Laporta tiết lộ tình hình tài chính tồi tệ của Barca thời kỳ hậu Messi: Quỹ lương và khoản nợ khổng lồ

Trần Giang , 17:29 16/08/2021 | Bóng đá quốc tế

Chia sẻ

Chủ tịch Joan Laporta vừa tiết lộ rất nhiều chi tiết đáng chú ý về tình hình tài chính của Barca trong cuộc họp báo nhằm mục đích phân tích kết quả kiểm toán được tổ chức ngày 16/8.

Quỹ lương: chiếm 103% thu nhập của Barca (lớn hơn hầu hết đội bóng khác ở La Liga khoảng 25-30%).

Nợ: 1,35 tỷ euro (lớn hơn đáng kể so với con số 1,173 tỷ euro được báo chí đưa tin trước đó).

Giá trị ròng: -451 triệu euro (khoản nợ lớn hơn tổng tài sản của El Blaugrana 451 triệu euro).

Thiệt hại do đại dịch COVID-19: 91 triệu euro.

Laporta tiết lộ tình hình tài chính tồi tệ của Barca thời kỳ hậu Messi: quỹ lương và khoản nợ khổng lồ - Ảnh 1.

"Ngay khi vừa nhậm chức (thay Josep Bartomeu từ ngày 7/3/2021), tôi phải vay 80 triệu euro. Chỉ có làm như vậy, Barca mới có thể trả lương cho các cầu thủ", ông Laporta nói thêm.

"Chúng tôi nhận thấy sân vận động Camp Nou cần phải được sửa chữa khẩn cấp. Nếu không, cổ động viên đến sân sẽ gặp nguy hiểm. Việc này ngốn của Barca 1,8 triệu euro".

"Khi tôi vừa đến, câu lạc bộ đã nhận trước 50% tiền bản quyền truyền hình".

"Chính sách tiền lương của hội đồng quản trị trước là một sự sai lầm. Các chuyên gia gọi nó là kim tự tháp ngược, khi cựu binh có hợp đồng dài hạn, còn hợp đồng của cầu thủ trẻ có thời hạn rất ngắn. Điều đó khiến cho việc đàm phán lại hợp đồng trở nên rất khó khăn".

"Chúng tôi đã nhận khoản vay trị giá 550 triệu euro với lãi suất 1,1% để tái cấu trúc câu lạc bộ".

"Ban lãnh đạo cũ nhận được 222 triệu euro sau khi Neymar chuyển đến Paris Saint-Germain năm 2017 và tiêu xài nó một cách vô cùng hoang phí, thiếu tính toán. Để rồi tới thời điểm hiện tại, Barca phải gánh một quỹ lương khủng khiếp".

Laporta tiết lộ tình hình tài chính tồi tệ của Barca thời kỳ hậu Messi: quỹ lương và khoản nợ khổng lồ - Ảnh 2.

Trước khi Barca bước vào trận đấu đầu tiên tại La Liga 2021/22 gặp Real Sociedad, Gerard Pique đã chấp nhận giảm lương tới mức gần như miễn phí để đội bóng áo đỏ lam có thể điền tên 3 tân binh (Memphis Depay từ Lyon và Eric Garcia từ Manchester City dưới dạng chuyển nhượng tự do, Rey Manaj được HLV Ronald Koeman gọi lên đội 1 từ đội trẻ) vào danh sách đăng ký thi đấu lượt đi. 

Trước kia, Pique hưởng mức đãi ngộ 12,74 triệu euro/năm (trước thuế) tại Barca. Tờ Mundo Deportivo (Tây Ban Nha) cho hay, đây không phải lần đầu tiên trung vệ mang áo số 3 đồng ý giảm lương. Năm 2020, Pique chấp nhận giảm lương 1 lần, 2 lần còn lại diễn ra trong năm nay. 

Chưa tới 1 tháng sau khi ký hợp đồng với Barca, Depay cũng chấp nhận giảm lương (từ 7 triệu euro/mùa xuống còn 5 triệu euro/năm). Pique cũng tiết lộ 3 đội trưởng còn lại bao gồm: Sergio Busquets (14,95 triệu euro/năm), Jordi Alba (8,58 triệu euro/năm), Sergi Roberto (9,97 triệu euro/năm) sẽ sớm đồng ý giảm lương. 

Quy định La Liga chỉ cho phép lương trần của Barca dừng lại ở mức 160 triệu euro/năm. Nhưng vào năm 2021, con số này lên tới 443 triệu euro/năm (trước khi Lionel Messi gia nhập PSG). Siêu sao người Argentina sẵn sàng hy sinh 50% mức lương (từ 70,76 triệu euro/năm trước thuế xuống còn 35,5 triệu euro/năm), nhưng Barca vẫn không thể giữ chân anh. 

Thậm chí, "Gã khổng lồ xứ Catalan" vẫn đang nợ Messi 52 triệu euro tiền lương và 39 triệu euro phí lòng trung thành.

Laporta tiết lộ tình hình tài chính tồi tệ của Barca thời kỳ hậu Messi: quỹ lương và khoản nợ khổng lồ - Ảnh 3.

Từ tháng 10 năm ngoái đến đầu tháng 8 năm nay, báo chí Tây Ban Nha đưa tin có tới 6 cầu thủ Barca không chấp nhận giảm lương: Marc-Andre ter Stegen (8,58 triệu euro/năm), Clement Lenglet (2,7 triệu euro/năm), Frenkie De Jong (20,83 triệu euro/năm), Samuel Umtiti (12 triệu euro/năm), Miralem Pjanic (8,4 triệu euro/năm), Antoine Griezmann (45,83 triệu euro/năm).