1. Một chớp mắt quá ngắn để có thể làm bất cứ điều gì. Nhưng đôi khi, nó đủ cho một anh hùng được tạo ra.
Đó là phút 90+1 ở Rizal Memorial, Đức Chiến treo bóng vào khu cấm địa trong nỗ lực tìm kiếm chiến thắng thay vì kết quả hòa. Nhưng nó dễ dàng bị các hậu vệ Indonesia đánh bật trở ra.
Có lẽ niềm hy vọng đã hết. Có lẽ U22 Việt Nam sẽ rời sân với kết quả hòa. Và có lẽ, giấc mộng lấy Vàng SEA Games không còn chắc chắn.
Không ai khi ấy để ý Nguyễn Hoàng Đức. Tiền vệ người Hải Dương như thể con sư tử giấu mình trong bụi cỏ. Và chờ đợi. Rồi trong khoảnh khắc khi bóng dội ra, lao đến và tung đòn kết liễu nhanh như chớp giật. Một tuyệt phẩm hoàn hảo ở mọi khía cạnh mà bất kỳ cầu thủ nào cũng mơ ước được thực hiện một lần trong đời.
Vậy mà Hoàng Đức, trong trường hợp U22 Việt Nam đoạt Huy chương Vàng SEA Games 30 chắc chắn sẽ là người hùng số một với bàn thắng bằng vàng vào lưới Indonesia, lại nói tỉnh bơ, rằng nó là kết quả của sự tình cờ. "Sau khi đỡ bóng, thấy thuận lợi là sút ngay chứ không nghĩ nó sẽ thành bàn", anh chia sẻ sau trận đấu. Để nhấn mạnh điều này, Đức cũng nói thêm, màn ăn mừng đơn giản chỉ là làm bừa, thay vì được tính toán từ trước.
2. Hẳn nhiều người đã đôi lần tự hỏi, làm thế nào Hải Dương, tỉnh chưa từng sở hữu một CLB chuyên nghiệp, lại sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá đến vậy, từ Văn Toàn, Văn Thanh, Đức Huy đến Tiến Linh, Trọng Đại và bây giờ là Hoàng Đức?
Rất khó để có được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng nếu bắt buộc phải chỉ ra một lý do nào đó, có thể xuất phát từ sự vô tư của người dân nơi đây. Họ không tham vọng để tự tạo áp lực cho mình bằng những mục tiêu cao, càng không chuẩn bị trước cho một tương lai ghê gớm mà họ sẽ trở thành. Đơn giản là họ cứ bước đi, rồi mọi chuyện sẽ đến một cách tự nhiên
Câu chuyện của Hoàng Đức là một điển hình. Khi các phóng viên Sport5 thăm nhà Hoàng Đức, vào buổi sáng ngay sau khi tiền vệ khoác áo số 14 ghi bàn vào lưới Indonesia, được bố mẹ anh kể rằng gia đình không có truyền thống bóng đá. Vậy mà bỗng đâu "nảy nòi" ra cậu nhóc từ 5 tuổi đã có niềm đam mê với trái bóng tròn, để rồi hàng ngày tiết kiệm từng nghìn để mua bóng nhựa, sau đó ra ngoài ngõ và chơi với những đứa trẻ lớn tuổi hơn.
Thường thì các bậc phụ huynh luôn muốn con mình học hành giỏi giang và coi việc học là số một. Nhưng bố mẹ Đức thì khác. "Thời gian đầu tập bóng ở trung tâm, Đức từ học sinh giỏi xuống thành tiên tiến. Con đã muốn bỏ", mẹ Đức kể, "Nhưng sau được các chú bác động viên, Đức lại tập trở lại, nói ‘khi nào thày đuổi con mới thôi’. Và gia đình cũng không quan tâm đến ‘giỏi’ hay ‘tiên tiến’ nữa".
Đến khi Đức dần gắn bó với trái bóng và bắt đầu gặt hái thành công ở các giải trẻ, vẫn không ai nghĩ rằng rồi nó sẽ mở ra tương lai xán lạn. Chẳng thế mà sau các chiến tích ở giải trẻ, như lần vô địch giải U11 Yamaha, Đức ghi dấu ấn với bàn thắng bằng chân trái, không ai trong nhà nghĩ đến chuyện lưu giữ Huy chương.
"Các em trong họ đến nhà chơi, thích lắm, thế là cho mỗi đứa một cái đeo về. Ngày ấy thấy con chơi vui, đá tốt là mừng, đâu có nghĩ xa xôi", bố Đức nói.
3. Thuộc thế hệ những người từng lăn lộn trong giai đoạn Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, bố mẹ Đức hiểu rõ được sự nghiệt ngã của nghiệp quần đùi áo số. Nhưng họ cho phép con tự do theo đuổi đam mê, chấp nhận con phải xa nhà từ năm 10 tuổi, và sẵn sàng đồng hành với con ở mọi giải đấu. Điều duy nhất bố mẹ Đức muốn cậu con trai luôn tâm niệm, đó là phải "tránh xa mọi cám dỗ và nhất nhất nghe lời các thầy".
Cho đến nay, chàng trai 21 tuổi Hoàng Đức chưa một lần khiến bố mẹ thất vọng. Đó vẫn là cậu nhóc hiền lành, khiêm tốn và cầu tiến.
Cho đến nay những người ở Trung tâm Viettel vẫn kể về câu chuyện vươn lên của Đức. Số là Đức từng bị cho là không đủ tốt để tiếp tục gắn bó với đội. Anh đã xin ở lại Trung tâm và kiên trì tập luyện. Rồi một ngày, đội thiếu người. Cực chẳng đã, HLV gọi anh vào chỉ để đủ quân số. Thật không ngờ, Đức không những chơi hay, mà còn trở thành cầu thủ xuất sắc nhất giải U17. Kể từ đó, Hoàng Đức không bao giờ nhìn lại phía sau.
Vào đầu năm nay, cái tên Nguyễn Hoàng Đức được biết đến rộng rãi sau bàn thắng ghi được vào lưới U23 Thái Lan, giúp Việt Nam lọt vào VCK U23 châu Á 2020. Sau đó các phóng viên Sport5 đã ghé qua Trung tâm đào tạo Viettel để gặp anh.
Thật không may, đầu giờ chiều hôm ấy Đức chuẩn bị bước vào cuộc họp đội vì thời gian tập sẽ đẩy sớm so với dự kiến. Bằng giọng nhỏ nhẹ với âm điệu đặc trưng Hải Dương, Đức nói "các anh thông cảm, em chỉ có thể ngồi nói chuyện vài phút thôi", sau đó ký tặng mấy tấm ảnh rồi chạy như bay về phòng họp.
Đức quá vô tư để không bao giờ đặt mục tiêu trở thành ngôi sao. Và đến lúc thành danh, cũng không coi mình là ngôi sao.
4. Chính bởi sự vô tư ấy, Đức ít khi dằn vặt vì những sai lầm, như tình huống bỏ lỡ cơ hội ghi bàn ở VCK U20 World Cup. Anh chỉ hướng về phía trước, luôn ra sân với cái đầu thông thoáng, qua đó giải phóng các ý tưởng và cho phép đôi chân nhảy múa. Không hề quá khí nói rằng, xem Đức chơi bóng luôn mang lại cảm giác thật sự thư giãn.
Và đó là lý do tiền vệ người Hải Dương làm nên một tuyệt tác ở Rizal Memorial.
Trong bối cảnh mà báo Thái mô tả, "Việt Nam vừa trốn thoát khỏi địa ngục" nhờ cú đánh đầu ngược của Thành Chung, tất cả đều chưa hoàn hồn khỏi nỗi sợ hãi thất bại. Người ta có thể thấy áp lực tâm lý ở nhiều cầu thủ Việt Nam. Họ bắt đầu nóng nảy để rồi cuốn theo những chiêu trò tiểu xảo của người Indo và thiếu đi sự chính xác thường thấy.
Hoàng Đức không để mình rơi vào trạng thái đó. Anh vẫn giữ được sự điềm tĩnh và chờ đợi cơ hội. Và khi bóng đến, bình tâm đánh giá tình hình, đẩy bóng thêm một nhịp để có được góc sút cùng tư thế thuận lợi trước khi tung ra cú dứt điểm sét đánh.
Rồi sau khi trở thành người hùng, Đức cười tươi nói rằng đó là phần thưởng của quyết định mang tính bản năng.
Sao cũng được. Dù bất cứ lý do gì, hãy cứ giữ sự vô tư đấy nhé Hoàng Đức, kể cả khi tất cả đều biết trong tương lai cậu còn tiến rất xa.
Bạn nên quan tâm