HLV Park Hang seo: "Tại sao phải sợ Thái Lan?".
Không dưới hai lần HLV Park Hang-seo nhấn mạnh đến thông tin "đội tuyển Việt Nam là nhà vô địch Đông Nam Á" trước khi đặt chân đến Thái Lan tham dự King’s Cup 2019.
HLV người Hàn Quốc nói rằng "Việt Nam không thể từ chối các đội tuyển khác trong đó có Thái Lan khi vị thế đang là nhà đương kim vô địch của khu vực". Trước truyền thông Thái Lan, ông lại nhấn mạnh rằng "Thái Lan là đội tuyển mạnh nhưng Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để trở thành nhà vô địch AFF Cup 2018".
Những câu nói ấy ngầm hiểu rằng đội tuyển Việt Nam đang đứng ở một vị thế khác vào thời điểm này, vị thế của một nhà vô địch, vị thế của người bị thách thức. Cảm giác ấy biến Việt Nam trở thành một điều gì đó khác biệt hơn so với tất cả những đối thủ ở Đông Nam Á thời điểm này.
Bóng đá Việt Nam đang là "gã khổng lồ" còn "những chú voi chiến" thì đang bị tổn thương lòng tự trọng ở Đông Nam Á.
Bóng đá Việt Nam kể từ ngày có HLV Park Hang-seo đã tiến những bước dài, phá bỏ những cột mốc trong lịch sử của cả Đông Nam Á. Câu chuyện ấy từng diễn ra tương tự với nền bóng đá Thái Lan giai đoạn 2013 – 2016 với thuyền trưởng Kiatisak Senamuang. Ngày ấy, Thái Lan là bất khả chiến bại ở khu vực.
Không biết từ khi nào, Việt Nam lấy Thái Lan như là thước đo cho sự phát triển của đội tuyển quốc gia và cả nền bóng đá, nhưng không đối chiếu, so sánh sao được khi "xứ sở chùa vàng" đích thực là ông vua về danh hiệu ở khu vực với 5 lần vô địch AFF Cup (trước đây là Tiger Cup), 16/30 lần giành HCV SEA Games. Con số ấy vĩ đại hơn nhiều với 2 lần vô địch AFF Cup của bóng đá Việt Nam.
Bên cạnh sự trầm trồ tán dương trong ngày thầy trò HLV Park Hang-seo đem về chức vô địch AFF Cup lần thứ hai, nhiều người vẫn canh cánh câu chuyện bóng đá Việt Nam lúc này liệu có mạnh hơn người Thái? Và rõ ràng cảm xúc đến từ chiến thắng trước Malaysia ở trận chung kết chưa thể so bì về độ hưng phấn với việc quật ngã Thái Lan cách đây 11 năm. Đó có thể là nỗi ám ảnh từ xa xưa nhưng khi cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Thái Lan được tạo nên ở King’s Cup 2019 vẫn buộc nhiều người phải háo hức là câu chuyện có thật.
Cuộc đấu này không chỉ là màn tỉ thí phân cao thấp giữa hai nền bóng đá phát triển có nền tảng căn cơ nhất khu vực mà còn là cuộc chiến cho danh xưng "nhà vua". Giai đoạn 2014 – 2016, khi nhiều người vẫn còn hoài nghi về sức mạnh của người Thái, họ lần lượt đánh bại Việt Nam lần lượt thắng 1-0 trên sân nhà, "đánh sập" Mỹ Đình bằng tỷ số 3-0 ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018. Khi ấy, bóng đá Việt Nam thừa nhận đứng sau người Thái nhưng lần này thì khác khi sức mạnh của đôi bên đã không còn quá chênh lệch.
Cuộc đối đầu giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan từ trước đến nay chưa bao giờ khiến người Việt Nam thôi háo hức. Ảnh: Tomyumball.
Cuộc đấu này cũng mang sứ mệnh thay đổi góc nhìn của hai nền bóng đá chứ không chỉ riêng đội tuyển quốc gia. Hai nền bóng đá không phải kẻ thù nhưng cũng chẳng là bạn thân nhưng cần có nhau để hoàn thiện và phát triển.
Bóng đá Việt Nam lúc nào cũng nhìn Thái Lan như một đối trọng, so sánh từ các đội tuyển quốc gia đến cả giải quốc nội và rõ ràng, Thai League là nơi V.League cần học hỏi rất nhiều trong cách thức tổ chức.
Với người Thái, họ từng phải xem lại bản thân sau một chuỗi khủng hoảng kéo dài 8 năm từ 2004 – 2012 khi không một lần vô địch Đông Nam Á. Đến năm 2018, chứng kiến những thành công vượt bậc của bóng đá Việt Nam dưới triều đại Park Hang-seo, thất bại 0-4 của đội tuyển U23, người Thái hiểu ra họ sống mòn với hai chức vô địch AFF Cup liên tiếp, với thế hệ Chanathip Songkrasin mà chẳng có thêm đột phá nào mới trên đấu trường châu lục.
Như Ronaldo và Messo, như Nike và Adidas, như Coca Cola với Pepsi, đơn giản là khó có thể phát triển vượt bậc nếu thiếu đi một đối trọng xứng tầm. Ở khu vực Đông Nam Á lúc này, Việt Nam và Thái Lan là cặp đấu như vậy, để "tiêu diệt" nhau và cũng để hoàn thiện lẫn nhau.
Lịch thi đấu King's Cup 2019. Đồ hoạ: Giang Nguyễn.
Bạn nên quan tâm