Sao trẻ U22 Việt nam trải lòng về sự nghiệp, khoảnh khắc "thoát chết" đáng nhớ.
Chúng tôi hẹn gặp Thiện Đức vào buổi sáng sau buổi tập cuối cùng của anh tại U22 Việt Nam. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được ở Thiện Đức là anh quá ngoan và "lành" như cái tên của mình vậy. Chàng trai gốc Bình Dương trưởng thành và điềm đạm hơn nhiều so với những chàng trai khác cùng độ tuổi. Có lẽ vì thế mà Thiện Đức mới có được sự kiên nhẫn và lì lợm để có thể vững vàng đứng dậy sau mỗi thất bại.
Con đường Thiện Đức đến với bóng đá không có quá nhiều điều đặc biệt. Bắt đầu từ những lần được bố đưa đi thi đấu ở các giải ở trường tiểu học, Thiện Đức lọt vào mắt xanh của các thầy ở đội bóng của huyện, rồi đến cấp tỉnh và đại diện cho Bình Dương thi đấu tại giải U13 toàn quốc khi học lớp 7. Tuy nhiên sau đó, Thiện Đức gặp muôn vàn khó khăn vì chấn thương đến vào những thời điểm quan trọng nhất.
Chặng đường "vô duyên’ với các giải trẻ
Phóng viên: Nhiều người biết đến Thiện Đức từ khá sớm, 17 tuổi đã chơi ở giải U21 quốc gia. Sự nghiệp của Thiện Đức cho đến giờ hẳn cũng thuận lợi phải không?
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi ở các giải trẻ đúng là VCK U21 quốc gia tổ chức ở Bình Dương năm 2017, thầy Minh Chiến là người dẫn dắt và tạo điều kiện cho tôi được góp mặt. Đấy là giải đầu tiên mình được thi đấu và cọ xát nhiều.
Thật ra trước đó, tôi chấn thương nhiều lắm, không phải là những chấn thương quá nặng nhưng đen đủi là cứ đến sát giải lại bị đau nên gần như không được đá giải nhiều. Lần phải nghỉ lâu nhất là mẻ xương bàn chân.
Hồi còn chơi ở các đội trẻ thì cũng lo lắng nhiều lắm, áp lực cạnh tranh phải tiến bộ, hoàn thiện bản thân. Điều lo lắng nhất là sợ cá nhân mình làm không tốt, ảnh hưởng đến thành tích của đội. May là mình chưa bao giờ gặp phải vấn đề như thế.
Bố mẹ có bao giờ phản đối Thiện Đức theo bóng đá khi gặp nhiều khó khăn như vậy chưa?
Lúc đầu ba mẹ cũng không cho theo đá bóng đâu, chỉ bắt học thôi nhưng thấy em đam mê quá thì cũng chấp nhận rồi ủng hộ. Ba là người đầu tiên đưa em đi đá bóng ở các giải của trường, lúc ấy mẹ cũng không ủng hộ lắm, muốn mình lo học thôi nhưng rồi cũng đồng ý là vừa lo học vừa lo chơi.
Không chỉ ở các đội trẻ của Bình Dương mà dường như Thiện Đức cũng gặp nhiều khó khăn ở các đội tuyển U19 và U22 Việt Nam khi không thành công ở các giải khu vực và châu lục. Sau những thất bại đó, Đức cảm thấy như thế nào?
Ở VCK U19 châu Á 2018, khi bị loại sau vòng bảng, toàn đội thực sự rất buồn và áp lực vì đã làm không tốt, khiến NHM thất vọng. Nhưng đó là bài học để tất cả cùng cố gắng hơn, phải biết mình đang ở đâu, phải làm gì.
Còn ở giải U22 Đông Nam Á tại Campuchia, anh em ai cũng cố hết sức rồi nhưng mà may mắn không đến nên chỉ được huy chương đồng. Thực sự thì tôi cũng không có tiếc nuối gì ở giải đấu đó cả vì đã làm mọi thứ có thể rồi.
Cũng tại Indonesia nhưng là ở giải vô địch U19 Đông Nam Á, tôi có ấn tượng đặc biệt với đội chủ nhà. Đó là lần đầu tiên mình được chơi trên sân có nhiều khán giả như thế. CĐV Indonesia rất đông và tạo ra áp lực vô cùng lớn. Kết quả đội thua 1-0 nhưng vẫn đáng nhớ. Cảm giác vừa áp lực, vừa phấn khích. Càng đông khán giả thì mình càng muốn thể hiện tốt hơn.
Khi bị so sánh với các đàn anh thì mình cũng chấp nhận và thấy bình thường thôi. Trong bóng đá mọi người đều phải cố gắng hơn để hoàn thiện bản thân.
Sau mỗi thất bại, Đức thường tâm sự với ai?
Tôi thường tâm sự với bố mẹ thôi. Chia sẻ làm như này chưa tốt, nhờ mẹ nhận xét. Bố mẹ là những người luôn ở bên động viên, khuyên mình tập trung cố gắng để trau dồi.
Ấn tượng về lần "thoát chết may mắn" và mục tiêu SEA Games 2021
Chặng đường đến với đội một của Bình Dương của Thiện Đức diễn ra như thế nào? Mọi chuyện có đến quá nhanh không?
Bắt đầu từ VCK U21 tổ chức ở Bình Dương, do thầy Minh Chiến dẫn dắt. Hồi đó cũng tranh vị trí với một anh ở Quảng Ninh được đưa về. Năm ấy đội được hạng 3 (2017) sau giải ấy được thầy Chiến gọi đi U21 quốc tế Cần Thơ thi đấu cho U19 Việt Nam rồi khi về Bình Dương được đôn lên đội một luôn.
Cảm giác khi được lên đội một rất vui và lo lắng vì đó là môi trường mới, còn lạ lẫm. Lúc mới lên đội một, may là các anh đều rất ưa các em trẻ. Em thì nói chuyện với tất cả mọi người, ai cũng bắt chuyện được hết. Các anh đều rất tốt.
Thầy Trần Minh Chiến là người tôi biết ơn nhiều nhất. lần đầu gặp nhau nhưng thầy vẫn tin tưởng, trao cho mình cơ hội, giúp mình được thi đấu ở nhiều nơi và nhiều giải. Thầy cũng mắng mình nhiều lắm, mắng vì cái gì giờ cũng không nhớ vì nhiều quá. Điều đó giúp tôi tiến bộ hơn nhiều.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Thiện Đức tại V.League có lẽ là… tai nạn trên sân Gò Đậu ở mùa giải năm ngoái phải không?
Đó là trận đấu với Hà Nội FC. Khi đó mình còn non kinh nghiệm và tham bóng quá nên dẫn đến tình huống đó. May mắn là được thầy Duy Lân (trọng tài), anh Thành Lương cũng như các anh em hỗ trợ sơ cứu. Mình cảm thấy may mắn vì thoát chết trong gang tấc.
Bác sĩ nói với tôi đó là tình huống nguy hiểm, bị va đập mạnh, móp hộp sọ, bất tỉnh, co giật. Khi mới ngã mình vẫn nhận thức được xung quanh nhưng cảm giác bất lực, không thể làm gì khác được. Cố mở mắt ra, tự nhủ là không được ngất nhưng rồi cứ lịm đi.
Sau đó, gia đình và bố mẹ cũng nhắn cảm ơn chú Lân nhiều lắm. Mỗi lần gặp lại, tôi đều tới trò chuyện và nói cảm ơn với thầy Lân. Sau sự việc như thế tôi tự cảm thấy mình may mắn và cần phải cẩn trọng hơn khi thi đấu để tránh sự việc đáng tiếc.
Mục tiêu của Thiện Đức thời gian tới là gì?
Tôi sẽ cố gắng để có suất đá chính thường xuyên hơn ở CLB và phấn đấu nằm trong danh sách dự SEA Games 2021.
Thiện Đức sẽ phải cạnh tranh với Văn Hậu, nếu bạn ấy được HLV Park triệu tập. Đức nghĩ thế nào về thử thách này?
Tôi cũng đã nghĩ đến việc này rồi. Từ trước đến nay tôi chưa có cơ hội được tập luyện với Hậu dù đã 3 lần làm việc với HLV Park nhưng tôi cũng xem bạn ấy thi đấu nhiều rồi. Cậu ấy là hình tượng để mình nhìn vào và học hỏi theo.
Xin cảm ơn Thiện Đức về cuộc trò chuyện này.
Bạn nên quan tâm