U22 Việt Nam vào bán kết với vị trí nhì bảng B. Điều này đẩy HLV Philippe Troussier và các học trò đến trước thử thách khó mang tên U22 Indonesia. Đây là thử thách thực sự đầu tiên của U22 Việt Nam trong hành trình ở SEA Games 32.
Những đối thủ của U22 Việt Nam ở vòng bảng hoặc là dưới tầm, hoặc không có động lực tung hết sức. U22 Lào, U22 Singapore và U22 Malaysia đều không được đánh giá cao bằng U22 Việt Nam. Trong khi đó, U22 Thái Lan đối đầu thầy trò HLV Troussier khi cả 2 đội đều chắc suất vào bán kết.
Trận đấu với U22 Indonesia là câu chuyện hoàn toàn khác. Đội tuyển xứ vạn đảo mạnh vượt trội ở bảng A. Họ không mất nhiều sức để toàn thắng trước U22 Campuchia, U22 Timor Leste, U22 Philippines và U22 Myanmar (chỉ thủng lưới một lần).
Thêm vào đó, U22 Indonesia được nghỉ nhiều hơn U22 Việt Nam một ngày. Ở giải đấu có mật độ thi đấu dày như SEA Games, đó là lợi thế đáng kể.
So với U22 Việt Nam, điểm mạnh của U22 Indonesia là sự chuẩn bị tốt hơn. Thế hệ chủ lực của U22 Indonesia là lực lượng được đầu tư để dự World Cup U20 vào năm 2021. Giải đấu bị hủy do dịch COVID-19 nhưng các cầu thủ trẻ xứ vạn đảo vẫn được đặt trong lộ trình phát triển tốt. Họ được thi đấu nhiều giải trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, với U22 Việt Nam, mỗi trận đấu ở vòng bảng cũng chính là những buổi tập. HLV Troussier và các học trò tận dụng tốt khoảng thời gian này để chạy đà cho vòng bán kết. U22 Việt Nam còn nhiều thiếu sót nhưng màn thế hiện của Phan Tuấn Tài và đồng đội tốt hơn qua từng trận.
Hiệp 2 trận đấu với U22 Thái Lan cho thấy U22 Việt Nam có thể chạm tới mức nào trong việc vận hành lối chơi theo ý tưởng của HLV Troussier. Dù không phải đội hình mạnh nhất, U22 Việt Nam vẫn đủ sức kiểm soát bóng, chơi áp đặt và tạo ra những cơ hội.
Chạm trán U22 Indonesia, U22 Việt Nam phải làm tốt hơn như vậy, duy trì sự kiểm soát lâu hơn. Mặt khác, ông Troussier cũng cần có tính toán thể lực hợp lý trong trận đấu, bởi trong mọi trường hợp đua sức, U22 Indonesia đều chiếm ưu thế.