Lịch sử World Cup (Kỳ 3): Brazil hay nhất lịch sử, chất thực dụng của Đức "bóp chết" tổng lực Hà Lan

NGUYỄN ANH DŨNG , 14:14 13/06/2018 | World Cup 2018

Chia sẻ

Giai đoạn 1970 đến 1982 là thời kỳ huy hoàng nhất của World Cup với những đội tuyển đã đi vào huyền thoại, cùng với những thay đổi về luật lệ đặt nền tảng cho bóng đá hiện đại.

I. World Cup 1970

1. Tổng quan

Nước chủ nhà: Mexico

Thời gian: từ 31/5 đến 21/6/1970

Thể thức: đấu bảng và loại trực tiếp

Vô địch: Brazil

Á quân: Italy

Hạng ba: Tây Đức

Hạng tư: Uruguay

Vua phá lưới: Gerd Mueller (Tây Đức, 10 bàn)

Tổng số trận đấu: 32

Tổng số bàn thắng: 95 (trung bình 2.97 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 1.673.975 (trung bình 52.666 người/trận)

World Cup 1970 chứng kiến sự vắng mặt đáng tiếc của nhiều đội tuyển mạnh như Pháp, Hungary, Argentina và cả hai đội tuyển bán đảo Iberia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Hàng loạt yếu tố khách quan đặt khả năng thành công của kỳ World Cup đầu tiên bên ngoài châu Âu và Nam Mỹ vào vòng nghi ngờ. Đó là độ cao, không khí loãng, khí hậu nóng, giờ thi đấu bất hợp lý... Nhưng hóa ra, World Cup 1970 lại được coi là giải đấu hay nhất trong lịch sử ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Từ giải đấu năm đó, chưa có kỳ World Cup nào sở hữu tỷ lệ 2,97 bàn mỗi trận, cũng chưa có chân sút nào ghi được 10 bàn trong một giải như Gerd Mueller.

2. Brazil hay nhất lịch sử

Không chỉ có những tập thể mạnh như Brazil, Đức, Anh hay Italy, World Cup 1970 còn có những cái tên sáng chói như Pele, Jaizinho, Gerd Muller, Beckenbauer, Cubilas hay Rivera.

World Cup 1970 còn được nhớ đến bởi màn cứu thua ngoạn mục của thủ thành người Anh Gordon Banks trong trận gặp Brazil ở tứ kết. Mà sau này, người ta gọi là màn cứu thua hay nhất lịch sử World Cup. Gordon Banks, thủ môn hay nhất lịch sử bóng đá Anh, bị lỡ đà khi Jairzinho tạt bóng cho Pele đội đầu vào góc ngược lại. Như một phép lạ, Banks vẫn kịp phản xạ, bay hết chiều ngang khung thành để ngăn cản bàn thua trông thấy. 

Lịch sử World Cup (Kỳ 3): Brazil hay nhất lịch sử, chất thực dụng của Đức bóp chết tổng lực Hà Lan - Ảnh 1.

Đội hình Brazil tham dự World Cup 1970.

Nhưng tất cả những ấn tượng đó đã bị che mờ vì Brazil, với 11 cái tên được đánh giá là xuất chúng nhất lịch sử. Thứ bóng đá họ trình diễn hoàn hảo trên mọi khiến cạnh. Brazil 1970 hội tụ những siêu sao với kỹ thuật siêu việt và một vị HLV với tư duy chiến thuật linh hoạt. Sau World Cup 1966 thảm họa trên đất Anh, Brazil đã có sự trở lại quá đỗi mạnh mẽ và đạt đến trạng thái hoàn hảo.

Trong đội hình Brazil năm ấy có đến 5 trung phong xuất sắc gồm Pele, Tostao, Gerson, Jairzinho và Rivelino. HLV Mario Zagallo làm chuyện hiếm thấy: ông đưa cả 5 chân sút cự phách ấy vào đội hình chính của Selecao trên đất Mexico. Gerson đá tiền vệ, còn Jairzinho và Rivelino đá tiền đạo cánh trong sơ đồ 4-2-4. Xuất phát là vậy. Còn khi lâm trận, các cầu thủ Brazil tấn công một cách tự nhiên và nhuần nhuyễn đến nỗi chẳng còn giới hạn nào về sơ đồ hoặc vai trò cá nhân.

FIFA quy định: đội đầu tiên VĐTG 3 lần sẽ được sở hữu vĩnh viễn cúp Jules Rimet. Vì thế, khi Brazil và Italy (mỗi đội đều đã vô địch 2 lần) dắt tay nhau vào trận chung kết Mexico 1970, FIFA sẽ phải làm cúp mới cho những kỳ World Cup sau. Và vinh quang đã thuộc về Brazil khi họ thắng áp đảo Azzurri 4-1 trong trận đấu cuối cùng có tới 107.412 khán giả chứng kiến.

Trận chung kết này được đánh giá là một trong 10 trận đấu hay nhất của World Cup, nhưng sự thật chỉ có một đội bóng hay nhất đó là Brazil. Roberto Boninsegna cân bằng 1-1 cho Italy, sau bàn mở tỷ số của Pele. Gerson lại giúp Brazil vượt lên, và trận chung kết coi như ngã ngũ khi Jairzinho nâng tỷ số lên 3-1. Bàn ấn định 4-1 của Carlos Alberto chỉ làm cho mọi chuyện đẹp mắt, thuyết phục hơn. Họ vô địch lần thứ ba và sở hữu chiếc cúp Jules Rimet vĩnh viễn trong phòng truyền thống của mình. Một chức vô địch vĩ đại với tập thể vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Brazil.

Lịch sử World Cup (Kỳ 3): Brazil hay nhất lịch sử, chất thực dụng của Đức bóp chết tổng lực Hà Lan - Ảnh 2.

Brazil vô địch lần thứ ba, được giữ cúp Jules Rimet nhưng làm mất cúp. Kẻ trộm đã nung chảy cúp để lấy vàng.

Tất nhiên, một kỳ World Cup được nhiều người cho là hay nhất trong lịch sử thì không chỉ có mỗi Brazil, cũng không chỉ có mỗi trận chung kết là đáng nhớ. Tại World Cup 1966, Đức cân bằng tỷ số 2-2 vào phút chót trận chung kết giữa họ với chủ nhà Anh, khiến trận đấu phải bước vào hiệp phụ. Bây giờ, Đức lại gỡ 2-2 sau khi bị Anh dẫn trước 2 bàn, và họ thắng luôn 3-2 trong hiệp phụ của trận tứ kết đầy kịch tính.  Đến vòng bán kết, Đức lại gỡ hòa 1-1 vào phút chót trước Italy, lại đưa trận đấu vào hiệp phụ, và lại ghi được tổng cộng 3 bàn. Hai đội thay nhau dẫn bàn, và Italy giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 4-3. Đây không chỉ là trận đấu hay nhất Mexico 1970, mà còn được đánh giá là tuyệt vời nhất trong lịch sử World Cup.

3. Những điều đọng lại

World Cup 1970 chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong cung cách tổ chức của FIFA khi lần đầu tiên, luật thay cầu thủ được áp dụng với tối đa 2 người. Bên cạnh đó, thẻ vàng thẻ đỏ được sử dụng, quả bóng Adidas trắng đen được chọn lựa cùng việc phát World Cup trên TV màu là những ấn tượng khác nữa về VCK bóng đá thứ 9 trong lịch sử nhân loại.

Với pha ghi bàn nâng tỉ số lên 3-1 cho Brazil trong trận chung kết, tiền đạo Jairzinho trở thành người thứ 3 trong lịch sử World Cup lập công ở tất cả các trận đấu tại một kỳ Cúp Thế giới. Trước đó, Alcides Ghiggia (Uruguay) và Just Fontaine (Pháp) cũng có được kỳ tích như Jairzinho.

Năm 1983, Brazil đã đánh mất chiếc cúp Jules Rimet phiên bản thật. Kẻ trộm đã nung chảy để lấy vàng.

II. World Cup 1974: Chất thực dụng Tây Đức 'bóp chết' tổng lực Hà Lan

1. Tổng quan

Nước chủ nhà: Tây Đức

Thời gian: từ 13/6 đến 7/7/1974

Thể thức: vòng bảng và bảng tuyển chọn

Số đội tham dự VCK: 16

Vô địch: Tây Đức

Á quân: Hà Lan

Hạng ba: Ba Lan             

Hạng tư: Brazil

Vua phá lưới: Grzegorz Lato (Ba Lan, 7 bàn)

Tổng số trận đấu: 38

Tổng số bàn thắng: 97 (trung bình 2.55 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 1.774.022 (trung bình 46.685 người/trận)

Giải đấu tại nước Đức đánh dấu màn ra mắt của chiếc cúp mới, là sản phẩm nghệ thuật do nhà điêu khắc người Italy Silvio Gazzaniga thực hiện. Chiếc cup này vẫn được FIFA trao tặng cho các đội bóng vô địch cho đến tận ngày nay. Trước đó, chiếc cup vô địch có tên Jules Rimet đã ba lần thuộc về đội tuyển Brazil và được trao vĩnh viễn cho đội bóng Nam Mỹ (đánh mất năm 1983).

Ở vòng chung kết 1974, thể thức thi đấu đã thay đổi khi 16 đội được chia thành bốn bảng, mỗi bảng chọn hai đội đứng đầu vào vòng bảng tuyển chọn. Tại đây chia hai bảng, mỗi bảng bốn đội tiếp tục đá vòng tròn để tìm ra đội đứng đầu bảng vào chung kết, hai đội đứng thứ hai mỗi bảng sẽ đá trận tranh hạng ba. Thể thức này biến trận đấu giữa hai đội mạnh nhất bảng thành một trận chung kết thực thụ.

2. Trận chung kết đáng nhớ

Trước World Cup 1974, Hà Lan chỉ là một đội tuyển bóng đá tầm trung, không thắng nổi Iceland hoặc Luxembourg trong các trận đấu quan trọng. Họ cực kỳ mờ nhạt trong trí nhớ của người hâm mộ bóng đá thế giới. Tuy nhiên, chỉ cần một kỳ đại hội với chức Á quân, 'Cơn lốc màu da cam' đã trở thành cường quốc bóng đá cho tới tận bây giờ.

40 năm trước trên đất Đức, lối chơi tiki-taka đã lần đầu tiên xuất hiện và Hà Lan là đội trình diễn phong cách này. Johan Cruyff và đồng đội thực hiện các pha đan bóng khiến người xem thật sự kinh ngạc.

Trên đường đi tới trận đấu cuối cùng, Hà Lan đã biến Brazil thành nhà cựu vô địch sau màn so tài trực tiếp ở vòng bảng thứ hai. Toàn thắng cả 2 trận trước đó, Hà Lan cùng Brazil bước vào trận chiến một mất một còn, đội nào thua không được vào bán kết mà phải đi thẳng tới trận tranh hạng ba. Kết quả chung cuộc, Brazil không thể chống đỡ nổi thế trận tấn công tổng lực của Hà Lan và để cho hai chàng Johan (Johan Neeskens và Johan Cruyff) ghi bàn thắng ở các phút 50 và 65.

Brazil huyền thoại năm 1970 được vinh danh là nhà vô địch hay nhất lịch sử đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho bóng đá tổng lực mang thương hiệu Hà Lan và sự thực dụng của người Đức.

Chung kết Tây Đức vs Hà Lan là một trong những trận cầu kinh điển của thế giới. Khi trận đấu bắt đầu, Hà Lan là đội giành quyền giao bóng trước và họ lập tức chơi trò mèo vờn chuột, khiến các cầu thủ Tây Đức đuổi theo bóng một cách tuyệt vọng. Bóng lần lượt qua chân Johan Cruyff, Neeskens, Hanegem rồi lại được luân chuyển tới Rijsbergen, Haan… Hơn một phút đầu trôi qua, thế trận cứ diễn ra theo cách Hà Lan chuyền, Tây Đức đuổi.

Sau những giây đầu đá như… trêu đối thủ, Hà Lan đưa bóng sang phần sân đối phương và Cruyff là người dẫn bóng vào khu cấm địa Tây Đức, Uli Hoeness (chủ tịch Bayern bây giờ) không còn cách ngăn cản nào khác ngoài phạm lỗi và đội bóng xứ Tulip vươn lên dẫn trước bằng pha lập công trên chấm 11m. Cả đội Tây Đức chưa được chạm vào bóng trước khi Hà Lan mở tỷ số. Khi đó, người Hà Lan gọi cách chơi của thày trò HLV Rinus Michels là bóng đá tổng lực (Total Football).

Lịch sử World Cup (Kỳ 3): Brazil hay nhất lịch sử, chất thực dụng của Đức bóp chết tổng lực Hà Lan - Ảnh 3.

Thủ quân Franz Beckenbauer giương cao chiếc cúp mới.

Ở World Cup 1974, Hà Lan chỉ lên ngôi về sự ấn tượng, về thứ bóng đá tổng lực mà họ đã thi triển còn chuyện lên ngôi vô địch thì phải nhắc đến Tây Đức và thủ lĩnh của họ, "Hoàng đế" Beckenbauer.

Trong một trận đấu mà Tây Đức được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước sức tấn công vũ bão của Hà Lan, Beckenbauer và các đồng đội đã thể hiện được tinh thần bất khuất của người Đức. Bị dẫn trước ngay từ phút thứ hai, Đức đã nhanh chóng tái lập thế cân bằng chỉ hơn hai mươi phút sau đó.

Kịch tính của trận chung kết được đẩy lên cao khi chủ nhà có bàn thắng vươn lên cuối hiệp một, nhờ công của sát thủ huyền thoại Gerd Muller. 45 phút đầu tiên, người ta đã thấy tinh thần quật cường của người Đức thì trong 45 phút tiếp theo, tinh thần ấy càng được phát huy một cách mạnh mẽ hơn nữa nhờ vào bản lĩnh mang tên Beckenbauer. Ông chuyền bóng, đi bóng, đoạt bóng, phá bóng rồi lại chuyền bóng. Với Hoàng đế, chẳng có vị trí nào trên sân mà ông không chơi được.

3. Những điểm thú vị

a. Đội đầu tiên vô địch World Cup sau chức vô địch Euro

Tây Đức trở thành đội bóng đầu tiên đăng quang tại World Cup sau khi vô địch châu Âu. Với chiến thắng 2-1 trước Hà Lan, Tây Đức đã khẳng định được sức mạnh và sự thống trị tuyệt đối. Sau Tây Đức 1974, phải tới World Cup 2010 Tây Ban Nha mới trở thành đội bóng thứ hai vô địch thế giới sau khi lên ngôi ở châu Âu.

b. Cầu thủ đầu tiên bị thẻ đỏ

Carlos Caszely của Chile trở thành cầu thủ đầu tiên nhận thẻ đỏ và bị truất quyền thi đấu tại World Cup, trong trận đấu với Tây Đức. Thực ra, FIFA đã áp dụng luật thẻ đỏ từ World Cup 1970 nhưng ở giải đấu diễn ra tại Mexico, các trọng tài không phải dùng tới tấm thẻ này. Sau Caszely, còn có tới 4 cầu thủ khác phải nhận thẻ đỏ tại World Cup 1974.

c. Hiện tượng Ba Lan

Cùng với Hà Lan, Ba Lan đã mang đến cho World Cup 1974 những nét mới đặc sắc. Họ đánh bại Brazil để giành ngôi đệ tam anh hào thế giới. Nhưng ấn tượng hơn, nếu tính về điểm số, Ba Lan có 12 điểm bằng với Tây Đức sau 6 trận thắng, 1 trận thua (2 điểm cho 1 trận thắng, 1 điểm cho 1 trận hòa). Ngoài ra, Ba Lan là đội ghi nhiều bàn thắng nhất với 16 bàn và có vua phá lưới Leto.

d. Liên Xô bỏ cuộc

Số đội tham gia vòng loại World Cup 1974 tăng vọt khiến Liên Xô dù đã về nhất trong bảng của họ ở khu vực châu Âu vẫn phải đá play-off với Chile. Trận lượt đi vào tháng 9/1973 tại Moscow, có tỷ số 0-0. Nhưng sau những rắc rối chính trị tại Chile với việc nhà độc tài Augusto Pinochet lên nắm quyền, Liên Xô đã quyết định không đá trận lượt về. Chile nghiễm nhiên giành vé sang Đức.

III. World Cup 1978: FIFA dung túng cho Argentina

1. Tổng quan

Thời gian: từ 1/6 đến 25/6/1978

Chủ nhà: Argentina

Số sân vận động: 6

Số đội tham dự: 16

Vô địch: Argentina

Á quân: Hà Lan

Hạng ba: Brazil 

Hạng tư: Italy

Vua phá lưới: Mario Kempes (Argentina – 6 bàn)

Cầu thủ hay nhất giải: Mario Kempes

Tổng số trận đấu: 38

Tổng số bàn thắng: 102 (trung bình 2.68 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 1.610.215 (trung bình 42.374 người/trận)

2. Bối cảnh giải đấu

Argentina của những năm 1978 sở hữu dàn cầu thủ đồng đều, chất lượng cao. Thế nhưng, việc đội bóng này lên ngôi trực tiếp trên sân nhà trong một bối cảnh chính trị nhạy cảm cũng để lại không ít nghi vấn. Khẩu hiệu của chính quyền Argentina khi ấy là "25 triệu người Argentina sẽ cùng tham gia World Cup". Nói cách khác, Argentina phải vô địch bằng mọi giá. Họ đã chi 1 tỷ USD cho World Cup, con số cực lớn ở thời điểm cách nay 40 năm.

Đối với chính quyền Argentina, chức vô địch World Cup 1978 sẽ giúp họ giải quyết hàng loạt vấn đề quan trọng bên ngoài bóng đá, từ vấn đề nội chính đến bộ mặt của cả đất nước trên trường quốc tế, từ an ninh cho tới chính trị.

3. FIFA dung túng cho chủ nhà

Loạt đấu cuối cùng của bảng B tuyển chọn giữa 4 đội Argentina, Brazil, Peru và Ba Lan diễn ra trong bối cảnh Argentina và Brazil đang có cùng điểm số sau 1 thắng và 1 hòa. Cuộc cạnh tranh suất vào chung kết là chuyện riêng giữa hai đại gia bóng đá Nam Mỹ.

Luật đấu bảng tuyển chọn yêu cầu tất cả trận đấu mỗi lượt phải diễn ra cùng giờ. Nhưng dưới sự dung túng của FIFA, chủ nhà Argentina tha hồ hoành hành. Họ tự ý phá bỏ thể thức giải, tự cho đội mình cái quyền đá muộn hơn. Brazil phải đá trước và đánh bại Ba Lan 3-1. Nếu muốn đi tiếp, Argentina phải thắng Peru cách biệt ít nhất 4 bàn.

Khi gặp Argentina, Peru đã hết hy vọng đi tiếp, và họ thi đấu hết sức hời hợt, kết quả Argentina thắng với tỷ số 6-0 nhờ rất nhiều sai lầm của đối thủ. Báo chí Brazil hồi đó viết: "Thắng bao nhiêu cũng vô ích. Nếu Brazil thắng 50-0 thì Argentina sẽ thắng thắng 52-0!". Sau giải đấu, việc Peru được nhận 35.000 tấn ngũ cốc viện trợ cùng một số lợi ích kinh tế của Argentina rõ ràng đã khiến những nghi án càng lúc càng trở nên có cơ sở.

Lịch sử World Cup (Kỳ 3): Brazil hay nhất lịch sử, chất thực dụng của Đức bóp chết tổng lực Hà Lan - Ảnh 4.

Argentina ăn mừng danh hiệu vô địch thế giới đầu tiên.

Argentina tiếp tục bị chỉ trích khi bước vào trận chung kết với Hà Lan. Đội chủ nhà dùng đủ loại tiểu xảo để gây ức chế cho đội khách. "Cơn lốc màu cam" cho rằng các cầu thủ Argentina đã cố tình vào sân muộn để làm giảm hưng phấn đối thủ. Sau đó Argentina còn gây sức ép với trọng tài, vì cầu thủ Van Der Hoff của Hà Lan quấn băng ở cổ tay.

Trận chung kết diễn ra muộn hơn thường lệ. Với tâm lý hưng phấn, Argentina giành chiến thắng 3-1 sau 2 hiệp phụ. Tiền đạo Mario Kempes lập cú đúp. Với tổng cộng 6 bàn thắng, Kempes trở thành vua phá lưới của giải.

 4. Những điều thú vị

a. Brazi bất bại những chỉ giành hạng 3

Brazil là đội duy nhất bất bại tại VCK World Cup 1978, song chỉ giành hạng ba. Brazil thắng 1 và hòa 2 ở vòng bảng thứ nhất. Ở vòng bảng thứ 2, Selecao xếp sau Argentina vì kém hiệu số, với 2 thắng và 1 hòa. Ở trận tranh hạng ba, họ đã đánh bại Italy 2-1.

b. Bàn thắng của Zico

Cuối trận gặp Thụy Điển ở vòng bảng thứ nhất, ĐT Brazil được hưởng phạt góc và Zico nhảy lên đánh đầu. Bất ngờ tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài Clive Thomas vang lên ngay trước khoảnh khắc quả bóng bay vào gôn, thế là bàn thắng không được công nhận. Vì sự cố này mà FIFA đã đưa ra quyết định: nếu gặp tình huống dứt điểm hoặc sút phạt, trọng tài chỉ được thổi còi kết thúc trận đấu khi tình huống ấy trôi qua.

c. ĐT Pháp phải mượn áo thi đấu

Trận Pháp gặp Hungary tại vòng bảng thứ nhất đã xảy ra một tình huống trớ trêu khi cả hai đội đều mặc áo trắng. Trong lúc BTC chưa biết xử lý ra sao thì Pháp quyết định mượn áo đấu của một CLB địa phương. Dù không được mặc màu áo truyền thống, Pháp vẫn đá rất hay và giành chiến thắng 3-1. Tuy nhiên, họ phải sớm xách vali về nước vì chỉ xếp thứ 3 sau Italy và Argentina.

d. Chiến thắng đầu tiên của châu Phi

FIFA vẫn chỉ cấp cho châu Phi một suất dự World Cup 1978. Tỷ lệ chọi lúc ấy là... 26 đội lấy 1. Hai lần tham dự trước đó, cả hai đại diện của bóng đá lục địa đen là Ai Cập và Zaire đều ra về tay trắng, thậm chí chẳng có điểm nào. Ở lần dự giải này, Tunisia với tư cách là đại diện duy nhất của châu Phi, dù không thể lọt vào vòng hai trong một bảng đấu có sự góp mặt của Ba Lan và Tây Đức nhưng cũng kịp để lại những ấn tượng bằng trận thắng 3-1 trước Mexico ở trận ra quân.

IV. World Cup 1982: Chức vô địch không thể tin nổi của Italy

1. Tổng quan

Nước chủ nhà: Tây Ban Nha

Thời gian: 13/6 - 11/7

Thể thức: vòng bảng và bảng tuyển chọn

Số đội tham dự: 24

Số trận thi đấu: 52

Số bàn thắng: 146 (trung bình 2,81 bàn/trận)

Đội vô địch: Italy (vô địch lần 3)

Á quân: Tây Đức

Hạng ba: Ba Lan

Tổng số khán giả: 2.109.723 (40.571 người/trận)

Cầu thủ xuất sắc nhất: Paolo Rossi (Italy)

Vua phá lưới: Paolo Rossi (Italia - 6 bàn)

2. Thể thức thi đấu

Espana 1982 chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thể thức thi đấu khi số lượng các đội tuyển dự VCK đã không còn là 16. Thay vào đó, 24 đội bóng sẽ được chia thành 6 bảng thi đấu vòng tròn, hai đội đầu bảng đi tiếp. Ở vòng kế tiếp, 12 đội được xếp trong 4 bảng tuyển chọn, mỗi bảng 3 đội. Bốn bảng đấu này sẽ tiếp tục thi đấu vòng tròn với nhau để tìm ra bốn cái tên xuất sắc nhất lọt vào vòng bán kết. Giai đoạn thứ ba quyết định sẽ bao gồm hai trận bán kết, một trận tranh HCĐ và trận chung kết.

3. Chức vô địch không tưởng của Italy

Italy đến Espana 1982 với không nhiều kỳ vọng cho lần lên ngôi thứ ba trong lịch sử. Họ đã lâu không giành danh hiệu và thậm chí mới trải qua scandal dàn xếp tỉ số Totonero rúng động khắp châu Âu. Ngôi sao sáng nhất, Paolo Rossi chỉ mới trở lại sau hai năm bị cấm chơi bóng vì liên quan tới một vụ bê bối dàn xếp tỷ số. 

Người Italy tỏ ra bất bình vì quyết định triệu tập Rossi, họ càng có lý khi đội tuyển nhà hòa cả 3 trận vòng bảng và Rossi không ghi nổi lấy một bàn. May mắn lọt vào vòng bảng tuyển chọn nhờ hơn Cameroon đúng một bàn thắng, những tưởng cuộc hành trình của Italy tại Espana 82 sẽ kết thúc chóng vánh khi đối thủ sắp tới của thầy trò Enzo Bearzot là hai gương mặt sừng sỏ Brazil và Argentina. Tuy nhiên, càng đi sâu Italy chơi càng hay. Sau khi đánh bại Argentina 2-1, "đoàn quân thiên thanh" tiếp tục có một chiến thắng sát nút 3-2 nữa trước ứng viên số một Brazil, nhưng điều mà người ta chú ý hơn cả chính là cú hat-trick mà Rossi đã ghi được.

Lịch sử World Cup (Kỳ 3): Brazil hay nhất lịch sử, chất thực dụng của Đức bóp chết tổng lực Hà Lan - Ảnh 5.

Italy ăn mừng chức vô địch thế giới năm 1982.

Ba bàn thắng vào lưới Brazil hoa mỹ nhất lịch sử như một liều thuốc kích thích tinh thần hạng nặng với Rossi. Điều này càng được chứng tỏ khi ông là chủ nhân của cả hai pha lập công giúp Italy đánh bại "Đại bàng trắng" Ba Lan trong trận bán kết, đặt vé vào chung kết gặp Tây Đức.

Ở trận đấu quan trọng nhất giải, Paolo Rossi tiếp tục là điểm sáng lớn trên hàng công Azzuri khi thi đấu tích cực và chứng tỏ sự nguy hiểm mỗi lần được các đồng đội trao gửi niềm tin. Dù không còn thói quen ghi tất cả bàn thắng của Azzuri trong trận song pha làm bàn mở tỷ số cũng là quá đủ để giúp Rossi trở thành người hùng trong chiến thắng của Italy trước "Những cỗ xe tăng". Pha lập công thứ 6 đó chính thức giúp Rossi đăng quang ngôi Vua phá lưới Espana 1982, bên cạnh danh hiệu không thể tin nổi của Italy.

4. Ấn tượng Brazil

Đến với Espana 1982, Brazil tiếp tục trình làng thế hệ cầu thủ tấn công kiệt xuất gồm những Zico, Socrates, Falcao hay Eder. Họ được kỳ vọng rất nhiều, và thực tế sự kỳ vọng ấy được đáp ứng khi người ta chứng kiến phong độ đỉnh cao của thầy trò Tele Santana tại vòng bảng thứ nhất. Là một trong hai đội giành trọn sáu điểm tại vòng bảng, nhưng những gì Brazil làm được tại bảng tử thần là ấn tượng nhất. Họ lần lượt hạ Liên Xô 2-1, thắng đậm Scotland 4-1 và cuối cùng là chiến thắng dễ 4-0 trước tân binh New Zealand.

Vòng đấu bảng thứ hai của Brazil đã có thể suôn sẻ hơn sau chiến thắng trước người láng giềng Argentina, nếu họ không đụng phải Italy và Paolo Rossi quá xuất thần. Socrates và Falcao ghi hai bàn cho Selecao nhưng một mình Rossi với cú hat-trick thần thánh đã nhấn chìm Brazil và khiến đội bóng áo vàng xanh phải trở về trong tiếc nuối tột cùng.

Từ thất bại tại giải này, chính người Brazil cũng nhận ra việc cố nhét những ngôi sao vào một tập thể đã quá lỗi thời. Chiến thuật hợp ký mới là chìa khoá thành công. Sau này, khi Brazil lên ngôi ở 2 kỳ World Cup 1994 và 2002, đấy đều là những tập thể kém hào hoa hơn thế hệ đàn anh, nhưng có được sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự.

5. Những điều thú vị

a. Lần đầu đấu súng

Trận bán kết Tây Đức - Pháp tại World Cup 1982 là trận đấu đầu tiên trong lịch sử World Cup mà đôi bên phải phân thắng bại bằng loạt sút luân lưu 11m. Đấy cũng là một trong những trận đấu hấp dẫn nhất, kịch tính nhất lịch sử. Pháp dẫn đến 3-1 trong hiệp phụ, vậy mà sau đó vẫn thua 4-5 trên chấm luân lưu.

b. Tiếng còi ma

World Cup 1982 chứng kiến sự cố chưa từng thấy trong lịch sử. Trong trận Pháp gặp Kuwait, một tiếng còi cất lên khi Pháp tấn công và các cầu thủ Kuwait dừng lại để Alan Giresse ghi bàn, nhưng vấn đề là tiếng còi ấy không phải của trọng tài mà xuất phát từ trên khán đài. Bàn thắng này được công nhận, thế rồi hoàng tử Fahid, chủ tịch LĐBĐ Kuwait khi đó đã xuống đường biên và tranh cãi với trọng tài, ông dọa sẽ rút đội bóng khỏi giải đấu. Áp lực khiến trọng tài phải thay đổi quyết định của mình nhưng kết quả Pháp vẫn thắng 4 – 1. Ngay sau đó, trọng tài chính bị treo còi và hoàng tử Fahid bị phạt 14.000 USD.

 c. Những sự thật thú vị khác

- Đây là World Cup đầu tiên có đủ đội tuyển đến từ 6 liên đoàn bóng đá khu vực.

- Algeria trở thành đội tuyển châu Phi đầu tiên đánh bại một đội bóng châu Âu khi thắng Đức 2-1 ở vòng 1.

- Đội vô địch Italy không thắng nổi một trận nào ở vòng bảng. Chiếc giày vàng Paolo Rossi thì không ghi nổi bàn nào trong 4 trận đầu tiên. Tuy nhiên sau đó họ đã thắng 3 nhà vô địch trước đó là Argentina, Tây Đức và Brazil để giành cúp vàng.

- 16 bàn của tuyển Pháp ở TBN năm 1982 được ghi bởi 10 cầu thủ, một kỷ lục.

- Norman Whiteside, 17 tuổi 41 ngày, trở thành cầu thủ trẻ nhất tham dự một kỳ World Cup khi anh ra sân trong màu áo Bắc Ireland trận gặp Nam Tư.

- Laszlo Kiss trở thành cầu thủ vào thay người đầu tiên ghi hat-trick ở World Cup và đó cũng là hat-trick nhanh nhất lịch sử World Cup trong trận đấu kỷ lục, Hungary thắng El Savador 10-1.

- Giống như các giải đấu trước đó, số áo của các cầu thủ Argenitna được xếp theo thứ tự ABC. Nhưng Maradona đã thực hiện một ngoại lệ khi đổi số áo cho Patrico Hernadez để mặc chiếc áo số 10, sau đó trở thành huyền thoại.