LeBron James và những thăng trầm trong màu áo tuyển Mỹ: Từ khoảnh khắc đen tối ở Athens đến đỉnh cao tại London 2012

NHẬT PHẠM , 09:00 03/07/2021 | Bóng rổ

Chia sẻ

Là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử NBA, sự nghiệp của LeBron James trong màu áo tuyển quốc gia cũng chứa đựng rất nhiều thăng trầm trong 15 năm vừa qua.

Bên cạnh sự chú ý cho những trận đấu cuối cùng của mùa giải NBA 2020-2021, NHM trên khắp thế giới cũng đã bắt đầu dành sự quan tâm cho giải đấu Olympic Tokyo, diễn ra vào cuối tháng 7 tới đây. Danh sách 12 cái tên sẽ khoác lên mình màu áo đội tuyển quốc gia Mỹ đã được công bố với nhiều sự kỳ vọng, cũng như lời tiếc nuối cho những ngôi sao không tham dự. Trong số những cầu thủ quyết định nghỉ ngơi có cả LeBron James.

LeBron James quyết định không thi đấu ở Olympic Tokyo 2021 để nhường lại cho các cầu thủ trẻ

Là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử NBA, LeBron James đã có gần như đầy đủ bộ sưu tập danh hiệu cá nhân lẫn thành tích tập thể. Trong màu áo quyển quốc gia, "The King" cũng đã mang về 2 chiếc huy chương vàng Olympic.

Tuy nhiên, sự nghiệp của siêu sao 36 tuổi trong màu áo "Uncle Sam" cũng không trải đầy hoa hồng, mà còn chứa đựng rất nhiều nốt trầm trong những năm đầu tiên thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp.

Khoảnh khắc "đen tối" tại Olympic Athens 2004

Ngay sau khi được lựa chọn ở vị trí số 1 bởi Cleveland Cavaliers tại NBA Draft 2003, LeBron James đã trải qua một mùa giải tân binh bùng nổ với 20,9 điểm, 5,9 rebounds và 5,5 kiến tạo. Điều này giúp chàng trai 19 tuổi khi ấy có được một vị trí trong đội hình tuyển Mỹ tham dự kỳ Olympic Athens năm 2004.

LeBron James và những thăng trầm trong màu áo tuyển Mỹ: Từ khoảnh khắc đen tối ở Athens đến đỉnh cao tại London 2012 - Ảnh 2.

Olympic Athens 2004 là một trong những thất bại tủi hổ nhất của đội tuyển Mỹ trên đấu trường quốc tế

Tuy nhiên, đội tuyển Mỹ khi ấy có quá nửa nhân sự dưới 24 tuổi, cũng như không có những cầu thủ tốt nhất tham dự vì những vấn đề cá nhân. Bên cạnh đó, HLV Larry Brown cũng xứng đáng nhận về những lời chỉ trích khi quá bảo thủ trong cách cầm quân, cũng như không thể tìm ra giải pháp êm thấm cho những rắc rối nơi phòng thay đồ.

Với việc thiếu kết dính trong nội bộ, đội tuyển Mỹ đã thất bại trước Lithuania cùng với trận thua 19 điểm trước Puerto Rico ngay ở vòng bảng. Mặc dù vượt qua Tây Ban Nha ở Tứ kết, thế nhưng "Uncle Sam" đã phải dừng bước ở vòng Bán kết trước sức mạnh của Argentina cùng những hảo thủ như Manu Ginobili và Luis Scola, kết thúc một trong những giai đoạn đen tối nhất của lịch sử bóng rổ Mỹ trên đấu trường quốc tế.

LeBron James và những thăng trầm trong màu áo tuyển Mỹ: Từ khoảnh khắc đen tối ở Athens đến đỉnh cao tại London 2012 - Ảnh 3.

LeBron James không có một giải đấu thành công trong màu áo "Uncle Sam"

Xuyên suốt giải đấu năm ấy, LeBron James không được sử dụng quá nhiều khi chỉ có trung bình 5,8 điểm, 2,6 rebounds cùng với việc chỉ đứng trên sân chưa đầy 15 phút cho mỗi trận đấu.

Sự tiếc nuối của "Thế hệ vàng 2003" tại FIBA World Cup 2006

Mặc dù không nhận được quá nhiều sự quan tâm như Thế vận hội, giải đấu FIBA World Cup vẫn là nơi mà đội tuyển Mỹ không muốn để mất đi vị thế trên đấu trường quốc tế. Họ tập hợp một đội quân với nòng cốt là LeBron James, Dwyane Wade, Carmelo Anthony và Chris Bosh, những tinh tú của "Thế hệ vàng 2003" cùng sự góp mặt của những Chris Paul và Dwight Howard.

LeBron James và những thăng trầm trong màu áo tuyển Mỹ: Từ khoảnh khắc đen tối ở Athens đến đỉnh cao tại London 2012 - Ảnh 4.

LeBron James và Carmelo Anthony dẫn đầu "Thế hệ vàng 2003" tại FIBA World Cup 2006

Với sức mạnh vượt trội, đội tuyển Mỹ dễ dàng toàn thắng cả 5 trận đấu vòng bảng với hệ số +115. Trong đó, họ đã rửa được mối hận với Puerto Rico 2 năm trước tại đất Hy Lạp. Thầy trò HLV Mike Krzyzewski tiếp tục vượt qua Australia và Đức, trước khi đụng độ Hy Lạp tại Bán kết năm ấy.

Tuy nhiên, sự non kinh nghiệm của dàn sao trẻ NBA khi ấy lại không thể hóa giải được hàng phòng ngự lừng danh của "Vùng đất của các câu chuyện thần thoại", khi thất thủ với tỉ số 95-101. Càng cay đắng hơn khi biết rằng, Hy Lạp chỉ ghi được đúng 47 điểm trong trận đấu cuối cùng trước Tây Ban Nha ở mùa giải năm ấy.

LeBron James và những thăng trầm trong màu áo tuyển Mỹ: Từ khoảnh khắc đen tối ở Athens đến đỉnh cao tại London 2012 - Ảnh 5.

Tuy nhiên, dàn sao trẻ của NBA đã không thể thắng được kinh nghiệm của những chiến binh Hy Lạp

LeBron James ghi trung bình 13,9 điểm, 4,8 rebounds và 4,1 kiến tạo trong giải đấu năm ấy và một lần nữa, thành công chưa thể tìm đến ngôi sao này với chiếc huy chương Đồng thứ 2 trong màu áo tuyển quốc gia.

Đội hình "Báo thù" tại Olympic Bắc Kinh 2008

4 năm sau thất bại tủi nhục tại Olympic Athens, đội tuyển Mỹ quyết tâm lấy lại tất cả những gì đã mất trên đất Trung Quốc. Bên cạnh dàn cầu thủ tài năng ở FIBA World Cup 2006 được giữ lại, Mỹ còn có sự góp mặt của một Kobe Bryant thời đỉnh cao, cùng một Jason Kidd dày dặn kinh nghiệm ở tuổi 35 trong đội hình.

LeBron James và những thăng trầm trong màu áo tuyển Mỹ: Từ khoảnh khắc đen tối ở Athens đến đỉnh cao tại London 2012 - Ảnh 6.

LeBron James cùng đội tuyển Mỹ quyết tâm báo thù cho thất bại của đội tại Olympic Athens 2004

Dưới bàn tay của HLV Mike Krzyzewski, đội tuyển Mỹ đã càn quét cả vòng bảng với 5 trận toàn thắng cùng hệ số +161. Họ dễ dàng vượt qua Australia và nhà ĐKVĐ Argentina với những tỉ số cách biệt, trước khi hạ gục Tây Ban Nha với khoảng cách 11 điểm để giành lại vinh quang cho cường quốc bóng rổ số 1 thế giới.

Đây cũng là giải đấu đầu tiên, NHM được thấy Kobe Bryant và LeBron James đứng chung chiến tuyến. Những ngờ vực về sự ăn ý của bộ đôi này nhanh chóng tan biến, khi họ đã có những màn trình diễn đỉnh cao xuyên suốt giải đấu.

LeBron James và những thăng trầm trong màu áo tuyển Mỹ: Từ khoảnh khắc đen tối ở Athens đến đỉnh cao tại London 2012 - Ảnh 7.

LeBron James và Kobe Bryant lần đầu tiên khoác chung một màu áo

Đối với cá nhân LeBron James, anh có trung bình 18,1 điểm, 3,6 rebounds và 4,7 kiến tạo, bao gồm việc san bằng kỷ lục 31 điểm của một cầu thủ người Mỹ ở Olympic vào thời điểm ấy. Đây cũng là vinh quang tập thể đầu tiên mà siêu sao này nhận được trong sự nghiệp của mình.

Đỉnh cao Dream Team tại Olympic London 2012

Sau khi từ chối tham dự giải đấu FIBA World Cup 2010, LeBron James trở lại với đội hình tuyển Mỹ tại kỳ Thế vận hội năm 2012. Anh trở thành đội trưởng thay thế cho Kobe Bryant đã 34 tuổi vào thời điểm ấy, đồng thời cũng là lãnh đạo của một đội hình mạnh nhất lịch sử bóng rổ Mỹ, có thể sánh ngang với đội hình huyền thoại năm 1992 với thế hệ Michael Jordan.

LeBron James và những thăng trầm trong màu áo tuyển Mỹ: Từ khoảnh khắc đen tối ở Athens đến đỉnh cao tại London 2012 - Ảnh 8.

Đội hình "Dream Team 2012" tập hợp những cầu thủ xuất sắc nhất nước Mỹ vào thời điểm ấy

Với sức mạnh vượt trội, đội tuyển Mỹ dưới sự dẫn dắt của LeBron James đã càn quét mọi đối thủ cũng như thiết lập hàng loạt kỷ lục khác tại giải đấu năm ấy. Họ chỉ gặp đôi chút khó khăn ở trận Chung kết khi đối mặt Tây Ban Nha, đội bóng cũng sở hữu rất nhiều hảo thủ tại đấu trường NBA. Thế nhưng, 30 điểm của Kevin Durant đã giúp Mỹ bảo vệ thành công chiếc huy chương Vàng.

Ở kỳ Thế vận hội trên đất Anh, LeBron James mặc dù chỉ có 13,3 điểm, 5,6 rebounds và 5,6 kiến tạo trong 8 trận đấu, nhưng anh đã mang về 2 kỷ lục. LeBron James trở thành cầu thủ Mỹ đầu tiên có triple-double ở các kỳ Olympic, cũng như trở thành người thứ 2 sau Michael Jordan có chức vô địch NBA, danh hiệu MVP và huy chương Vàng Olympic trong cùng năm.

LeBron James và những thăng trầm trong màu áo tuyển Mỹ: Từ khoảnh khắc đen tối ở Athens đến đỉnh cao tại London 2012 - Ảnh 9.

Khoảnh khắc cuối cùng của LeBron James trong màu áo đội tuyển Mỹ

Với việc tuyên bố không thi đấu tại Olympic Tokyo 2021 tới đây, nhiều khả năng NHM sẽ không còn được chứng kiến những bước chạy của LeBron James trong màu áo tuyển quốc gia. Tuy nhiên, với việc đã hoàn thành gần như trọn vẹn những thành tích tốt nhất, giờ cũng là lúc "The King" nên lùi lại cho lớp đàn em trong những năm tháng sau này của xứ sở cờ hoa.