Theo BXH FIFA, đội tuyển Campuchia đứng thứ 170 thế giới và 35 châu Á. Vì vậy việc họ bị loại sớm khỏi AFF Cup 2018 cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên.
Tuy vậy, trong quá khứ, bóng đá Campuchia đã từng tận hưởng khoảng thời gian đáng tự hào. Đó là vào đầu những năm 1970, khi đội tuyển nước này vào đến tận bán kết Asian Cup 1972, giành Cúp Độc lập ở Nam Việt Nam năm 1972 và Cúp Tổng thống năm 1973 tại Hàn Quốc.
Vào thập niên 1960, Hoàng tử Sihanouk đã đầu tư rất nhiều vào bóng đá. Và cuộc đảo chính năm 1970 của tướng Lon Nol, dẫn đến sự ra đời của nước Cộng hòa Khmer, tiếp tục đưa bóng đá lên cấp độ mới.
"Bóng đá là môn thể thao duy nhất dành cho tất cả mọi người", Kowith Kret, cựu tuyển thủ đã cùng Cộng hòa Khmer nếm trải những vinh quang, hồi tưởng lại, "Khi ấy chúng tôi đánh bại Miến Điện, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nam Việt Nam. Không chỉ chiến thắng các trận đấu, chúng tôi còn là những nhà vô địch".
Đội tuyển Cộng hòa Khmer vào đầu những năm 1970.
Pen Phath, đồng đội của Kret, một cầu thủ chạy cánh có biệt danh "Người rắn" vì khả năng luồn lách qua mọi đối thủ, cho biết thêm: "Những năm đó chúng tôi may mắn được dẫn dắt bởi các HLV đẳng cấp quốc tế, đến từ Nam Tư, Hungary hay Tiệp Khắc, đồng thời liên tục được cọ xát với những đội bóng hàng đầu như Red Star Belgrade hay Sparta Praha. Chúng tôi là dàn cầu thủ kỹ thuật, gắn bó trong một tập thể và rất hiểu nhau".
Nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang. Khmer Đỏ xông vào Phnom Penh ngày 17/04/1975 và Pol Pot nắm quyền điều hành đất nước. Trong vòng 48 tiếng, tất cả nhận lệnh di rời khỏi thủ đô và điểm đến và các vùng nông thôn hẻo lánh.
Khmer Đỏ mong muốn khôi phục lại nền nông nghiệp theo mô hình… thế kỷ 11, đồng thời phá bỏ mọi thứ mà chúng cho là dấu ấn của phương Tây, bao gồm cả giáo dục, đền đài, y tế và thương mại. Dĩ nhiên, càng không có chỗ cho bóng đá.
Kret phải di chuyển về phía đông, hướng Prêy Veng và bị ném vào những lán trại tập thể ở Battambang. "Mọi người đều phải tập trung sản xuất lương thực", Kret nói, "Chúng tôi làm việc trên các cánh đồng 14 giờ mỗi ngày, từ sáng sớm cho đến tối khuya, liên tục đối diện với cái đói cùng roi vọt. Khmer Đỏ thậm chí không cần ban hành các điều luật cấm thể thao, tức bóng đá. Nhưng nếu biết ai đó là cầu thủ, chúng sẽ tra tấn và giết chóc tùy ý".
Đội Cộng hòa Khmer chụp ảnh lưu niệm với các cầu thủ đến từ châu Âu trong một trận giao hữu.
"Bị cái đói hành hạ, chúng tôi phải ăn côn trùng, lá cây hay bất cứ thứ gì để tồn tại. Tôi đã bị ốm, gần như sắp chết, nhưng bằng cách nào đó lại sống sót. Khi có thể đi lại, tôi sẽ lẻn đi ăn cắp những mẩu khoai lang vào ban đêm, hoặc vặt lá cây để lấp đầy dạ dày. Một lần tôi bị bắt, bị đánh đập và tra tấn".
Dù sao Kret vẫn còn may mắn nếu so với 43 người khác thuộc gia đình ông đã bị Khmer Đỏ tàn sát. Bố của ông chẳng hạn. Là viên chức nhà nước, ông phải đi cải tạo ở địa ngục trần gian Tuol Sleng trước khi bị hành hình. Hoặc như các đồng đội từng tận hưởng vinh quang cùng ông, hầu hết đều đã chết. Đến năm 1979, chỉ còn Kret và 4 người khác còn sống.
Pen Phath là một trong số đó. Nó nhờ vào việc ông chơi bóng ở Thái Lan để không phải chịu đựng chế độ Khmer Đỏ. Số là năm 1972 khi cùng tuyển Cộng hòa Khmer tham dự Asian Cup tại Thái Lan, ông rất được đất nước này hâm mộ. Trong trận tranh giải 3 với chủ nhà, người hâm mộ Thái Lan vẫn hô vang tên ông, dù là đối thủ.
Và sau giải đấu, CLB Thái Lan, Rajpracha lập tức ký hợp đồng với Phath. Chủ tịch đội bóng này còn tịch thu hộ chiếu của Phath để ngăn ông trở về Campuchia. "Vì vậy, họ đã cứu mạng tôi", Phath nói.
Năm 1972, CLB Santos của Vua bóng đá Pele tới Thái Lan giao hữu. Ban đầu họ được sắp xếp để chơi với đội tuyển Thái Lan. Nhưng vì tất cả đều muốn Phath chơi trận này, nên tuyển Thái được đổi thành Bangkok XI. Khi hết trận, Pele được hỏi, ấn tượng về điều gì? "Số 7, cậu ta chơi tốt quá", Vua bóng đá nói, "cậu ấy giống như Garrincha vậy". Và "số 7" chính là Phath.
Pen Phath (thứ 2 từ trái sang) bắt tay Vua bóng đá Pele trong trận đấu năm 1972.
Som Saran, đội trưởng của thế hệ đó, là một trường hợp khác. Ông đã trốn sang Việt Nam vào năm 1975 và khoác áo đội bóng Tây Ninh. "Việt Nam đã cứu tôi, cho tôi cuộc sống và sự an toàn", ông nói vào năm ngoái, khi đã 69 tuổi, "Tôi đã đối đầu với những cầu thủ Việt Nam vĩ đại. Tôi rất biết ơn người dân Việt Nam".
Không chỉ cứu Som Saran, quân giải phóng Việt Nam cũng cứu đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng. Sau đó, những người dân xứ sở chùa tháp lại được chơi bóng đá một lần nữa.
Những năm gần đây, nền bóng đá Campuchia có nhiều dấu hiệu khởi sắc. AFF Cup 2018 là lần thứ 2 liên tiếp họ được tham dự vòng bảng. Thứ hạng 170 thế giới hiện tại cũng là bước nhảy vọt so với vị trí 189 cách đây 5 năm.
"Tôi vẫn luôn nhớ về mùi ngô luộc, mùi chuối của các CĐV trên khán đài khi xem bóng đá vào những năm 1960. Hồi ấy sân vận động Olympic không bao giờ có chỗ trống. Người hâm mộ ken dày các lối đi và trèo cả lên mái, sau đó la hét, gõ trống hoặc xoong chậu", Phath nói, "Bây giờ, không khí ấy đang quay trở lại".