Sau buổi bốc thăm chiều 17/7, đội tuyển Việt Nam xác định được 4 đối thủ tại bảng G gồm UAE, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. 4 đội tuyển Đông Nam Á nằm chung một bảng đấu là điều không mấy ai dám nghĩ đến trước buổi bốc thăm nhưng lại thành sự thật theo một cách khó tin nhất.
Nghi vấn Ban tổ chức sử dụng "bóng nóng lạnh" một lần nữa được đưa ra. Giả thiết "bóng nóng lạnh" đã được đưa ra từ nhiều năm trước và được xem là một cách dàn xếp bốc thăm tinh vi. Theo đó, BTC các giải đấu sẽ sử dụng hai loại bóng có nhiệt độ "nóng" và "lạnh" chứa các lá thăm trước khi bốc vài chục phút. Người bốc thăm khi sờ vào bóng cảm nhận được nhiệt độ sẽ biết cần chọn trái bóng nào để đưa ra quyết định.
Nghi vấn "bóng nóng lạnh" khiến Việt Nam tái ngộ sớm với Thái Lan. Ảnh: Tiến Tuấn.
Giả thiết này vì thế được đưa ra về trường hợp bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ví dụ, các trái bóng chứa lá thăm của Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều là bóng "nóng" và như thế một bảng đấu toàn Đông Nam Á được hình thành.
Nhiều người bày tỏ sự hoài nghi có sự sắp đặt ở đây, đặc biệt Malaysia và Thái Lan là hai đối thủ lần lượt là bại tướng của Việt Nam ở chung kết AFF Cup 2018 và King’s Cup 2019. Cả Thái Lan và Malaysia đều đang rất khao khát đánh bại đội tuyển Việt Nam là vì thế. Chưa kể, buổi bốc thăm Vòng loại World Cup 2022 hôm nay được tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
Một chi tiết nữa là việc Việt Nam nằm ở nhóm hạt giống số 2 (có thể cho là đội yếu nhất nhóm 2) nhưng khoảng cách trình độ lại không chênh quá xa với Thái Lan (hạt giống số 3) hay Malaysia (hạt giống số 4). Với đội tuyển Indonesia, họ từng đả bại Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2016. Đồng thời, các đội tuyển ở Đông Nam Á có lợi thế dễ tìm hiểu thông tin của nhau hơn hẳn các khu vực khác.
Kết quả bốc thăm chia bảng vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: AFC.
Ở những lần gặp nhau gần đây, đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng nhưng đều với tỷ số sít sao, thậm chí có phần may mắn mà điều này thì không song hành mãi với một tập thể.
Điểm thuận lợi với đội tuyển Việt Nam có thể kể đến là việc đội hạt giống số 1 ở bảng đấu là UAE cũng không có tình độ nhỉnh hơn phần còn lại. Ở Asian Cup 2019, đội tuyển Thái Lan đã cầm hoà UAE 1-1 ở lượt trận cuối cùng vòng bảng. Ngoài ra, việc được chung bảng với 3 đội Đông Nam Á giúp Việt Nam không phải di chuyển xa, thích nghi với các múi giờ, điều kiện thời tiết.
Tổng hợp lại những chi tiết để thấy, việc đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng G không hẳn là niềm vui mà đây đã hoá thành AFF Cup thu nhỏ, một bảng tử thần. Bảng G vì thế không hề dễ chịu với thầy trò HLV Park Hang-seo. Một bảng đấu vô cùng khó đoán và sẽ không có những phút thi đấu hiệp phụ hay loạt luân lưu để thầy Park cùng các học trò đặt niềm tin mà bứt lên nữa. Tất cả chỉ diễn ra trong 90 phút mà thôi.
Ảnh: Giang Nguyễn.
Vòng loại thứ hai World Cup 2022 gồm có 40 đội tuyển tranh tài chia làm 8 bảng đấu.
Sau vòng loại thứ 2, chỉ có 12 trong tổng số 40 đội có quyền lọt vào vòng loại thứ 3 bao gồm: 8 đội đầu bảng và 4 đội xếp thứ 2 có thành tích tốt nhất. Đây cũng chính là 12 đội tuyển chắc suất tham dự Asian Cup 2023. Vì thế, đây sẽ là một cuộc chiến vô cùng khốc liệt.
Theo quy định của FIFA, châu Á có 4,5 suất tham dự World Cup. Các đội lọt vào vòng loại thứ 3 sẽ chia làm 2 bảng, đá vòng tròn tính điểm. Các đội đứng nhất và nhì sẽ chắc suất tới World Cup 2022, hai đội xếp thứ 3 sẽ tham dự vòng play-off.
Bạn nên quan tâm