Tuổi nghề của vận động viên thể thao thường chỉ ỡ ngưỡng 30, và luôn có nguy cơ phải đứt gánh giữa chừng vì chấn thương. Vì vậy, học vấn hoàn toàn có thể trở thành cứu cánh cho nhiều VĐV thể thao, để có thể tìm nghề nghiệp mới, tiếp tục cuộc sống.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Mỹ Hậu - hiệu trưởng trường THPT Năng khiếu TDTT TP.HCM.
Nhưng với đặc thù của phần lớn các môn thể thao chuyên nghiệp, phải luyện tập và thi đấu ròng rã cả năm trời, sẽ rất khó để các VĐV có thể theo được trọn vẹn chương trình học dù chỉ ở cấp phổ thông.
Chính vì vậy, nhân dịp mùng 3 Tết thầy, hãy cùng tìm hiểu thêm về chuyện học văn hóa của những VĐV chuyên nghiệp, qua lời tâm sự của cô Nguyễn Thị Mỹ Hậu - hiệu trưởng trường THPT Năng khiếu TDTT TP.HCM.
VĐV học khác người thường thế nào?
Đầu tiên là chuyện giờ giấc học tập của các VĐV rất khác so với học sinh bình thường. Đặc biệt với những VĐV đẳng cấp quốc gia, thường có những chuyến tập huấn, thi đấu dài ngày. Hiểu đơn giản như trường hợp của các cầu thủ U23 Việt Nam đã có quãng thời gian ròng rã 3 tháng, tập huấn trong và ngoài nước, rồi thi đấu ở hai giải là SEA Games 30 và VCK U23 châu Á 2020.
Những học sinh là VĐV chuyên nghiệp cần có thời gian học phù hợp với lịch thi đấu, tập huấn.
Cô Mỹ Hậu cho hay: "Nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với HLV để lên lịch dạy văn hóa cho các em. Chương trình dạy và học là chính thống, nhưng thời gian cần phải được tính toán. Hiện tại, mỗi tuần các VĐV sẽ học vào 6 buổi sáng. Lịch như thế để các em có thể theo kế hoạch tập luyện và thi đấu".
"Nhà trường hiểu rõ nhiều đặc thù của các VĐV thể thao, như việc nếu có VĐV đi tập huấn dài ngày và không thể lên lớp, chúng tôi sẽ dạy qua mạng, dạy online. Cũng vì thế mà các bộ môn của trường đã biên soạn chương trình riêng, làm sao cho việc học của VĐV được đảm bảo liên tục, không có lỗ hổng trong kiến thức".
"Ai đi học cũng sẽ rõ, nếu đang học mà nghỉ giữa chừng thì lúc quay lại sẽ rất khó để theo. Vì thế, chúng tôi luôn cố gắng để các VĐV tích lũy đủ kiến thức, chỉ vậy mới hy vọng hoàn thành bài thi. Em nào chưa đủ thì sẽ mở lớp bồi dưỡng thêm".
"Việc phải điều chỉnh giờ học phù hợp cho các VĐV cũng rất vất vả với các giáo viên. Nhưng nhìn chung các thầy, các cô cũng quen rồi, hiểu và thông cảm cho học trò".
Đích thân cô hiệu trưởng cũng tham dự nhiều hoạt động ngoại khóa cùng học sinh, và cô cũng là admin của trang facebok trường THPT NKTDTT TP.HCM.
"Đầu óc ngu si, tứ chi phát triển" còn đúng không?
Đây là một thành kiến có từ rất lâu để nói về chuyện học không đến nơi đến chốn của phần lớn các VĐV chuyên nghiệp. Không chỉ riêng ở Việt Nam mà ngay cả thế giới, rất nhiều VĐV chuyên nghiệp được cả trường nhớ tới vì những trò quậy phá hơn là chuyện học vì điểm số toàn... trứng vịt.
Như trường hợp của cầu thủ nổi tiếng người Anh - Wayne Rooney hồi học cấp 2, đánh nhau với đàn anh lớp trên rồi còn phá hoại tài sản nhà trường. Hay trường hợp của VĐV bơi lội huyền thoại Michael Phelps, nghịch trong giờ học đến mức giáo viên đã phải mời phụ huynh lên để phán rằng: "Thằng bé không có tài năng".
Nhưng sự thật thì sao? "Nói vậy là do chưa hiểu hết tình cảnh của các VĐV. Và cũng chưa đúng vì vẫn có nhiều em học rất tốt một số môn và còn đạt danh hiệu học sinh giỏi", cô hiệu trưởng Mỹ Hậu chia sẻ.
"Vấn đề là mình cần có sự thông cảm vì khối lượng vận động của các em quá lớn. Tôi từng chứng kiến trường hợp của một em VĐV xe đạp. Trong một buổi sáng mà em đó đạp từ TP.HCM đi Vũng Tàu rồi về (gần 200km). Đạp xong rồi chiều phải lên lớp học. Đặt trường hợp như người bình thường đi xe gắn máy thôi còn thấy mệt, thấy buồn ngủ rồi".
"Mình cần có sự thông cảm. Tôi thấy nhiều em tập nặng trước khi lên lớp, vào ngồi máy lạnh xong gục đầu ngủ luôn. Mấy cô cũng chỉ nhắc dậy đi rửa mặt để học tiếp. Mình nương theo học trò thôi chứ không thể gắt được đâu. Vì mấy em cũng có cái khó".
Còn một điều nữa khiến cô Mỹ Hậu trăn trở, các VĐV thể thao có nhiều nỗi lo hơn là chuyện học tập: "Thực tế thì những gia đình khó khăn mới cho con chơi thể thao đỉnh cao. Cho con theo nghiệp thể thao đỉnh cao để nhận lương, nhận chế độ tự nuôi lấy bản thân. Nhiều khi một đứa theo nghiệp thể thao có thể nuôi được cả nhà luôn. Vì tự bản thân nhiều VĐV cũng bớt lại phần chế độ để lo cho gia đình, người thân".
VĐV thể thao rất hiếu thắng nhưng sau cùng tất cả đều trọng nghĩa tình
Cô hiệu trưởng Mỹ Hậu xuất thân trong gia đình có truyền thống thể thao, với người cha đã khuất là ông Nguyễn Văn Tiền (Mười Tiền), từng là cầu thủ rồi sau đó là HLV trưởng của đội Thể Công từ năm 1954 đến 1973. Bản thân cô Mỹ Hậu cũng là tay vợt cự phách trong làng bóng bàn phong trào TP.HCM.
Cũng vì lý do này mà khi được hỏi về một trong những khó khăn khi dạy học các VĐV chuyên nghiệp, phải đối mặt với bản tính hiếu thắng luôn phải có trong thể thao, cô Mỹ Hậu nhẹ nhàng, vui vẻ chia sẻ:
"Ngay cả mình đi đánh giải phong trào còn hiếu thắng nói chi các em VĐV đỉnh cao. Tất nhiên là phải hiểu được, VĐV phải có tính hiếu thắng, sự hơn thua để duy trì tính cạnh tranh, phấn đấu và vươn lên. Thể thao phải có thắng có thua nữa mà".
Cô Mỹ Hậu là tay vợt có tiếng trong làng bóng bàn phong trào TP.HCM.
"Gặp trường hợp học sinh hiếu thắng với thầy cô, bản thân cô sẽ kiềm học sinh lại và cho học sinh hiểu rằng, dù thi đấu hay ở ngoài cũng vậy, hiếu thắng với ai thì cũng phải có sự trung thực bản thân chứ không phải làm mọi cách và sử dụng tiểu xảo, gian lận để chiến thắng. Hiếu thắng rồi giành chiến thắng đi. Quan trọng là cái chiến thắng đó có được sự công nhận của mọi người và có tính vinh quang không?".
Sau tất cả, trong mắt cô Mỹ Hậu, mọi học trò là VĐV thể thao đều rất coi trọng tình nghĩa. Cô kể: "Mùng 3 Tết thầy, Tết cô, ngay cả những học trò của ba tôi vẫn nhớ tới. Dù ba tôi đã mất hơn 10 năm nay rồi, nhưng vào mùng 3 vẫn có những học trò của ba từ ngày xưa tới thăm gia đình và thắp nhang cho thầy cũ".
"Nhìn chung thì lớp trẻ sau này cũng có nhiều điều khiến thầy cô phải buồn. Nhưng nhiệm vụ của mình là giúp học trò trưởng thành mà. Cảm giác làm nghề giáo mà phải đình chỉ học học sinh thì khó nói lắm. Những trường hợp phải đuổi học, đều đã ở mức quá lắm rồi, không còn cách nào hơn".
"Tôi cũng nhớ có trường hợp của một em là VĐV bơi lội tên Dũng. Hồi cấp 2 bị lưu ban 1 năm, xong lớp 10 vào được trường của cô. Quậy lắm, phải đưa ra hội đồng kỷ luật mấy lần. Mình làm vậy để răn đe nó thôi chứ không muốn học trò cứ vậy mà lụi đi. Rồi sau đó Dũng nó cũng trưởng thành. Về sau hay nhớ về cô. Mà nói chung là nhiều học trò sau này cũng về trường dạy học luôn nên cũng chẳng cần Tết thầy, Tết cô gì cả, gặp hoài luôn rồi".
"Nhiệm vụ của giáo viên là giúp học trò trưởng thành".
Cô Mỹ Hậu từng dạy thể chất ở trường Trung học Sư phạm (giờ là trường THPT Trần Đại Nghĩa), trường CĐ Sư phạm (sau này là ĐH Sài Gòn) rồi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường THPT Năng khiếu TDTT TP.HCM.
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa hai môi trường, một bên là học sinh bình thường, còn một bên là những VĐV thể thao, cô Mỹ Hậu đúc kết rằng: "Hồi đầu cô có nhiều bỡ ngỡ lắm. Như dạy ở trường sư phạm, các em đều hiểu sau này mình cũng sẽ là thầy giáo, cô giáo, nên giữ nề nếp tốt. Còn ở trường TDTT, các em đều có cá tính mạnh, nhiều em còn nổi tiếng nữa".
"Cô cố gắng làm thôi, cơ bản mình cũng xuất thân từ gia đình thể thao, hồi 3 tuổi tôi đã theo ba ra sân bóng rồi. Mình cũng hiểu các em như thế nào và đem hết tấm lòng, tình yêu thương ra để dạy".
Bạn nên quan tâm