3 năm trước, VFF ký hợp đồng với Nguyễn Hữu Thắng. Việc nhà cầm quân xứ Nghệ trở thành HLV thứ 3 của ĐTQG Việt Nam kể từ năm 1997 (không tính các HLV tạm quyền) là sự kiện hot thời điểm ấy, và người ta đồn đoán ông sẽ nhận mức lương kỷ lục 200 triệu VNĐ (khoảng hơn 8.000 USD) mỗi tháng.
Nhưng rất nhanh chóng, VFF cải chính, rằng con số này không chính xác. Những nguồn tin sau đó cho biết, số tiền mà HLV Hữu Thắng nhận được, đâu đó khoảng 100 triệu, tức hơn 4.000 USD. Mức lương này tương đương với 2 HLV nội trước đó là Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc.
Vì hóa đơn tiền lương này khá khiêm tốn, VFF có thể tự đứng ra chỉ trả, thay vì cần đến sự trợ giúp của Tổng cục TDTT như với trường hợp HLV Toshiya Miura. Người tiền nhiệm của Hữu Thắng nhận mức lương 15.000 USD/tháng (khoảng 350 triệu VND), trong đó 10.000 do Tổng cục TDTT gánh.
Vậy nhiệm vụ được đặt ra với HLV Hữu Thắng là gì? Dĩ nhiên, không gì khác ngoài việc đưa Việt Nam đến ngôi vô địch AFF Cup 2016 và giành Huy chương Vàng SEA Games 29. Có nghĩa là, ngoài mức lương thấp hơn nhiều so với các HLV ngoại mà VFF từng bổ nhiệm, công việc và trách nhiệm, cũng như áp lực dành cho Hữu Thắng là tương đương.
Đó là lý do chiến lược gia xứ Nghệ đã phải từ chức, khi Việt Nam dừng chân ở bán kết AFF Cup 2016 và đội U23 bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 29. Thật dễ dàng để kết luận Hữu Thắng đã thất bại trong 17 tháng nắm các ĐTQG, và ông, cũng như những HLV nội khác "không đủ trình".
Không một ai đặt câu hỏi về sự thiệt thòi, hay thiếu công bằng mà Hữu Thắng phải chịu. Tại sao ông, hay HLV nội nói chung, luôn phải nhận mức lương thấp hơn các đồng nghiệp gắn mác ngoại?
Khoan hãy nói đến chuyện thành tích, bởi khi đàm phán và ký hợp đồng, tất cả đều cùng một xuất phát điểm. Thậm chí có HLV ngoại còn khá vô danh và không có thành tích gì nổi trội. Ví dụ như Miura, trước khi đến Việt Nam ông ta bị CLB Venforet Kofu sa thải ngay giữ mùa giải và một thời gian dài làm việc tư cách Bình luận viên.
HLV Miura, du không có nhiều thành tích nhưng cũng được trải thảm đỏ về Việt Nam với mức lương hậu hĩnh.
Hoặc Falko Goetz, trải qua 2 năm thất nghiệp sau khi bị đội bóng hạng 3 nước Đức là Holstein Kiel bãi nhiệm. Thế nhưng cả hai sau đó trở thành HLV hưởng mức lương cao thứ 2 và thứ 3 trong lịch sử bóng đá Việt, với Goetz 22.000 USD và Miura 15.000 USD như đã nói.
Khi Park Hang-seo đến Việt Nam vào năm 2017 để thay Hữu Thắng, HLV người Hàn Quốc lập tức trở thành người hưởng lương cao thứ 2, với 20.000 USD (hơn 460 triệu VND) mỗi tháng, chỉ sau Henrique Calisto (25.000 USD). Bây giờ, ông chuẩn bị thiết lập cột mốc mới, là HLV đầu tiên trong lịch sử đội tuyển có thu nhập chạm mốc 1 tỷ VND mỗi tháng (dự kiến từ 40.000-50.000 USD) nếu ký vào bản hợp đồng mới.
Dĩ nhiên, ông Park hoàn toàn xứng đáng với mức đãi ngộ này. Ông là người đưa Việt Nam lên một tầm cao mà có nằm mơ cũng không người Việt nào nghĩ tới, từ chiến tích Á quân U23 châu Á, tốp 4 ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, vào đến tứ kết Asian Cup 2019 và mới nhất, qua mặt Thái Lan để có mặt ở chung kết King’s Cup. Với chừng ấy chiến tích chói lọi, con số 1 tỷ/ 1 tháng vẫn còn quá rẻ, nếu nhìn vào mức lương của các HLV trong khu vực, hay những đề nghị béo bở mà Thái Lan hay Trung Quốc dành cho ông Park.
Tuy vậy, khi những nhà cầm quân nội như Hữu Thắng chỉ nhận 4.000 USD, không có nghĩa họ kém ông Park, người sẽ hưởng 40.000 USD (thậm chí nhiều hơn) tới 10 lần.
Hãy nhớ, lứa cầu thủ nòng cốt của ĐTQG hiện tại, những người trực tiếp làm nên các kỳ tích gồm Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Văn Toàn, Trần Đình Trọng, Lương Xuân Trường, Đặng Văn Lâm hay cậu út Đoàn Văn Hậu đều từng được Hữu Thắng chỉ bảo và tạo điều kiện lên tuyển. Chưa hết, trước khi họ hóa thành những chiến binh quả cảm dưới thời Park Hang-seo, chính Hữu Thắng là người tạo dựng nền tảng thông qua lối chơi máu lửa, hết mình và giàu ham muốn chiến thắng.
Một sự thật là các HLV nội luôn bị đánh giá thấp, qua đó nhận mức lương bèo bọt. Như năm 2008, HLV Lư Đình Tuấn khi đàm phán hợp đồng với CLB TP Hồ Chí Minh đã nói thẳng: "Làm thầy mà lương chỉ ngang cầu thủ làng nhàng trong đội thì nói ai nghe".
Nhìn ra thế giới sẽ thấy các HLV Việt Nam thiệt thòi thế nào. Trước đây HLV nổi tiếng Sir Alex Ferguson từng tuyên bố, không cầu thủ nào ở M.U được phép nhận lương nhiều hơn ông. Vào năm 2010, khi Wayne Rooney dọa rời Old Trafford nếu không nhận đủ 250.000 bảng mỗi tháng, chủ sở hữu đội bóng, Joel Glazer đã hỏi Sir Alex nên làm gì với trường hợp này. Ông thủng thẳng đáp: "Sao cũng được, miễn là tôi luôn là người nhận lương cao nhất". Và thế là, tăng lương cho Rooney cũng đồng nghĩa Sir Alex hưởng mức lương mới cao hơn.
Có lẽ đã đến lúc những chiến lược gia nội nên được đối xử công bằng, để sau ông Park, nếu ai đó quốc tịch Việt nắm đội tuyển, họ phải nhận được mức lương tương xứng. VFF không thể tiếp tục mức lương bèo bọt, trong khi vẫn áp các tiêu chuẩn cao dành cho HLV ngoại. Thật vô lý, phải không?
Bạn nên quan tâm