối thủ thì lại phải đưa bóng về hoặc ra 2 biên. Họ tung ra 15 cú sút "hú họa", gấp 3 lần Nhật Bản, nhưng không đem về chút hiệu quả nào.
Trong khi đó, một tình huống phạt góc là đủ để người Nhật ghi bàn ấn định tỉ số trận đấu. Ngoài tình huống chớp nhoáng đó, các học trò của ông Moriyasu còn nhiều lần thể hiện khả năng bứt tốc quãng ngắn. Chỉ cần một tình huống phất bóng từ hàng tiền vệ và chính thủ môn, Yoshinori Muto đã có cơ hội gây khó khăn cho hàng phòng ngự của Saudi Arabia.
Đấy là chưa kể đến Nhật Bản trong trận đấu vòng 1/8 còn cất trên băng ghế dự bị tiền đạo Yuya Osako (đã ghi 2 bàn tại giải năm nay) và tiền vệ kỳ cựu Takashi Inui, chuyên gia của những đường chuyền dài xé toang hàng phòng ngự của đối phương. Trong chiến dịch vòng bảng, ông Moriyasu đã dùng tới 24 cầu thủ, 2 chiến thuật hoàn toàn khác nhau. Vì vậy thật khó để xác định lối chơi và đội hình mạnh nhất của họ là gì.
Nhật Bản tại Asian Cup 2019 không còn những cầu thủ tấn công xuất sắc như tại World Cup 2018. Shinji Kagawa, Okazaki xuống phong độ rồi đến Keisuke Honda từ giã ĐTQG, sự thiếu vắng này khiến sức mạnh tấn công của họ giảm đi đáng kể. Nhưng để thắng Nhật Bản, điều mà thầy Park cùng các cầu thủ Việt Nam nên quan tâm hàng đầu là cách xuyên phá hàng phòng ngự của họ.
Công Phượng, Quang Hải sẽ có cơ hội đối đầu với Maya Yoshida, trung vệ đẳng cấp Premier League thuộc biên chế CLB Southampton. Những cầu thủ còn lại trong hàng hậu vệ 4 người của Nhật Bản cũng đều đang thi đấu ở châu Âu.
Xét về kinh nghiệm, đẳng cấp và thể hình, cầu thủ tấn công Việt Nam thua thiệt hoàn toàn so với đối thủ. Nhưng thi đấu tại Asian Cup đồng nghĩa với việc chúng ta đã chấp nhận điều đó và hàng phòng ngự của Nhật Bản không phải không có điểm yếu có thể khai thác.
Nhật Bản tuy mạnh nhưng không phải bất khả chiến bại.
Nhật Bản đã để lọt lưới 3 lần trong chiến dịch vòng bảng, 2 trong số đó đến từ một kịch bản khá giống nhau (bàn còn lại từ chấm phạt đền). Đó là cú sút xa từ khoảng cách 35 mét của tiền vệ người Turkmenistan, Arslanmyrat Amanow và pha solo đi bóng ghi bàn tuyệt vời của tiền đạo người Uzbekistan, Eldor Shomurodov. 2 bàn thắng này đều có một điểm chung, đó là sự bất ngờ.
Chẳng ai tin một tiền đạo cao 1m90 như Shomurodov lại có thể đi bóng tốc độ, kỹ thuật như vậy. Cũng không ai ngờ cầu thủ Amanow của Turkmenistan có khả năng sút xa hoàn hảo đến vậy.
Một điều đáng chú ý khác là Nhật Bản luôn là đội để thua trước trong những lần đối đầu với Turkmenistan và Uzbekistan. Có nghĩa rằng hàng phòng ngự của họ sẽ trở nên thiếu tập trung khi bóng còn cách xa khung thành, đặc biệt trong hiệp một (2 bàn thua của Nhật Bản đến từ phút 26 và 40).
Như vậy trên lý thuyết, Việt Nam là đội tuyển có thể khiến Nhật Bản phải ôm hận tại giải đấu năm nay. Trong trận đấu với Jordan, các tiền vệ của chúng ta thường xuyên tung ra những cú sút xa gây rất nhiều khó khăn cho đối thủ. Những ngôi sao như Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức cũng có thừa khả năng tạo ra đột biến nhờ kỹ thuật vốn có.
Hơn nữa, Việt Nam còn được nghỉ nhiều hơn Nhật Bản một ngày. Những lợi thế tưởng chừng như rất nhỏ nhoi đó sẽ trở nên đặc biệt quan trọng trong những giải đấu như thế này. Chỉ cần xây dựng một hàng phòng ngự chắc chắn, sẵn sàng cho những pha phản công và chờ đợi vào sự đột biến, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tạo nên bất ngờ trước Nhật Bản.
Bạn nên quan tâm