Rạng sáng 31/7 theo giờ Việt Nam, NBA mùa giải 2019/2020 đã chính thức quay trở lại với 2 trận đấu giữa Utah Jazz - New Orleans Pelicans và Los Angeles Lakers - Los Angeles Clippers.
Ở cả 2 trận đấu trên, cầu thủ các đội cùng BHL và tổ trọng tài đều có hành động quỳ gối khi bài hát quốc ca vang lên. Trong điều luật của NBA, điều này không được phép.
BHL cùng các cầu thủ và tổ trọng tài trong của trận Pelicans và Jazz.
Điều tương tự cũng diễn ra ở trong trận đấu giữa Lakers và Clippers.
Ngoài việc quỳ xuống trong khi quốc ca vang lên, các cầu thủ cả 4 đội hôm nay đều mặc lên mình chiếc áo phông với dòng chữ "Black Lives Matter". Kết hợp với khung cảnh trầm lắng trong khu nhà thi đấu tập trung, những cái khoác tay, những nắm đấm giơ lên phần nào cho thấy sự đồng lòng của các cầu thủ trong việc quyết tâm đấu tranh cho những bất công xã hội.
Phong trào quỳ gối khi hát quốc ca ở Mỹ được khởi xướng bởi các cầu thủ thuộc giải bóng bầu dục (NFL), nhằm phản đối những bất công xã hội mà người da màu đang phải gánh chịu trong xã hội Mỹ vào năm 2017.
Ở thời điểm hiện tại, phong trào đó được khởi xướng trở lại với tên gọi "Black Lives Matter" tạm dịch "Mạng sống người da màu cũng quan trọng" kể từ sau vụ việc George Floyd, một người đàn ông da màu bị cảnh sát Mỹ thực hiện hành vi áp chế sai cách dẫn tới tử vong.
Chia sẻ về án phạt dành cho các cầu thủ đã làm trái luật trong ngày mở màn NBA, Chủ tịch Adam Silver cho biết điều này hoàn toàn có thể cảm thông với các cầu thủ, nhất là trong bối cảnh giải đấu đang gặp nhiều khó khăn như hiện tại.
"Tôi tôn trọng những hành động đó. Việc đấu tranh và biểu tình ôn hòa như vậy sẽ không phải nhận bất cứ án phạt nào từ giải đấu", Adam Silver chia sẻ với báo giới.
Kế hoạch tái khởi động lại mùa giải năm nay cũng gặp ít nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và các cuộc biểu tình đấu tranh vì xã hội diễn ra ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Một số cầu thủ thậm chí đã chấp nhận việc không nhận tiền lương cho phần còn lại của mùa giải và đứng ngoài kế hoạch nối lại mùa giải.
Hiểu rõ tâm tư của cầu thủ, NBA trước đó cũng đã phê duyệt việc cho các cầu thủ thay đổi tên phía sau áo thi đấu bằng những dòng thông điệp xã hội. Cùng với đó, dòng chữ "Black Lives Matter" cũng đã được NBA cho gắn lên 3 mặt sân đấu ở khu phức hợp thể thao ESPN Wide World trong suốt quá trình thi đấu.
Với phần lớn số cầu thủ tại NBA là người Mỹ gốc Phi, rõ ràng việc này sẽ giúp cho các cầu thủ có tâm lý thoải mái nhất khi thi đấu.
Cả NBA lẫn NBPA (Hiệp hội cầu thủ NBA) đã thống nhất với nhau rằng việc tận dụng sức mạnh truyền thông của giải đấu để truyền tải thông điệp "Black Lives Matter" là một phương án hoàn hảo. Họ vẫn có thể cùng nhau chống lại các bất công xã hội, trong khi giải đấu vẫn có thể diễn ra như dự kiến.
Bạn nên quan tâm