Bản thân tôi chưa từng có suy nghĩ sẽ đặt chân tới Việt Nam trước đây. Tôi đến với Hanoi Buffaloes đơn thuần vì mối quan hệ bằng hữu giữa mình và HLV Todd Purves. Ông ấy là người đã có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự nghiệp của tôi. Gần như mọi quyết định thi đấu của tôi đều đến từ người thầy ấy.
Từ những ngày thi đấu tại Trung Quốc rồi HongKong, tôi luôn theo chân người thầy của mình. Việc tôi đến với Hanoi Buffaloes năm 2018 như một chuyện đã được sắp đặt trước. Cũng thật không ngờ nơi đây đã giữ chân tôi đến tận bây giờ.
Có lẽ điều khiến bản thân tôi yêu quý Todd Purves và đội bóng này chính là triết lý gia đình của họ. Todd luôn cố gắng xây dựng văn hoá gia đình và yêu cầu tất cả các cầu thủ phải "share the ball" (chia sẻ trái bóng). Đơn giản chỉ là những ý tưởng lớn gặp nhau mà thôi, bởi tôi cũng là người thi đấu khá đồng đội. Sự thực rằng tôi có thể ghi trung bình gần 50 điểm cho Hanoi Buffaloes thế nhưng đóng góp trên mọi khía cạnh từ phòng ngự, kiến tạo cũng như tạo điều kiện phát triển cho tất cả mọi người mới là ưu tiên hàng đầu.
Trong những buổi họp đội, HLV Todd Purves luôn ghi một dòng chữ "gia đình" lên bảng trước mỗi trận đấu. Thật tuyệt vời rằng điều đó được cả ban huấn luyện, đội ngũ y tế, các vị lãnh đạo lẫn cổ động viên ủng hộ nhiệt tình. Ngay cả khi Todd rời đi để nhường cho HLV Eric Weissling, ngọn đuốc ấy vẫn được lưu giữ và phát triển mạnh mẽ. Không thể hạnh phúc hơn được nữa.
Đôi khi thứ văn hoá này chỉ đến từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày. Tôi đã 38 tuổi rồi, vậy nên việc chăm sóc cơ thể và đặt những câu hỏi về nó mỗi ngày là cực kỳ cần thiết. Đội ngũ y tế luôn ở đó khi tôi cần để đưa ra những lời khuyên về dinh dưỡng hay chế độ tập luyện.
Tôi cũng có mối quan hệ tuyệt vời với chủ sở hữu của đội bóng hơn bất cứ đâu mình từng thi đấu. Ngay từ ngày đầu mùa giải thứ nhất của mình, ông ấy đã đích thân bước vào phòng thay đồ nói rằng cả đội chỉ cần chơi hết sức, thi đấu cho đáng mặt một cầu thủ Buffaloes chứ đừng đặt quá nặng chiến thắng lên vai.
Phải nói về khán giả nữa. Qua nhiều mảnh đất từng thi đấu, quả thật tôi chưa thấy nơi nào sở hữu nguồn năng lượng lớn như ở đây. Tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm trận đấu đầu tiên của mình. Đó chỉ là một trận giao hữu trên sân nhà Bách Khoa trước Danang Dragons. Tình huống ấy tôi cướp được bóng và chạy lên phản công nhanh. Với cái rổ trống trải trước mặt tôi chẳng ngại ngần gì mà thực hiện ngay một cú úp rổ ngược. Cả cầu trường bùng nổ trong những tiếng reo hò vang dội. Dù đã tiếp đất nhưng tôi vẫn không thể tin được cảm xúc mình vừa trải qua.
Đó chỉ là điều hết sức bình thường thôi mà tại sao họ lại trao gửi cho mình thật nhiều năng lượng đến vậy? Tôi tự hỏi. Tôi đã làm gì đặc biệt đâu? Có lẽ cũng chính từ khoảnh khắc ấy tôi đã biết được mình muốn ở đâu. Thực ra nó cũng chỉ là một sự đổi chác thôi. Mọi người đã cho tôi quá nhiều nguồn năng lượng tích cực, vì thế bản thân tôi cảm thấy mình cần làm gì đó để trả ơn. Như một nhẽ công bằng.
Thú thực rằng trong quãng thời gian chơi bóng tại đây, tôi đã chứng kiến cũng như trải qua khá nhiều chuyện. Đặc biệt đó là trải nghiệm của dịch bệnh Covid-19 khủng khiếp vào năm ngoái. Trước khi bước vào mùa giải VBA 2020, tôi tới Nhật để thi đấu. Theo kế hoạch, tôi sẽ ở đó trong 4 tháng từ tháng 2 tới tháng 5.
Thế nhưng chủng virus quái ác kia đã khiến tôi bị kẹt lại nước Nhật tới 7 tháng. Cứ mỗi lần vợ tôi gọi điện từ Việt Nam sang, trái tim tôi lại như rơi ra khỏi lồng ngực. Dù cho đó đôi khi chỉ là để trò chuyện hay cho các con được nghe giọng bố. Bởi vạn nhất xảy ra chuyện gì đó, tôi làm sao có thể ở bên họ để chở che như nhiệm vụ của mình.
Tôi đã bỏ lỡ tới 7 tháng lớn lên của cậu con trai 1 tuổi. Những giờ phút đáng ra con phải có sự kề bên của người cha. Đây có thể nói là giai đoạn cực kỳ khủng hoảng của hai vợ chồng chúng tôi. Cũng trong khoảng thời gian ấy, tôi đã nhận được lời mới ký hợp đồng thi đấu lớn cho một đội bóng mạnh tại Nhật. Thế nhưng chỉ hai tuần sau Hanoi Buffaloes điện cho tôi rằng VBA sẽ trở lại, "Anh có quay lại không Mike Bell?".
Chẳng hề chần trừ. Tôi lên máy bay về Việt Nam đoàn tụ với gia đình, bỏ lại bản hợp đồng khổng lồ kia lại đất Nhật. Không một chút vương vấn.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Bắc Carolina (quê hương của Michael Jordan). Nếu các bạn không biết thì đây là nơi bóng rổ và bóng chày cực kỳ phát triển trong cộng đồng. Ngay từ thuở nhỏ, bố và mẹ đã luôn muốn tôi trở thành một cầu thủ bóng chày, thậm chí là chuyên nghiệp. Tôi vẫn nhớ vào ngày 6 tuổi, cha đã đăng ký tên tôi chuẩn bị thi đấu cho mội giải dành cho các cậu nhóc 7 tuổi.
Bởi vì nhỏ tuổi hơn nên cha chuẩn bị cho tôi các bài tập rất kỹ càng nhằm giúp con mình có thể đương đầu với thử thách đầu đời này. Ngày nào cũng như ngày nào, trong lúc chúng bạn trong khu vui chơi chạy nhảy nô đùa với nhau thì tôi tập bóng cùng cha. Đó là cảm giác cực kỳ khó chịu với một đứa trẻ. Cha tôi hiểu điều này nhưng vẫn rất nghiêm khắc đồng thời động viên rằng nếu muốn ra chơi cùng các bạn, con cần hoàn thành buổi tập đã.
Ngày ấy tôi không hiểu rằng ông đã rèn luyện cho tôi một nếp sống có kế hoạch trong suốt phần đời còn lại của mình. Cha mẹ tôi ly thân khi tôi lên 9, thế nhưng bài học đầu đời bố để lại đã đi theo tôi mãi mãi kể cả khi ông không chung sống với tôi nữa. Cũng nhờ thế, con đường tiến lên trong bóng rổ của tôi cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Năm 10 tuổi, tôi tham gia một CLB ngoại khoá dành cho nam sinh trong những ngày bố không đến đón từ trường về nhà. Nơi ấy có một sân bóng rổ cho tất cả lũ trẻ chơi. Thời gian đầu tôi chơi khá tệ, thế nhưng bóng rổ bắt đầu cuốn hút tôi thực sự. Từ đó trở đi, ngày nào tôi cũng đến sân không bỏ một bữa nào. Bài học của bố cho tôi một nhận định rằng sự kiên trì sẽ đưa trình độ của mình bắt kịp chúng bạn. Kobe Bryant khi xưa còn bị loại khỏi đội tuyển trường cơ đấy. Thế nhưng bằng việc tập luyện hơn gấp đôi các đồng đội, anh ấy đã được chọn. Chắc bạn cũng biết phần còn lại của câu chuyện rồi đúng không?
Cũng giống như bóng chày trước đây, tôi dần bắt kịp các bạn đồng trang lứa rồi vượt mặt họ trong bóng rổ. Mọi chuyện cứ thế đi lên theo năm tháng cũng hàng giờ tôi đổ mồ hôi trên sân bóng. Tôi khá cao lớn, thế nhưng tôi không hề ỷ lại vào lợi thế này mà luôn tìm cách phát triển lối chơi của mình ra ngoài vòng ba điểm. Cố gắng nhìn trận đấu một cách rộng nhất có thể.
Nấc thang tiếp theo đến vào ngày tôi tốt nghiệp phổ thông rồi chuẩn bị vào đại học. Ngày ấy tôi được cả ba trường đại học lớn nhất bang là Duke, UNC và NC State gửi thư đề nghị học bổng. Nếu bạn theo dõi, Duke và UNC là những trường đại học sở hữu đội bóng rổ mạnh nhất trên toàn nước Mỹ. Theo lẽ thông thường, NC State sẽ bị loại bỏ để hướng tới hai ngôi trường lớn kia. Tuy nhiên tôi lại chọn NC State.
Lý do cho chuyện này xuất phát từ một nguyên nhân khá chủ quan. Các tuyển trạch viên từ Duke và UNC có đề nghị rằng tôi nên tập gym nhiều hơn nhằm tăng cân, phát triển cơ bắp để khoẻ hơn nhằm đương đầu với các cầu thủ hàng trong. Trong khi đó, NC State lại muốn tôi chơi vị trí cầm bóng. Không mất thêm một phút, tôi xếp hành lý để đến với ký túc xá của "Bầy sói" (biệt danh đội bóng rổ NC State).
Tất nhiên NBA không phải mục tiêu duy nhất của tôi. Kể cả bây giờ nhìn lại, tôi cũng không cảm thấy tiếc khi không được chọn tại Draft. Đơn giản vì tôi chỉ muốn được là phiên bản Mike Bell tốt nhất có thể mà thôi. Một Mike Bell đóng góp mọi thứ mình có, bằng toàn bộ nỗ lực cho tất cả các tập thể mình tham gia.
Không được thi đấu tại NBA đồng nghĩa với cuộc đời phiêu bạt thi đấu nước ngoài thú vị của tôi bắt đầu. Tất nhiên ngoài việc được đi đây đi đó mang đến sự thú vị nhất định, tôi cũng phải nghĩ ngay đến việc mình cần phải "tồn tại" khi chẳng biết gì về xung quanh. Vì thế tôi có cho mình một bộ quy tắc giúp mình có thể sống sót ở bất cứ đâu.
Việc đầu tiên khi tôi đến một thành phố mới hay thậm chí một đất nước mới đó chính là tìm được nơi tôi có thể truy cập internet và đồ ăn. Tôi là người khá đơn giản, thực đơn của tôi giống việc nạp năng lượng cho công việc hơn là thưởng thức hay tìm hiểu thứ gì đó mới. Ở điểm này thì tôi và vợ khác nhau một trời một vực. Vợ tôi là một đầu bếp nên cô ấy cực kỳ thích tìm hiểu văn hoá ẩm thực bản địa. Đến đâu cô ấy cũng thích nấu những món mới cho cả gia đình.
Thế nhưng tôi thì khác. Tôi chỉ ăn mỳ Ý thôi. Bạn có thể nói tôi nhạt nhẽo nhưng mà tôi là như thế. Mỳ Ý cung cấp năng lượng cực kỳ đầy đủ cho các buổi tập cũng như việc thi đấu của bản thân. Thậm chí khi tôi đi ăn cùng cả đội trong mùa giải tôi cũng nhắc nhở trưởng đoàn hãy cho tôi ăn những món quen thuộc. Tất nhiên tôi cũng thỉnh thoảng thử món mới thế nhưng bạn biết đấy, có kế hoạch an toàn vẫn hơn.
Quay lại chuyện tập luyện và thi đấu. Ngay từ những năm đầu thi đấu ở hải ngoại, tôi đã nhận ra rằng mình cần phải đủ thể chất để thi đấu một cách lâu dài. Các giải đấu ngoài NBA khó lòng có thể cung cấp những hợp đồng khổng lồ, vì thế tôi cần sự ổn định mà cụ thể ở đây là bản thân có thể thi đấu đủ lâu. Và vì thế tôi bắt đầu tập yoga từ năm 25 tuổi.
Quãng thời gian đầu, các bạn bè và đồng đội chẳng ít người cười cợt vì tôi theo đuổi cái bộ môn bọn họ cho dành cho nữ giới này. Thế nhưng chính yoga là một trong những nguyên nhân giúp tôi có thể thi đấu lâu đến như vậy. Thậm chí đến bây giờ một số người trong bọn họ lại quay ra hỏi tôi về việc nhập môn yoga như thế nào. Tôi cũng chỉ biết mỉm cười đáp rằng thời điểm này đã muộn rồi. Cơ thể con người cũng giống như một chiếc xe hơi, bạn cần phải biết chăm sóc nó từ khi mới mua về.
Nhìn trước vấn đề và tự vạch ra kế hoạch là một yếu tố quan trọng, thế nhưng quan trọng hơn hết thảy chính là bước vào thực hiện kế hoạch đã vạch ra. Đến giờ tôi vẫn cảm ơn bố về những giờ tập luyện bóng chày tưởng chừng vô nghĩa trước đây. Bởi theo một cách gián tiếp, cha đã cho tôi hiểu giá trị của lao động là lớn như thế nào.
Tôi vẫn luôn coi bóng rổ và tập luyện là công việc mình yêu chứ không đơn thuần là công việc để kiếm ra tiền. Nếu bạn không thích điều mình đang làm, bạn sẽ mãi chỉ mãi mang danh một người làm công ăn lương mà thôi. Và chắc chắn việc thi đấu với tư tưởng kiếm tiền sẽ chẳng thể đưa bạn đi xa trong sự nghiệp được.
Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian thi đấu ở Nhật trước khi sang Việt Nam, có nhiều người bạn bản địa luôn miệng khen rằng tôi có thể thi đấu đến năm 45 tuổi. Khi ấy tôi chỉ cười lớn và để câu chuyện sang một bên. Sự thực đó là điều tôi đã nhìn ra từ trước rất lâu. Kể cả khi tôi đã dính chấn thương và phải phẫu thuật cả hai chân thế nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn biết cơ thể mình đủ mạnh mẽ cho mọi thử thách trên sân.
Đánh bại Mike Bell của ngày hôm qua là tâm niệm hàng ngày trong tôi. Nghe có vẻ to tát nhưng thực ra mọi chuyện đơn giản và cụ thể hơn nhiều. Tôi có thói quen ghi chép lại những bài tập hàng ngày của mình vào một cuốn sổ từ ngày còn trẻ. Theo mỗi năm, tôi vẫn cố gắng đánh bại những thành tích này trước khi bắt đầu mùa giải mới.
Hoặc giả như trong giai đoạn hồi phục hậu chấn thương, khi mọi người chẳng muốn làm gì ngoài việc nằm trên giường thì tôi đã bắt đầu tập hồi phục chức năng. Nếu tôi không muốn, tôi sẽ làm gấp đôi. Bởi đó là công việc mà, cần phải nghiêm túc mọi lúc mọi nơi. Sự khác biệt giữa một dân chuyên và kẻ nghiệp dư tôi nghĩ nằm ở việc có trách nhiệm với bản thân là thế.
Cho đến bây giờ tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng đức tính kiên trì sẽ luôn chiến thắng tài năng. Tôi tin rằng có đến 90% khả năng một cầu thủ chăm chỉ và nỗ lực sẽ chiến thắng cầu thủ trên tài mình nếu nhân tài kia thi đấu không hết mình. Anh chàng sở hữu năng lực thiên bẩm sẽ thỉnh thoảng ghi điểm, đôi khi khiến khán giả phải ồ lên bởi sự đẹp mắt. Thế nhưng đến cuối ngày khi nhìn lên bảng tỉ số, tất cả những điều đó đều trở vô nghĩa khi anh ta để mất bóng tới vài lần.
Ai cũng biết rằng LeBron James là cầu thủ hay nhất thế giới. Thế nhưng thực sự trong thâm tâm tôi chưa bao giờ sợ phải đối đầu với bất cứ ai hay thậm chí là chính anh ấy trên sân. Tôi có thể ném bóng vượt qua tấm bảng và đưa bóng vào rổ nhưng chắc chắn Lebron không thể bật cao hơn chừng đó nhằm block đường bóng ấy. Dông dài nhiều cũng chỉ để rút gọn lại rằng Mike Bell hãy tập trung làm những điều Mike Bell giỏi nhất, nỗ lực hết mình trên sân. Vậy đã là quá đủ rồi.
Tôi vẫn luôn quan niệm rằng bất cứ nơi nào có gia đình mình ở đó thì đó là nhà. Việt Nam cũng vậy bởi dẫu sao chúng tôi cũng đã có 4 năm ở đây. Tôi cũng từng có khoảng thời gian khá dài sinh sống ở Nhật, tuy nhiên rào cản ngôn ngữ ở đó quá lớn khiến việc chọn Việt Nam trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Khá thú vị khi có cho mình một tổ ấm nằm bên ngoài quê hương. Bạn hiểu ý tôi chứ?
Thực sự việc quyết định ở lại Việt Nam cũng một phần vì tôi đã nhìn ra con đường giảng dạy bóng rổ ở phía trước mắt tại đây. Tôi không có ý định trở thành một HLV dẫn dắt một đội bóng thực thụ mà muốn làm một chuyên gia đào tạo cầu thủ. Tôi biết rằng bản thân khá giỏi trong việc xây dựng nền tảng cho lứa cầu thủ trẻ.
Đó là một lần tôi về thăm nhà ở Bắc Carolina, hai cha con tôi ngồi lái xe dạo chơi thăm thú những kỉ niệm xưa. Và bỗng nhiên trong đầu tôi nảy ra một ý tưởng rồi nó bộc phát ngay lập tức ra ngoài. Tôi nói với cha rằng một người bình thường sẽ mất khoảng 8 năm kể từ thời điểm bước chân vào đại học để có tấm bằng tiến sĩ. Trong khi đó con đã chơi bóng 16 năm rồi, con phải sở hữu trong tay hai tấm bằng tiến sĩ về chuyên môn bóng rổ rồi mới phải. Cha tôi gật gù đồng ý.
Tôi có một người cộng sự và là cựu đồng đội tại Hanoi Buffaloes mà tôi rất tin tưởng. Ngay khi anh ấy trò chuyện điện thoại đề cập về vấn đề cả hai có thể kết hợp xây dựng một trung tâm huấn luyện tôi đã đồng ý ngay lập tức. Và thế rồi trung tâm dạy học của tôi và cậu ta ra đời. Từ thời điểm đó, tôi không chỉ có tập luyện chuẩn bị thi đấu mà còn có giảng dạy trong lịch trình hàng tuần của mình nữa.
Nói thật rằng máu huấn luyện đã ăn sâu vào máu tôi chứ không chỉ đơn thuần trên sân giảng dạy lũ trẻ chơi bóng rổ. Ngay cả với hai nhóc tì nhà tôi, ngày nào với chúng cũng là những buổi huấn luyện về cuộc sống.
Tôi có thói quen quay lại video về những hành động mỗi ngày của chúng. Chẳng hạn khi con gái tôi làm một việc gì đó không tốt, tất cả sẽ được tôi quay lại để cuối ngày cả nhà cùng xem với nhau nhằm giúp bé rút ra kinh nghiệm. Tất nhiên tôi không chỉ quay lại những hành động xấu mà cũng ghi hình lại những việc làm tốt vì các con tôi đều là những đứa trẻ tuyệt vời.
Trong nhà tôi luôn tồn tại một nguyên tắc đó là tập trung trước vui vẻ sau. Nếu bọn trẻ muốn vào bữa ăn, chúng phải tập trung vào chuyện mình phải làm trước bữa ăn đó là rửa tay. Nếu muốn đi dạo cùng tôi vào buổi sáng thì hãy tập trung vào việc dọn dẹp giường của mình trước. Cho rằng tôi nghiêm khắc quá cũng được nhưng có lẽ dòng máu của bố chảy trong huyết quản tôi quá mạnh đấy.
Nói vậy thôi, chứ tôi là người cực kỳ mềm mỏng với vợ con đặc biệt từ sau những gì trải qua trên đất Nhật năm ngoái. Ở độ tuổi này tôi đã không còn hứng thú với những bữa tiệc tùng vui chơi ngoài kia nữa rồi. Mà sự thực tôi cũng chưa bao giờ là mẫu người như vậy. Thời đại học tôi không hề tham dự một buổi ăn chơi nào với chúng bạn vì tôi có cho riêng mình mục tiêu vào sự nghiệp bóng rổ trước mắt.
Hiện tại cũng vậy, việc đầu tiên tôi nghĩ tới sau buổi họp đội đó là trở về để ăn với gia đình. Về với các con và người vợ yêu dấu, cùng nhau xem lại băng hình về ngày hôm nay đã có những chuyện gì. Có lẽ đến lúc này bạn cũng nhận ra rồi chứ. Với tôi mọi thứ đều bắt đầu từ bên trong gia đình và kết thúc cũng chính tại bên trong gia đình.